Di tích nhà tù Hỏa Lò – nơi đến để xúc động

Nhà tù được xây dựng từ năm 1896 trên đất làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương Hà Nội ngày xưa. Ngày nay, khi đến di tích nhà tù Hỏa Lò, du khách khi được xem những bảng danh sách các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm đặt trang trọng ở tầng 2…

Những chứng tích và hiện vật về cuộc sống đầy đọa trong nhà tù này, và biết thêm ý chí kiên cường bất khuất của các vị tiền bối cách mạng đã không khỏi xúc động, khâm phục và tự hào.

Khách tham quan di tích Hỏa Lò. Ảnh: Trịnh Hải
Khách tham quan di tích Hỏa Lò. Ảnh: Trịnh Hải

Nhà tù được xây dựng từ năm 1896 trên đất làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương Hà Nội ngày xưa. Làng này chuyên làm các vật dụng bằng đất nung, tiêu biểu là cái bếp di động đun bằng than hoa (có người gọi là than Tàu) có ba ông đầu rau liền với bệ gọi là hỏa lò.

Làng này cũng được dân ta gọi là làng Hỏa Lò. Khi thực dân Pháp chiếm được Hà Nội, bọn giăc chọn nơi này làm nhà tù với diện tích 12.908m2 để giam cầm tra tấn những người làm cách mạng hoặc chống đối chúng cho nên dân ta gọi là nhà tù Hỏa Lò.

Nhà tù này ngày nay giáp các phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Quán Sứ, Hàng Bông nhuộm, có tường bao bọc xây bằng đá tảng trên cùng chăng dây thép gai và có 4 tháp canh để quan sát trong và ngoài khuôn viên nhà tù. Sau 3 năm xây dựng, năm 1899, nhà tù chính thức đi vào hoạt động trở thành nỗi khủng khiếp với đồng bào ta.

Nhà tù Hỏa Lò khi thực dân Pháp mới xây có cửa sắt, ở trong lính gác liên lạc với bên ngoài bằng một ô vuông có nắp lật to bằng hai bàn tay trước khi mở. Về sau chúng xây lại cửa vòm có chữ nổi MAISON CENTRALE (Nhà Trung Tâm).

Chúng phân chia các khu vực có chức năng riêng. Khu nhà hai tầng là khu vực hành chính bao gồm nơi ở và làm việc của bọn giám thị, cai ngục, mật thám, lính gác. Khu nhà một tầng là các trại giam tù nam giới xây thành từng dãy dọc được đặt tên theo vần chữ cái tiếng Phap từ D cho đến P. Nhà tù có một số phòng giam đặc biệt gọi là xà lim (Cellule).

Khu xà lim I giam các người tù có án tử hình. Những khu xà lim II giam những tù nhân có án nặng và những người chúng cho là nguy hiểm. Khu biệt giam (Cachot), là những ngục tối có diện tích 4m2, tường quét hắc ín, không có ánh sáng, thiếu không khí gây cảm giác như trong nấm mồ, chỗ nằm của tù nhân xây đặc biệt bằng xi măng, khi nằm thì đầu dốc xuống thấp, máu dồn lên não, để trừng phạt những người tổ chức đấu tranh, vượt ngục, tuyên truyền cách mạng. Năm 1932, đồng chí Trường Chinh bị chúng bắt giam ở đây, khi tổ chức mít tinh tuyên truyền cách mạng và kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5,

Về ăn uống, bọn giám thị cho người tù khẩu phần ăn uống rất kham khổ. Bọn cai thầu còn thông đồng với giám thị bớt xén tiêu chuẩn để lấy lợi làm cho người tù ăn uống đã cực khổ lại còn thiếu thốn hơn.

Khu xà lim tử hình được xây dựng kiên cố tách biệt hẳn các phòng giam khác, hiện còn giữ lại 4 gian là nơi giam cầm các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thụ. Các cách tra tấn ở nhà tù này độc ác ngoài sức tưởng tượng.

Người có án tử hình bị cùm chân suốt ngày đêm. Ở đây còn giữ được cái máy chém từng được thực dân Pháp xử tử những người yêu nước Việt Nam như 7 chiến sĩ trong Việt Nam Quang phục Hội năm 1913, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn năm 1931…

Ngay trong nhà tù Hỏa Lò, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập do đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) làm Bí thư. Các đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện tư tưởng, ý chí đấu tranh của các đồng chí khác.

Dưới sự chỉ đạo của chi bộ, các tổ chức Lao tù Hội, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên được thành lập, tuyên truyền, giác ngộ đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đấu tranh đòi cải thiện chế độ của nhà tù, tổ chức vượt ngục, tuyên truyền cách mạng, được các tù nhân hưởng ứng nhiệt tình.

Những thông tri, tài liệu chính trị như Tạp chí Lao tù, Đuốc đưa đường, con đường chính, được biên soạn và cất giấu rất khéo ở các khe chân tường và các kẽ nứt, khe rãnh ở gốc cây bàng cổ thụ. Cây bàng lịch sử này từng là nơi phát tán, trao đổi thông tin, tài liệu, mỗi khi người tù được bọn giám thị cho ra phơi nắng, viện cớ lượm quả bàng chín để ăn và lấy lá làm thuốc chữa bệnh.

Ngoài các tài liệu tuyên truyền cách mạng kể trên, nhà tù Hỏa Lò còn lưu trữ các báo của Đảng xuất bản trong thời kỳ bí mật và các báo xuất bản trong các nhà tù đế quốc.

Ngày nay, nhà tù Hỏa Lò trở thành di tích, nơi mọi người đến để có những trải nghiệm về một thời chiến đấu anh dũng, bất khuất của các nhà cách mạng tiền bối.

Di tích nhà tù Hỏa Lò – nơi đến để xúc động (nguoihanoi.com.vn)