Hà Nội đặt sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững

Ngày 30/10/2019, thành phố Hà Nội vinh dự là một trong 246 thành phố chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO với lĩnh vực thiết kế. Đây là sự ghi nhận đối với những giá trị văn hóa, sáng tạo của Hà Nội, là động lực để Thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.

Thủ đô Hà Nội có lịch sử phát triển hơn 1.000 năm tuổi, đã và đang trong quá trình đổi mới và hội nhập, sẵn sàng lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững.

Xây dựng Hà Nội từ Thành phố Sáng tạo trở thành trung tâm sáng tạo của Đông Nam Á. Ảnh minh hoạ: Internet.

Trọng tâm của Hà Nội là đặt sự sáng tạo, đặc biệt từ góc độ thiết kế vào trung tâm của sự phát triển bền vững thành phố, với tầm nhìn rộng để trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á. Để thực hiện được điều đó, trước hết phải thấy rằng Hà Nội hội tụ đầy đủ cơ hội để phát triển:
Hà Nội có bề dày nghìn năm văn hiến, với kho tàng di sản văn hóa to lớn, là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước. Đây là “chìa khoá vàng” trong việc tiếp nhận và phổ biến tri thức, giáo dục, công nghệ mới. Hà Nội sẽ sử dụng các tài sản văn hoá này thành động lực phát triển các lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Với lợi thế là đầu mối giao lưu văn hoá lớn của đất nước, trung tâm giao dịch quốc tế Hà Nội thúc đẩy việc mở rộng và hợp tác quốc tế. Chính quyền Hà Nội có quyết tâm chính trị cao hướng tới mục tiêu đổi mới, sáng tạo. Trên tinh thần “Hợp tác, đầu tư và cùng phát triển”, Hà Nội sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp thiết kế sáng tạo và gieo mầm cho những ước mơ khởi nghiệp.
Những thách thức của Hà Nội đặt ra chính là sự tăng trưởng kinh tế không ổn định, giáo dục sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới, thiếu cơ chế phối hợp các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra, thị trường văn hoá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cùng với quá trình đô thị hoá tăng nhanh cũng như sự gia tăng dân số quá cao, gây áp lực lớn lên việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quy hoạch kiến trúc đô thị. Chính vì vậy, Hà Nội sẽ tập trung mọi nỗ lực vào việc sử dụng thiết kế sáng tạo để xây dựng Thành phố trở thành một trong những thành phố năng động và bền vững, giải quyết những thách thức hiện tại và tương lai trong phát triển đô thị, môi trường theo Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Hà Nội đặc biệt coi trọng và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Ảnh: Xuân Chính.

Hà Nội đang ở thời điểm “dân số vàng”, với sự gia tăng về số lượng các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, các tổ chức giáo dục với cơ sở hạ tầng hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ lần thứ 4, sự kết nối mạnh mẽ của các tổ chức sáng tạo quốc tế và di sản văn hóa phong phú sẽ là đòn bẩy giúp Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang đứng trước một bước chuyển mình then chốt. Việc được UNESCO vinh danh Thành phố vì Hòa bình vào năm 1999 với các cam kết trên các tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng; Xây dựng đô thị; Giữ gìn môi trường sống; Thúc đẩy phát triển văn hoá – giáo dục; Chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ đã tạo nền tảng vững chắc để Hà Nội tiếp tục thực hiện những thay đổi lớn lao.
Là thành viên Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội sẽ có động lực tạo nên những thay đổi chiến lược trong 20 năm tới. Những thay đổi này sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc để Hà Nội có những giải pháp thiết kế sáng tạo hướng thành phố tới sự phát triển bền vững và góp phần làm phong phú thêm cuộc sống của người dân, cũng như giải quyết các áp lực cơ sở hạ tầng và dân số. Đây còn là động lực để thành phố nâng cao nhận thức toàn diện trong xã hội về vai trò của thiết kế, khuyến khích sự cống hiến cho thiết kế và đổi mới trong cộng đồng thanh niên Việt Nam. Việc trở thành một phần của Mạng lưới cái thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực thiết kế sẽ gia tăng mối liên kết, khả năng thực hiện các cam kết giữa các thành phố khác nhau trong các dự án công cộng và tư nhân; nâng cao năng lực thể chế, tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp phát triển văn hóa, bảo vệ di sản, kết nối hiện tại và tương lai.

Biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp phát triển văn hóa, bảo vệ di sản, kết nối hiện tại và tương lai. Ảnh minh hoạ: Internet.

Tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo là điều kiện để Hà Nội xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư, kích thích tái tạo đô thị, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với sự phát triển bền vững. Tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên, nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Thủ đô Hà Nội.
Khi tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo, là điều kiện để Thành phố xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư, kích thích tái tạo đô thị, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với sự phát triển bền vững.
Ông Michael Croft – Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam từng chia sẻ cảm nhận, trong quá trình phát triển, Hà Nội đặc biệt coi trọng và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Chính vì thế, bằng việc ghi danh Hà Nội vào mạng lưới các thành phố sáng tạo, UNESCO mong muốn sẽ thúc đẩy hơn các giá trị này, với mục tiêu xây dựng Hà Nội từ thành phố sáng tạo trở thành trung tâm sáng tạo, “kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á và châu Á, dựa trên nền tảng các giá trị di sản, văn hóa, hòa bình; từ đó xây dựng hình ảnh Hà Nội của thế kỷ 21 năng động, sáng tạo, thành phố đáng sống…

Minh Châu/laodongthudo.vn