Để ngôn ngữ giao tiếp dẫn dắt văn hóa ứng xử: Để “chất” Hà Nội không phôi phai

Văn minh, thanh lịch là nét đẹp đặc trưng của người Tràng An xưa và người Hà Nội nay. Hà Nội nay đã khác nhiều song nét đẹp ấy vẫn tồn lưu bởi nó vừa là mẫu số chung, vừa là điểm nhấn văn hóa mà bất cứ người Hà Nội nào cũng có ý thức thường trực giữ gìn. Lời nói, ngôn ngữ giao tiếp chỉ là một khía cạnh nhỏ trong giá trị nhân cách người Hà Nội, song đó lại là khía cạnh sâu sắc và tinh tế nhất. Làm sao để ngôn ngữ giao tiếp dẫn dắt văn hóa ứng xử, từ đó khẳng định “chất” Hà Nội không bị mờ phai là việc mà mỗi người con gắn bó với mảnh đất nghìn năm văn hiến này đã, đang và sẽ phải làm để giữ nền, xây nếp văn minh.

Kỳ cuối

Khép lại tuyến bài “Để ngôn ngữ giao tiếp dẫn dắt văn hóa ứng xử”, phóng viên báo Lao động Thủ đô đã ghi lại tiếng nói tâm huyết từ những nhà nghiên cứu, những người yêu Hà Nội, mong Hà Nội mãi xứng đáng và tiếp nối niềm tự hào “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng – Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Văn hóa đẹp nhất của Hà Nội có thể nói đến văn hóa giao tiếp

Kỳ cuối: Để “chất” Hà Nội không phôi phai

Là một người nhiều năm làm nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng, tôi luôn dành cho mảnh đất nghìn năm văn hiến một tình cảm đặc biệt. Nếu nghiên cứu sâu về Hà Nội qua các thời kì sẽ thấy dù sống trong tình hình nào, người Hà Nội vẫn giữ được nét hào hoa, phong nhã “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Câu ca bất hủ đó có ý chỉ về sự phồn hoa của chốn kinh đô, đồng thời cũng là ca ngợi tính cách thanh lịch của người Hà Nội dường như đã thành chuẩn mực, “khuôn vàng, thước ngọc”. Văn hóa đẹp nhất của Hà Nội có thể nói đến văn hóa giao tiếp giữa người với người. Người Tràng An trong văn hóa giao tiếp có sự tôn trọng, nhã nhặn, hiếu khách nhưng có sự chừng mực, không xô bồ, không khách khí. Điều đó được thể hiện ở trong công sở, trong giao thông, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Chính vì vậy, dù không phải sinh ra ở Hà Nội nhưng nhiều người vẫn dành cho Hà Nội một tình cảm đặc biệt, một tình yêu khó có thể nói thành lời.

Tuy nhiên, nếp sống, lối sống không phải là bất biến. Văn hóa của người Hà Nội cũng nằm trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam, nằm trong quy luật kế thừa, giao lưu và tiếp biến. Có một câu hỏi khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, đó là những giá trị chuẩn mực của văn hóa Tràng An có còn được như xưa, hay còn lại là bao nhiêu?

Phải thừa nhận rằng Hà Nội trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có rất nhiều những biến đổi. Có cái thay đổi theo chiều hướng tích cực, có cái thay đổi không tích cực. Ngày hôm nay nhiều bạn trẻ không còn chú ý đến lời ăn tiếng nói và quên đi nhiều câu nói như: “Xin lỗi”, “xin cảm ơn”, “xin mời”, “xin chào”… Họ quan niệm rằng thời đại công nghệ thông tin thì chỉ cần lượng thông tin đầy đủ chứ không cần hình thức chuyển tải thông tin nữa. Tôi cho rằng đây là điều cần chỉnh sửa trong văn hóa giao tiếp.

Việc nói tục, chửi thề là biểu hiện của văn hóa giao tiếp. Đây là biểu hiện bên ngoài, nhưng nếu chúng ta không ngăn chặn, chỉnh sửa từ từ sẽ ngấm vào trong và gây tổn hại đến đạo đức và nhân cách.

Hà Nội đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử. Tôi đánh giá cao Bộ quy tắc này nhưng xin góp ý là việc thực thi trong cuộc sống cần có cơ chế giám sát và điều kiện thực thi. Làm thế nào để Bộ quy tắc không nằm trên giấy mà phải được vận hành vào cuộc sống, đó mới là điều quan trọng.

—————————————————-

Tiến sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Nguyễn Đại Cồ Việt:

Xây dựng văn hóa giao tiếp chuẩn mực ngay từ mỗi gia đình

Việc nói tục, chửi thề làm cho kỹ năng giao tiếp trở nên yếu kém vì những phát ngôn lệch chuẩn, từ đó khiến cho các cuộc giao tiếp trở nên thiếu lịch sự, đôi khi trở thành thảm họa. Chắc hẳn các bậc cha mẹ sẽ vô cùng khó chịu khi thấy con cái nói tục, chửi thề, nhưng theo một cách rất mặc nhiên, cha mẹ lại thoải mái nói tục, chửi thề trước mặt con cái. Phải chăng “khẩu hiệu” loại bỏ hành vi nói tục, chửi thề chỉ là nói cho vui mà thôi?

Kỳ cuối: Để “chất” Hà Nội không phôi phai
Các gia đình cần xây dựng văn hóa giao tiếp chuẩn mực và nghiêm khắc trong giáo dục lời nói, thái độ giao tiếp cho con em mình. (Ảnh minh họa)

Theo tôi, nếu hôm nay, chúng ta lau rửa tấm gương trong nhà, ngày mai chúng ta sẽ nhìn thấy hình ảnh của mình thật đẹp. Nếu hôm nay, chúng ta lau rửa tấm gương đạo đức của mình một cách sạch sẽ, ngày mai thế hệ tiếp nối cũng sẽ có cách sống đẹp hơn. Lời ăn tiếng nói phản ánh sâu sắc văn hóa, đạo đức và lối sống của mỗi con người. Nói tục, chửi thề làm tổn thương tâm hồn, gây nên mâu thuẫn. Nên chăng, các gia đình cần xây dựng văn hóa giao tiếp chuẩn mực và nghiêm khắc trong giáo dục lời nói, thái độ giao tiếp cho con em mình.

—————————————————-

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Phải vạch rõ đâu là lời nói đẹp, không đẹp và không nên dùng

Kỳ cuối: Để “chất” Hà Nội không phôi phai

Việc nói tục, chửi thề trong giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng là một biểu hiện kém văn minh, văn hoá, một tật xấu trong giao tiếp. Việc này dứt khoát phải từ bỏ, không thể để tồn tại. Chúng ta phải vạch rõ, chỉ rõ ra những lời nói nào là không đẹp, không nên dùng. Nhà trường phải có trách nhiệm giáo dục học sinh, sinh viên; là nơi hạn chế, định hướng và chỉ ra những điều hay, lẽ phải.

Cùng đó, các bậc phụ huynh cũng cần phải chú ý tới con cái và giáo dục con cái mình. Trong cộng đồng, khi thấy có những lời nói không đúng thì phải nhắc nhở. Hiện tại, có một số bậc phụ huynh cũng nói tục, chửi thề bậy bạ, khiến con cái bị ảnh hưởng. Như thế thì làm sao giáo dục được con cái. Do vậy, trước hết bản thân phụ huynh phải có trách nhiệm với con cái mình.

—————————————————-

Ông Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):

Văn hóa và đạo đức phải được chăm lo từ nền tảng

Kỳ cuối: Để “chất” Hà Nội không phôi phai

Nói tục, chửi thề vốn chỉ là một thói quen nhưng với nhiều người, đó lại là thói quen rất khó bỏ. Hơn thế, nói tục, chửi thề nếu lây lan sẽ ảnh hưởng đến nét đẹp truyền thống trong văn hóa ứng xử, cũng như sự trong sáng của tiếng Việt và cũng là biểu hiện của việc văn hóa ứng xử xuống cấp trầm trọng.

Chưa bao giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng lại đề cập nhiều đến đạo đức, văn hóa như hiện nay. Người ta nói nhiều đến văn hóa gắn liền với đạo đức là hoàn toàn có lý. Bởi đạo đức là gốc của văn hóa. Văn hóa là biểu hiện ra ngoài của đạo đức. Một người có đạo đức bao giờ cũng có văn hóa. Một người có văn hóa vì người đó có đạo đức. Tôi thiết nghĩ, văn hóa và đạo đức phải được chăm lo từ nền tảng: Con người, gia đình, dòng họ, quê hương.

Trong đó văn hóa gia đình là gốc. Bởi gia đình là đơn vị kinh tế cơ sở, gia đình là đơn vị an ninh cơ cở, gia đình là đơn vị văn hóa cơ cở. Mọi sự tốt đẹp hoặc đau buồn của quốc gia, dân tộc, thậm chí là của nhân loại đều luôn bắt đầu và xuất phát từ gia đình. Bác Hồ đã dạy: Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Gia đình không yên thì xã hội không vui. Mặt khác đạo đức, văn hóa của xã hội còn lệ thuộc đạo đức văn hóa của chính đảng cầm quyền. Đây là hai cực quan trọng nhất mà chúng ta phải chăm lo để có một quốc gia giàu đạo đức, dầy văn hóa.

—————————————————-

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Đình Đức – Nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội:

Hãy chấn chỉnh nạn nói tục, chửi thề, không chỉ mãi hô khẩu hiệu

Kỳ cuối: Để “chất” Hà Nội không phôi phai

Trước đây, tôi cũng đã từng kiến nghị rằng, có thể, đưa ra mẫu “người Hà Nội chuẩn” để con cháu, tầng lớp thanh niên nhìn vào để học theo. Tuy nhiên, để đưa ra mẫu chuẩn thì không phải là điều dễ dàng. Trên thực tế, để chấn chỉnh lại câu chuyện nói tục, chửi thề đang trở thành “thời thượng” ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là điều không dễ dàng, không chỉ mãi “hô khẩu hiệu” là được.

Vì sao ư? Bởi đó là văn hoá của mỗi người, mỗi gia đình và chỉ khi nào nơi công cộng nói bậy là chuyện hãn hữu, đáng xấu hổ chứ không phải chuyện thường ngày hoặc “chẳng liên quan” tới ai như hiện nay. Và điều quan trọng là hãy giáo dục con trẻ từ trong gia đình, từ mỗi nếp nhà. Đừng để nói tục, chửi thề trở thành một mốt, một trào lưu và thành chuyện bình thường trong đời sống thường ngày, khi chúng ta đang dần tiến tới những chuẩn của nếp sống văn minh, có văn hóa trong thời hội nhập toàn cầu.

Tôi được biết Ủy ban nhân dân Hà Nội đã ban hành Quy chế thực hiện Kỷ cương hành chính và Văn hóa công sở. Quy chế này cũng có phần nội dung yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong giao tiếp, ứng xử phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, trung thực, thân thiện, hợp tác với đồng nghiệp. Đồng thời Quy chế cũng yêu cầu họ có ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt…

Hay những năm gần đây, các Bộ quy tắc về ứng xử tại nơi công cộng, trong gia đình, các điều khoản về xử phạt cũng đã được đưa ra. Theo đánh giá của tôi, việc đưa ra các Bộ quy tắc, đưa vào Nghị định này để người dân áp dụng, người dân nhìn vào mà “trông theo” là việc rất tốt. Những quy chuẩn Thành phố đưa ra, dù không có tính ràng buộc, quy định xử phạt nhưng đối với cán bộ, công chức có tác dụng rất lớn, bởi họ phải tự ý thức được bản thân họ làm ở vị trí này, công tác kia trong bộ máy nhà nước, do đó không thể ăn nói bừa bãi, kể cả ngoài giờ làm việc và theo thời gian, ý thức về chuyện ăn nói sẽ được nâng lên.

Nhóm P.V (Lược ghi) – laodongthudo.vn