Điểm tựa cho các thôn bản nghèo

Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 mang lại nhiều hy vọng cho các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống, trong đó có Hà Nội. Trên nguyên tắc phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình, Hà Nội đang gấp rút xây dựng Dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của vùng DTTS Thủ đô.

Điểm tựa cho các thôn bản nghèo
Đường làng được bê tông hóa ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Trọng Tùng

 

Thấy rõ những mô hình kinh tế mới

14 xã vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô thuộc địa bàn 5 huyện Thạch Thất, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai có diện tích trên 30.000ha (chiếm gần 10% diện tích toàn thành phố), có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế – xã hội, môi trường sinh thái. Trong hành trình phát triển kinh tế – xã hội, Hà Nội luôn ưu tiên hướng về vùng đồng bào DTTS.

Các chính sách dân tộc của Chính phủ đều được thành phố chỉ đạo tích hợp, lồng ghép trong nghị quyết và các chương trình, kế hoạch, từ đó huy động mọi nguồn lực thực hiện phù hợp với điều kiện và đặc thù của vùng DTTS. Có thể kể đến Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 15-7-2016 về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 23-11-2018 triển khai thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020…

Chính sách đi vào cuộc sống, nên các xã vùng DTTS, miền núi của Thủ đô đã có những bước phát triển đáng kể về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Điển hình như xã An Phú, huyện Mỹ Đức, vốn là xã đặc biệt khó khăn của Hà Nội với 68% cư dân là người DTTS, chủ yếu là người Mường. Chính sách cho vùng DTTS chính là đòn bẩy giúp An Phú vượt khó vươn lên, từng bước phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống cho bà con dân tộc.

Ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức chia sẻ: “Mỹ Đức đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh. Các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi ở Mỹ Đức”.

Đơn cử như thông qua việc thực hiện các chính sách về phát triển sản xuất, trình độ sản xuất, canh tác của người dân đã nâng lên rõ rệt, biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện miền núi. Ở An Phú hiện nay, bà con đã yên tâm sản xuất 2 vụ lúa năng suất cao. Những nơi đồng úng trũng, bà con cấy 1 vụ lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, nhiều hộ chuyển từ cấy lúa sang trồng sen…

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chuyển biến rõ nét, có nhiều mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng sen kết hợp với nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, chăn nuôi dê. Những rừng keo đến tuổi thu hoạch bạt ngàn trên các triền núi cùng những trang trại, nông trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi dưới chân núi thực sự là “cây con xóa nghèo”, làm giàu cho nhiều hộ.

Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND (2016-2020), ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội nêu rõ, đời sống của đồng bào được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm bình quân đạt 12%. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,96%; có 8/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất làm ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân và một phần trở thành hàng hóa. Hiện nay, trong 14 xã vùng dân tộc, miền núi có 10 xã khu vực I, 4 xã khu vực II, không còn xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, dễ thấy dù đã đạt được nhiều bước tiến trong phát triển kinh tế – xã hội thì chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, bởi sự chênh lệch về mức sống, thu nhập giữa vùng DTTS và đô thị vẫn đang hiện hữu, bởi xuất phát điểm của nền kinh tế vùng DTTS thấp, trình độ dân trí không đồng đều…

Ưu tiên các công trình dân sinh

Nghị quyết số 120/2020/QH14 đã xác định rõ mục tiêu: “Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với mức bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn”.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề gây bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất. Các xã, thôn, bản sẽ được ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, phát triển nguồn nhân lực và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào tiếp cận các dịch vụ cơ bản, từng bước thu hẹp khoảng cách so với các vùng phát triển.

Trên nguyên tắc phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô giai đoạn 2021 – 2030 để tạo đà cho vùng DTTS Thủ đô thêm khởi sắc.

Trong hội nghị với các sở và 5 huyện có các xã vùng DTTS do Ban Dân tộc chủ trì để thống nhất nội dung đưa vào khung Dự thảo Kế hoạch, các sở và các địa phương đã thống nhất: Ưu tiên các công trình, dự án phục vụ đời sống dân sinh bức xúc, các công trình dự án phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội ở địa bàn còn nhiều khó khăn và những xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021, năm 2022; các công trình dự án không được trùng nhau; việc lập danh mục các chương trình, dự án phải đảm bảo kịp thời theo tiến độ yêu cầu.

Đây cũng là những nội dung phù hợp với chủ trương chung của Thành phố về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS ở Thủ đô trên cơ sở đánh giá thực tế đời sống của bà con. Thành phố cũng khẳng định, 5 nhóm nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS, trong đó cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô, bảo đảm tính khả thi, phát triển căn cơ, bền vững.

Sau khi có chính sách phù hợp thì phải tổ chức thực hiện tốt bằng những biện pháp cụ thể, với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân… Cùng với đó là trách nhiệm phối hợp, cùng vào cuộc của các sở, ban, ngành, các quận và tổ chức chính trị – xã hội của Hà Nội trong công tác phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Như vậy, kết quả thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND của 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức chính là cơ sở để xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình, để Chương trình thực sự là đòn bẩy cho các xã, thôn, bản khó khăn vươn lên phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.

 “Thành phố Hà Nội rất cần rà soát toàn bộ chính sách để tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030” – ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
HNCT / nguoihanoi.com.vn