Góc nhìn đa chiều của giới luật gia về quản lý và sử dụng ”tiền công đức”

Sau khi Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến góp ý từ các Bộ, ngành và các bên liên quan về Dự thảo Thông tư “Hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”, dư luận xã hội đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh các quy định về quản lý, sử dụng “tiền công đức” tại Dự thảo Thông tư này. 

Dưới góc nhìn pháp lý, nhiều luật gia đã đưa ra lập trường khá rõ ràng đối với vấn đề “tiền công đức”. Họ khẳng định, hiện nay chưa có quy phạm pháp luật giải thích về thuật ngữ “tiền công đức”. Tuy vậy, trong thực tiễn, “tiền công đức” được sử dụng trong Phật giáo và một số tôn giáo, tín ngưỡng có quan hệ gần trong hệ thống quan niệm giáo lí.

Nhà nước có nên quản lý và quyết định việc sử dụng “tiền công đức” hay không đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Thạc sỹ, chuyên gia pháp lý Nguyễn Thanh Hà (Hà Nội) cho rằng, “tiền công đức” là tài sản của tổ chức tôn giáo, thuộc quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo, nên tổ chức tôn giáo được tự mình quyết định việc quản lý, sử dụng, định đoạt theo khoản 5 Điều 21 và Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Hơn nữa, quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo được Nhà nước bảo hộ theo các quy định tại khoản 3 Điều 3, khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và nguyên tắc về bảo hộ quyền tài sản tại Bộ luật Dân sự hiện hành.

Luật sư Vũ Cát Tường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) viện dẫn quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016: “Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại”, từ đó nêu quan điểm “tiền công đức” của tổ chức tôn giáo là tiền của pháp nhân. Khoản 1 Điều 205 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân”. Như vậy, “tiền công đức” của tổ chức tôn giáo là tiền thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo.

Vị luật sư này cũng khẳng định: Theo khoản 1 Điều 206 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật”. Như vậy, tổ chức tôn giáo có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt “tiền công đức” nhằm phục vụ nhu cầu hoạt động tôn giáo và các mục đích khác không trái pháp luật.

Khoản 2 Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật”. Như vậy, “tiền công đức” của tổ chức tôn giáo được quản lí theo quy định riêng của tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo cần sử dụng đúng mục đích của “tiền công đức” phù hợp với quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thu Hằng (Hà Nội) cho rằng việc Dự thảo Thông tư chỉ điều chỉnh đối với hoạt động quản lí “tiền công đức” là chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo quy định tại khoản 1 Điều 24 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Lý do là vì các tôn giáo có nguồn thu từ các loại tiền khác như tiền lễ, tiền khấn, tiền dâng, tiền dâng cúng như Công giáo, Tin Lành thì không chịu sự điều chỉnh, quản lí của Nhà nước. Trong khi đó, tiền khấn, tiền dâng có cùng bản chất pháp lí với “tiền công đức” của Phật giáo.

Một số luật gia khác nhận định rằng việc Dự thảo Thông tư chỉ điều chỉnh đối với hoạt động quản lí “tiền công đức” của di tích là không bảo đảm sự bình đẳng trong nội bộ một tôn giáo, tín ngưỡng. Cụ thể là không bình đẳng giữa các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đồng thời là di tích với các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng không phải là di tích. Bởi vì “tiền công đức” của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng không phải là di tích thì không chịu sự điều chỉnh, quản lí của Nhà nước.

Nhiều luật gia còn đưa ra quan điểm nên bỏ quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động quản lí “tiền công đức, tài trợ cho di tích” tại Dự thảo Thông tư này; đồng thời nên xây dựng các văn bản pháp luật khác điều chỉnh hoạt động quản lí thu chi đối với di tích (chứ không phải đối với cơ sở tôn giáo), điều chỉnh hoạt động giám sát việc tự quản lí, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

Trường hợp cần phải xây dựng văn bản pháp luật điều chỉnh chi tiết hoạt động giám sát việc tự quản lí, sử dụng tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo thì phải ban hành văn bản khác để hướng dẫn chi tiết Luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành, chứ không được quy định chung trong các văn bản thuộc chức năng quản lí nhà nước về văn hoá, di tích.

Để Thông tư “Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội” chính thức được thông qua, đề nghị các ban ngành hữu quan cần lắng nghe những ý kiến đa chiều của giới luật gia làm cơ sở để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Thông tư. Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức nhiều hơn nữa các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề,… để các nhà khoa học thực tiễn, các chuyên gia pháp lý có thể tham gia sâu vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; đảm bảo các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng “tiền công đức” phải được ban hành thực sự chất lượng, có tính chuẩn mực và công bằng cho mọi đối tượng chịu tác động của Thông tư.

Khánh Vân / nguoihanoi.com.vn