Chuyện ít biết về núi Tổ Ba Vì

Thời bao cấp, vào những ngày trời đẹp, đứng ở đường Thanh Niên có thể nhìn thấy núi Ba Vì. Thời kỳ đó, ở phía Tây của hồ Tây hầu như không có nhà cao tầng, không khí trong lành, không bị ô nhiễm nên không che tầm nhìn.

Dưới chân núi Ba Vì. Ảnh: Quốc Ân

Núi Ba Vì nằm ở phía Tây Hà Nội, cao gần 1.300m. Ca dao xưa có câu: “Nhất cao là núi Ba Vì/ Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Núi Tam Đảo cao hơn Ba Vì, vậy tại sao người xưa lại xếp Tam Đảo sau núi Ba Vì? Đó là vì dân gian quan niệm “Sơn bất tại cao, hữu thần tắc linh” (Núi thiêng không bởi cao mà thiêng vì có thần ở đó). Sách “Việt điện u linh” và “Lĩnh Nam chích quái” đã chép về truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh và núi Ba Vì là nơi thờ thánh Tản Viên (còn gọi là Sơn Tinh). Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh là sản phẩm tinh thần, thể hiện tâm thức Việt: Có chí, có tri, có thiện sẽ chiến thắng cái ác. Nhờ tâm thức này mà người Việt đã nhiều lần chiến thắng quân xâm lược phương Bắc. Trong tín ngưỡng dân gian, thánh Tản Viên được tôn là một trong “tứ bất tử” ở Việt Nam.

Khi Lý Công Uẩn dời đô ra xây thành trên nền cũ thành Đại La, khai sáng kinh thành Thăng Long, ngài rất tin phong thủy. Ba Vì và Tam Đảo che chắn ma quỷ và thế lực đen tối để Thăng Long là kinh đô muôn đời của Đại Việt. Trong “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn có đoạn nói về vượng khí ở vùng đất “rồng cuộn, hổ ngồi” rất mạnh. Thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết “Dư địa chí” và gọi Ba Vì là núi Tổ. Phú Thọ được gọi là đất Tổ vì xa xưa vùng này là nơi sinh sống của người Việt cổ, theo truyền thuyết còn có vua Hùng. Ba Vì chắc chắn không phải là ngọn núi xưa nhất nhưng có lẽ là nơi có đền thờ thánh sớm nhất. Theo “Đại Việt sử ký”, từ thời Lý, trên đỉnh Ba Vì đã có đền Thượng thờ thánh Tản Viên. Vì truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh sinh ra ở núi này mà truyền thuyết phản ánh tâm thức của người Việt. Có một sợi dây kết nối giữa núi Tổ và đất Tổ, đó là lễ hội ở Khê Thượng (nay thuộc huyện Ba Vì) vẫn được duy trì đến ngày nay. Vào đêm 30 Tết, dân làng Khê Thượng tổ chức nghi thức tiễn đưa thánh Tản Viên qua sông Đà về núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) để lễ tết bố vợ. Chiều mùng 2 Tết, dân làng chuẩn bị kiệu, cờ trống, hương án bên bờ sông Đà để bái vọng ngài ở núi Nghĩa Lĩnh và rước ngài về lại núi Ba Vì.

Có lẽ vì những bí ẩn tín ngưỡng trên núi Ba Vì nên năm 1902, Công sứ Pháp tại Sơn Tây là Theodore Muselier đã cùng một đội tùy tùng lên núi thám hiểm. Chuyến đi không chỉ nhằm khám phá mà hơn thế, Muselier muốn tìm đến nơi thờ vị thánh thiêng trong đời sống tâm linh của người Việt. Leo núi luồn rừng chẳng hề dễ dàng nhưng cuối cùng đoàn thám hiểm đã lên đến đỉnh núi. Trong hồi ký, Muselier đã viết về đền Thượng và sự kỳ ảo ở đỉnh Ba Vì: “… Họ đã huy động bao nhiêu người để xây dựng ngôi đền? Đường đi vô cùng khó khăn, rất hiểm trở, nguy hiểm, họ mất bao nhiêu thời gian để vận chuyển vật liệu? Ngoài sức người và sức ngựa còn có phương tiện nào tham gia vào việc này? Rồi tôi miên man nghĩ về vị thánh được thờ trong đền. Đang chìm vào suy nghĩ, bỗng nhiên tôi giật mình khi nhìn một quầng sương như một chiếc thuyền khổng lồ màu bạc lao thẳng đến. Cú va chạm nhẹ nhưng thảng thốt đầy cảm xúc. Vừa kịp thấy cái lạnh phả vào mặt, tôi đã thấy nắng rực rỡ bừng lên. Sương bị nắng bào mòn, mỏng như khói bao phủ lên cây rừng khiến màu xanh của đại ngàn bỗng chốc bị đổi màu giống như một tấm ảnh cũ vì thời gian. Vài phút sau cảnh vật bật nét trở lại, xanh ngắt…”. Sự thay đổi màu sắc chóng vánh ở đỉnh Ba Vì khiến Muselier và đoàn tùy tùng vô cùng thích thú. Trở về sau chuyến đi, Muselier đã cho trùng tu lại đền Thượng, làm đường lên đền. Đó là một con đường bằng mồ hôi và máu vì Muselier đã bắt tù nhân và dân địa phương lao động khổ sai.

Không chỉ là núi thiêng, từ cuối thế kỷ XIX, xung quanh chân núi Ba Vì từng có trang trại cà phê, cây canh ki na (một loài thảo dược có tác dụng bồi bổ sức khỏe) đầu tiên ở Việt Nam. Người có công đưa hai giống này từ Indonesia về ươm và nhân giống là nhà thực vật học người Pháp Benjamin Balansa (1825 – 1891). Chính Balansa đã nghiên cứu và thống kê trên núi Ba Vì có 5.600 loài cây và hiện ở Bảo tàng Paris vẫn còn lưu giữ gen của các giống cây.

Trong sách “Thượng Kinh phong vật chí”, phần viết về xứ Đoài có câu: “Ba Vì không chỉ là núi thiêng mà khí ở đây rất vượng, tốt cho sức khỏe”. Đây cũng là lý do mà những năm 40 thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho xây khu nghỉ dưỡng ở trên núi.

Nguyễn Ngọc Tiến / nguoihanoi.com.vn