Giữ trọn đam mê với tranh cổ động

Dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bồng bềnh, miệng mỉm cười, ánh mắt say sưa theo từng nét vẽ là hình ảnh thường thấy mỗi khi cầm cọ của người họa sĩ cả đời giữ trọn đam mê với tranh cổ động – họa sĩ Lưu Yên Thế.

Tài năng và đam mê

Họa sĩ Lưu Yên Thế sinh năm 1947 tại xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng). Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã bộc lộ năng khiếu hội họa. Những bài tập thủ công hay trang trí báo tường ở lớp, ở trường của Lưu Yên Thế luôn khiến các thầy cô và bạn bè ngạc nhiên, thích thú. Và rồi, cái duyên vẽ tranh cổ động đến với ông lúc nào không hay. “Ngày đó (những năm 1967-1070), phương tiện thông tin đại chúng còn ít, nên mỗi bức tranh cổ động hoàn thành luôn được người dân đón nhận. Đó là động lực để tôi dành tình yêu, tâm huyết cho công việc sáng tác”, họa sĩ Lưu Yên Thế tâm sự.

Theo họa sĩ Lưu Yên Thế, tranh cổ động là một hình thức tuyên truyền trực quan sinh động tác động trực tiếp vào thị giác của người xem. Do đó, muốn có một bức tranh cổ động tốt, rõ ràng về nội dung, hấp dẫn về hình thức, người họa sĩ phải nghiên cứu kỹ đề tài và tìm cách thể hiện sao cho cô đọng, khái quát, dễ hiểu mới mang lại hiệu quả tuyên truyền cao.

Họa sĩ Lưu Yên Thế chỉnh sửa tác phẩm tranh cổ động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: Tư Văn

Họa sĩ Đỗ Như Điềm, đồng nghiệp của họa sĩ Lưu Yên Thế nhận xét, trong các tác phẩm tranh cổ động của họa sĩ Lưu Yên Thế luôn áp dụng phương pháp vẽ đơn tuyến, với cách nhìn khái quát, đơn giản, dễ hiểu. Do vậy, họa sĩ Lưu Yên Thế luôn đoạt được giải cao và mang đến cho người yêu tranh một cái nhìn mới mẻ.

“Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nhưng họa sĩ Lưu Yên Thế vẫn vẽ tranh cổ động bằng tay, trong khi họa sĩ vẽ theo phương pháp này hiện chỉ còn rất ít nên rất đáng quý và trân trọng. Người xem tranh có thể nhìn bức tranh mà đoán nét vẽ của tác giả, đó chính là sự độc đáo của họa sĩ Lưu Yên Thế”, họa sĩ Đỗ Như Điềm chia sẻ.

Họa sĩ có “duyên” với giải thưởng

Hơn 70 tuổi đời, trên 50 năm cầm cọ vẽ tranh cổ động, đến nay họa sĩ Lưu Yên Thế vẫn không ngừng sáng tạo, không vắng mặt ở bất cứ cuộc thi nào và rất có duyên với các giải thưởng. Đến nay, ông đã sáng tác hàng trăm tác phẩm về các đề tài xã hội, nhưng chủ yếu là sáng tác phục vụ công tác tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và giành nhiều giải thưởng lớn.

Tiêu biểu nhất phải kể đến giải Nhất cuộc thi Vẽ tranh cổ động chào mừng “70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam” của Bộ Quốc phòng (năm 2014), giải Nhất cuộc thi Vẽ tranh cổ động “Người chiến sĩ công an – Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của Bộ Công an (năm 2018).

Đặc biệt, cách đây 5 năm, tác phẩm “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của họa sĩ Lưu Yên Thế đã đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tác tranh cổ động toàn quốc kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015). Vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), 2 tác phẩm “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” và “Tất cả vì dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” của ông tham gia cuộc thi do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát động đã giành giải Ba.

Cái tên Lưu Yên Thế càng được nhiều người chú ý hơn khi hồi đầu tháng 4-2020, tờ Báo Guardian của nước Anh đăng tải bức tranh cổ động của ông về phòng, chống dịch Covid-19 và bày tỏ sự cảm phục họa sĩ Việt Nam.

Tranh cổ động của họa sĩ Lưu Yên Thế

Mặc dù nhận được thư mời tham dự về cuộc vận động sáng tác tranh cổ động phục vụ tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 chỉ trước 5 ngày nộp tranh nhưng họa sĩ Lưu Yên Thế vẫn hoàn thành 2 tác phẩm: “Chống dịch như chống giặc” và “Chung tay phòng, chống Covid-19”. Điều đáng quý là cả hai tác phẩm này đều được lựa chọn để in ấn, phổ biến trên toàn quốc nhằm tiếp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh của cả cộng đồng. Mới đây, tại cuộc thi Sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2020), họa sĩ Lưu Yên Thế đoạt giải Ba với tác phẩm “Học giỏi để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi Sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội cho biết, tác phẩm “Học giỏi để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh” của tác giả Lưu Yên Thế được đánh giá cao về sự trình bày công phu, thể hiện nhiều góc nhìn sáng tạo. Tác phẩm đã khẳng định sự đổi thay của đất nước, của Hà Nội. Dù tác giả thể hiện sản phẩm trên nền sáng tác thủ công, nhưng ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, thể hiện được sự đam mê lao động nghệ thuật, góp phần đưa nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam lên tầm cao mới.

Những cống hiến của họa sĩ Lưu Yên Thế trong việc vẽ tranh cổ động đã và đang góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hương Giang/HNM