Giữ gìn nếp sống Hà Nội trong dòng chảy hội nhập

Theo thời gian, trước những xô bồ của cuộc sống, trước cơn lốc của thời hội nhập, nhiều nét đẹp, giá trị xưa đã bị mất đi, song với những người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Kinh Kỳ, dù cho đi đâu, ở đâu, họ vẫn luôn âm thầm giữ gìn nếp nhà, giữ văn hóa đất Tràng An qua việc dạy bảo con cháu cách ứng xử trong giao tiếp cho đến việc truyền dạy những món ăn cổ truyền…

Ký ức về nếp sống của người Hà Nội xưa

Bà Nguyễn Thị Lâm, nghệ nhân ẩm thực ở làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) sinh ra trong một gia đình khá giả ở phố Hàng Than, lớn lên bà về làm dâu ở làng Bát Tràng. Từ bé bà đã được mẹ và các dì dạy dỗ bao điều từ cách ứng xử, ăn nói đến việc nấu các món ăn ẩm thực mang hương vị của vùng đất ngàn năm văn hiến. Những nét văn hóa thanh lịch của người con gái đất Tràng An ngấm dần trong tiềm thức của bà, cho tới ngày nay quy chuẩn của nếp nhà vẫn không bị phai nhạt trong từng lời ăn, tiếng nói.

Góc nhà của người Hà Nội được tái hiện trưng bày trên phố Phùng Hưng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thu hút nhiều người xem, chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Nhớ lại những nét đẹp của mảnh đất nghìn năm văn hiến bà Lâm cho biết, hồi đó, phương tiện thông tin cũng như sự hội nhập với thế giới rất hạn chế. Chính trong điều kiện đó nên lề thói, tập tục, lối sống mang chất Hà Nội từ ngàn đời dường như vẫn lưu giữ, không đổi từ vùng ngoại thành đến khu phố cổ. Người Hà Nội khi ấy quen thuộc với hai từ “cảm ơn” và “xin lỗi”, sự giáo dục các thành viên trong gia đình luôn hướng về cái thiện, tình làng nghĩa xóm đậm sâu.

Mọi người nhường nhịn nhau từng lời ăn tiếng nói. Con cái được dạy dỗ cẩn thận, biết kính trên nhường dưới, chu toàn việc nhà, anh chị em đùm bọc thương yêu nhau. Trong mỗi gia đình, dù khá giả hay bình dân đều giữ được tôn ti trật tự, trên – dưới rõ ràng tạo nên một khuôn phép đối với mỗi thành viên trong gia đình.

Với những nét đẹp giản dị mà thanh tao đó, không chỉ riêng bà Lâm mà rất nhiều người Hà Nội khi nhắc về nếp sống của người Hà Nội xưa, họ coi đó là một niềm tự hào về nét văn minh, thanh lịch của người Hà Nội. Văn hóa ấy chính là sự tôn trọng các giá trị tinh thần, đạo lý, nó hiện hữu trong văn hóa ứng xử cũng như sinh hoạt hàng ngày…

Nhớ về Hà Nội xưa, nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thị Đức Lưu cho rằng người Hà Nội xưa thanh lịch lắm. “Tôi vẫn còn nhớ như in những kí ức mới như ngày nào. Phố Hàng Gai nổi tiếng thanh nhã vì đây là “phố văn học”, chuyên bán sách. Trong phố, ít khi có tiếng xô xát, có việc gì cũng chỉ cần “nói ý” là xong chuyện. Còn phố Hàng Đào với các cửa hiệu tủ kính san sát, bóng bẩy các cô bán hàng lịch sự, khách đi qua nhẹ nhàng mời xem hàng”.

Trong con mắt của nghệ sỹ ưu tú Đức Lưu, nhìn chung, người Hà Nội sống với nhau chân tình, cởi mở, biết “nể”, tránh những việc “mất lòng”. Cùng xóm, cùng phố thấy mặt là đon đả chào nhau trước, hỏi thăm, hỏi đón. Còn khi ai đi vắng thì “gửi nhà nhau”. Ngoài ra, mặc dù sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo nàn, thế nhưng người Hà Nội xưa vẫn giữ cho mình lối sống trật tự, nguyên tắc. Điều này thể hiện rõ ở những nhà hàng phố, khi chẳng nhà nào lấn ra đường, dù chỉ một chút vì sợ “mang tiếng”.

Lưu giữ từ những điều bình dị

Trong nhịp phát triển của xã hội ngày nay, nếp sống ấy dần dà cũng thay đổi hơn trước, mọi người vẫn hay cho rằng Tết xưa vui, ý nghĩa hơn Tết nay. Bởi lẽ ngày đó, Tết luôn được coi trọng không chỉ vì những quan niệm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà vì đó là cơ hội quý báu để củng cố mối quan hệ gia đình, dòng họ, quê hương, cũng là dịp để sang sửa lại “nếp nhà” đã được gìn giữ từ bao đời.

Từ những thay đổi đó, nhiều người vẫn hay cho rằng giờ Hà Nội đã khác xưa nhiều lắm, nhưng thực tế hiện nay Hà Nội vẫn đang vận động, đang vươn mình và đang tinh lọc những điều tốt đẹp. Khác bởi lẽ Hà Nội ngày nay có nhiều người nơi khác đến sinh sống, làm việc. Hà Nội trở thành nơi hội tụ của cư dân khắp vùng miền. Nếp sống tuy có thay đổi, mọi người hối hả chạy theo guồng quay nhanh hơn, mua – bán những đồ dùng sang – đẹp – hiện đại hơn, mọi người ứng xử với nhau cũng dễ nóng giận hơn nhưng ở quanh đâu đó khắp phố phường Thủ đô chỉ cần lắng chậm lại để cảm nhận thì ta vẫn có thể bắt gặp những nét tinh hoa của văn hóa người Hà Nội hiện về rõ rệt, làm nên nét đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Nếp sống tuy có thay đổi, mọi người hối hả chạy theo guồng quay nhanh hơn, mua – bán những đồ dùng sang – đẹp – hiện đại hơn, mọi người ứng xử với nhau cũng dễ nóng giận hơn nhưng ở quanh đâu đó khắp phố phường Thủ đô chỉ cần lắng chậm lại để cảm nhận thì ta vẫn có thể bắt gặp những nét tinh hoa của văn hóa người Hà Nội hiện về rõ rệt, làm nên nét đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Đơn giản chỉ là những bó hoa cúng tỏa hương thơm ngào ngạt theo đúng mùa hoa vẫn được người phụ nữ gốc Hà Thành ngày ngày lặng lẽ gói bán trên góc phố hay tinh thần tương thân tương ái hỗ trợ lẫn nhau của người dân trong những lúc khó khăn hoạn nạn. Là những cử chỉ thầm lặng sẵn sàng tham gia hiến máu khi nguồn dự trữ máu khan hiếm, là sản sàng cùng nhau chung tay giải cứu dưa hấu giúp nông dân… Tất cả những việc làm đó đã cho thấy ở bất cứ giai đoạn nào, thế hệ nào người Hà Nội cũng đều có những nét đẹp riêng, có thể tỏa sáng bất cứ khi nào.

Không chỉ riêng cách giao tiếp, ứng xử… nét đẹp của người Hà Nội còn lưu đọng ở những món ăn cổ truyền. Xưa nay, ẩm thực Hà Nội vẫn luôn nổi tiếng bởi sự cầu kỳ và tinh tế từ cách chọn nguyên liệu cho đến cách chế biến và thưởng thức. Bởi lẽ chứa đựng trong mỗi món ăn của người Hà Nội là cả chiều sâu văn hóa mang đậm dấu ấn của mảnh đất Kinh Kỳ. Tâm huyết với những giá trị cổ truyền ấy, nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Lâm đã dành cả cuộc đời để lưu giữ nền văn hóa ẩm thực giàu truyền thống của vùng đất Hà Thành.

Cũng bởi vậy, đối với bà, món ăn Hà Nội không đơn thuần chỉ là thực phẩm mà còn là một nét văn hóa, làm nên một phần Hà Nội. Do đó bà luôn tìm cách để gìn giữ những nét đẹp đó. Để giữ gìn những món ăn truyền thống của Hà Nội bà luôn tâm huyết, dành thời gian để nấu, để quảng bá các món đặc sản tới du khách. Với bà những người phụ nữ hiện đại ngày nay chẳng thể vì guồng quay công việc, sự hối hả của cuộc sống mà làm phai mờ đi giá trị những món ăn truyền thống của dân tộc.

Từ những bữa cơm gia đình, bên những món ăn truyền thống cũng là cách để gắn kết mỗi người lại gần với nhau hơn, để tăng thêm tình thân, để bà được dạy dỗ, chỉ bảo con, cháu cách ăn nói, ứng xử cách nấu nướng các món cổ truyền để thế hệ này qua thế hệ khác cùng nhau gìn giữ những nếp nhà xưa.

Hoa Nguyễn/LĐTĐ