Chuyện về “gã” trai phố cổ trót đam mê sưu tầm đồ dùng thời chiến

 Nửa đời người, ông Lê Tuấn Nghĩa (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đi từ Bắc vào Nam tìm hỏi mua lại những đồ dùng thời chiến tranh từ rất nhiều người.

Trên con phố Lãn Ông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) căn nhà của ông Lê Tuấn Nghĩa (SN 1967) – ”gã” trai gốc phố cổ đam mê sưu tầm vật dụng liên quan đến những đồ dùng thời chiến tranh ngày xưa.

Bước vào bên trong căn phòng, rất nhiều đồ cổ được sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông Nghĩa cho biết: ”Đó là những món đồ đặc biệt là loa, món đồ tôi tâm đắc nhất và mất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc mới có được và vẫn còn sử dụng tốt đến tận bây giờ”.

Mang trong mình ”dòng” máu nghệ sĩ được thừa hưởng từ người cha, chú lại càng đặc biệt yêu thích với những bản nhạc vàng, nhạc tiền chiến, nhạc đồng quê, Jazz Blue… Bắt đầu từ những năm 80 khi còn là học sinh lớp 12, ông Nghĩa đã sưu tập các bộ đầu đĩa, loa, âm ly cổ, băng nhạc thời xưa…

Khi sau này có điều kiện, ông đi từ Bắc vào Nam, tất cả vùng miền nào cũng từng đặt chân qua để tìm kiếm những mảnh ghép còn thiếu của dàn loa, thỏa mãn đam mê của bản thân.

”Tôi thích loa quân đội mà không phải loại loa nào khác bởi thiết kế khỏe khoắn, độ bền cao và chất lượng linh kiện luôn là số 1. Bên cạnh đó, dòng loa này cũng phù hợp với những thể loại nhạc tôi yêu thích, chủ yếu là nhạc tiền chiến”, ông Nghĩa chia sẻ.


Để tìm mua được một dàn loa đầy đủ như hiện tại, ông đã phải tìm đến những địa điểm là chiến trường xưa, từ Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh…


Ông nghĩa cho biết: Đây là những món đồ nguyên bản nên phải mất hàng chục năm mới sưu tầm đủ. Có thứ tình cờ gặp trong thời gian đi công tác, cũng có thứ được anh em, bạn bè cùng sở thích giới thiệu tìm mua.

Dàn loa quân đội này có thể nghe được các loại băng, đĩa khác nhau như: Đĩa CD, băng cát-xét, đĩa than… và phát ra âm thanh chất lượng không kém gì những loại hoa hiện đại.


Ông Nghĩa chia sẻ: ”Rất khó để định giá cả dàn loa này vì với người đam mê tốn bao nhiêu tiền họ cũng mua. Nhưng với người không thích thì nhìn nó chỉ giống như… đống sắt vụn. Trước đây, mỗi lần mua một linh kiện trong dàn loa tôi mất từ 5 – 7 triệu/món tùy loại và tùy hoàn cảnh tìm được món đồ đó. Bộ phận đắt nhất mà tôi từng mua từ những năm 90 có trị giá khoảng 40 triệu. Đó là bộ amly quân sự cổ, tôi đã phải lùng khắp dải đất miền Trung và qua nhiều lần thương lượng, trả giá mới mua được”.

Ông Nghĩa dành cả căn phòng tầng 2 để trưng bày những đồ vật thời chiến tranh nhưng 18m2 ấy không đủ để trưng bày hết những món đồ đã sưu tầm. Ông vẫn luôn mơ ước mình có một nơi thật rộng rãi để có thể trưng bày những kỷ vật lớn.

Duy Khánh/KTĐT