Áo dài di sản tỏa sáng ở “thánh đường” tôn sư trọng đạo

Tối 28/6, trong khuôn khổ chương trình ‘Áo dài – Di sản Văn hóa Việt Nam”, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhà thiết kế (NTK) Hà Duy đã có dịp giới thiệu đến công chúng Thủ đô bộ sưu tập Áo dài lấy cảm hứng từ Ca trù – bộ môn nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Ca trù là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp được bắt nguồn từ dân ca, dân nhạc cùng với một số trò diễn và múa dân gian. Xuất hiện sơ khai ở nước ta vào đầu thế kỷ 11, bắt đầu thịnh hành  từ thế kỷ 15 nhưng đến nửa cuối thế kỷ 20, Ca trù mới được thế giới biết đến lần đầu tiên qua tiếng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ (1909 – 2001). Dần dần sau đó, Ca trù còn được nhiều nhạc sĩ, nhạc học gia nước ngoài theo học, tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu tại nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Trải qua quá trình phát triển thăng trầm cùng với những biến cố của lịch sử, cho tới nay, Ca trù đã đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại.

Tuỳ từng địa phương, từng không gian diễn xướng mà hát Ca trù còn được gọi là hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò hay hát ca công.

Tham gia chuỗi sự kiện “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc, khẳng định bản sắc văn hoá qua chiếc Áo dài Việt Nam. góp phần thu thập thông tin lập hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nhà thiết kế Hà Duy đã thiết kế nên bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ nét đẹp Ca trù. Bộ sưu tập đã được NTK giới thiệu đến công chúng Thủ đô trong chương trình ‘Áo dài – Di sản Văn hóa Việt Nam’ diễn ra ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám tối 28/6.

 

 Đặc trưng trong các mẫu áo dài của NTK 8X là chi tiết tay bồng trẻ trung, cách điệu kết hợp đính kết cầu kỳ, hiệu ứng chuyển màu độc đáo.

 

Đan Lê/MASK

Ảnh: Trương Gia Huy, Vũ Toàn