Hà Nội kích hoạt điểm bán hàng lưu động: Mô hình cần nhân rộng

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhằm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân đảm bảo đầy đủ, kịp thời, an toàn, tại Hà Nội, hàng loạt điểm bán hàng lưu động đã được triển khai. Các điểm bán hàng lưu động có bảng giá niêm yết cụ thể để người dân dễ dàng tham khảo, an tâm mua sắm, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng khi hạn chế tập trung đông người tại các chợ cũng như siêu thị.

Chỉ vài ngày sau khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách, Ủy ban nhân dân (UBND) các quận khu vực nội thành đã khẩn trương triển khai các điểm bán hàng lưu động; đồng thời chỉ đạo các phường thông báo để người dân trên địa bàn đến mua sắm các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Việc làm này đảm bảo nguồn cung hàng hóa không bị đứt gãy, giúp người dân yên tâm và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu phòng, chống dịch.

Hà Nội kích hoạt điểm bán hàng lưu động: Mô hình cần nhân rộng
Người dân mua hàng tại điểm bán hàng lưu động ở số 10 Nguyễn Trường Tộ (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình).

Đơn cử, tại quận Ba Đình, bắt đầu từ ngày 4/8, UBND quận triển khai các điểm bán hàng lưu động. Đến nay, đã có 10 điểm bán hàng lưu động an toàn có kiểm soát được mở để phục vụ nhân dân trên địa bàn. Các điểm bán hàng được duy trì vào các buổi sáng tại các địa điểm: Trường Trung học cơ sở Thăng Long (phường Cống Vị), Trường Trung học cơ sở Phúc Xá (phường Phúc Xá), Trường Tiểu học Việt Nam – Cu Ba (phường Trúc Bạch), Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (phường Quán Thánh), Trường Tiểu học Ba Đình (phường Ngọc Hà), Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (phường Điện Biên), Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (phường Vĩnh Phúc), Trường Tiểu học Đại Yên (phường Đội Cấn), số 10 Nguyễn Trường Tộ (phường Nguyễn Trung Trực) và vỉa hè ngõ 629 Kim Mã (phường Ngọc Khánh). Theo đánh giá của đông đảo người dân, đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19.

Qua ghi nhận, tại các điểm bán hàng, các mặt hàng nhu yếu phẩm phong phú, giá cả ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và kinh doanh theo quy định, gồm các loại thực phẩm tươi sống như rau quả các loại, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, giá đỗ, đậu phụ… do các công ty có uy tín cung cấp. Mua hàng tại điểm bán hàng Trường Trung học cơ sở Thăng Long (phường Cống Vị), chị Phạm Thị Lan (phường Cống Vị) cho biết: “Những điểm bán hàng lưu động là rất cần thiết và kịp thời trong thời điểm giãn cách xã hội. Nhờ có những điểm bán hàng này mà người dân không phải đi xa, không phải chen lấn khi mua hàng, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Cùng đó, hàng hóa ở đây rất phong phú, đủ chủng loại, giá cả ổn định nên cũng dễ lựa chọn”.

Cùng suy nghĩ như chị Phạm Thị Lan, bà Nguyễn Thị Hồi (phường Cống Vị) chia sẻ: “Tôi thấy rất thuận tiện khi có điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân trong những ngày thực hiện giãn cách. Hàng hoá đầy đủ; người mua, người bán đều đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, không có chuyện tập trung đông người. Do đó tôi rất yên tâm khi tới mua hàng”.

Hà Nội kích hoạt điểm bán hàng lưu động: Mô hình cần nhân rộng
Tại Hà Nội, hàng loạt điểm bán hàng lưu động đã được triển khai nhằm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân đảm bảo đầy đủ, kịp thời, an toàn.

Có mặt tại điểm bán hàng lưu động tại Nhà sinh hoạt số 6 (phường Quảng An, quận Tây Hồ) từ sớm, chị Nguyễn Thị Phương (phường Quảng An) không quên tiến lại khu vực kiểm tra phòng, chống dịch để sát khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào khu vực mua sắm… Theo chị Phương, kể từ khi Thành phố áp dụng giãn cách xã hội, chị rất ngại đi chợ, kể cả siêu thị do ngại đi xa và sợ dịch bệnh. Việc xuất hiện các điểm bán hàng lưu động khiến chị cảm thấy yên tâm và thuận tiện. “Mặc dù là các quầy hàng lưu động nhưng hàng hóa tại đây rất phong phú, đủ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Cùng đó, các mặt hàng được niêm yết giá cả rõ ràng giúp tôi chủ động được việc mua bán” – chị Phương cho hay.

Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch

Điểm chung của tất cả các điểm bán hàng lưu động đang được triển khai tại các quận là được bố trí ở các khu vực có diện tích phù hợp để thực hiện quy định 5K và bảo đảm an ninh trật tự. Từ những hiệu quả ban đầu mà các điểm bán hàng đem lại có thể thấy mô hình này đang là hướng đi mới cần được nhân rộng để tăng cường thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện đòi hỏi các địa phương phải luôn siết chặt công tác phòng, chống dịch.

Theo đại diện quận Ba Đình, công tác phòng, chống dịch ở các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn được UBND các phường quản lý chặt chẽ. Tại mỗi điểm bán hàng đều có lực lượng của Đội tự quản, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ các phường hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định 5K, 5T của Bộ Y tế. Cùng đó, việc vệ sinh, phun khử khuẩn cũng được thực hiện mỗi ngày sau khi kết thúc bán hàng.

Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch được triển khai tại điểm bán hàng lưu động Nhà sinh hoạt số 6 trên địa bàn, Chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ) Phạm Thế Vinh cho biết: Điểm bán hàng có nhiều hàng hóa thiết yếu được niêm yết giá công khai, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các gian hàng đều được lắp vách ngăn trong suốt, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người bán và người mua. Khách mua hàng phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Hà Nội kích hoạt điểm bán hàng lưu động: Mô hình cần nhân rộng
Tại các điểm bán hàng lưu động, các mặt hàng nhu yếu phẩm phong phú, giá cả ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Cùng với các địa phương, các doanh nghiệp cũng tăng cường mở thêm các điểm bán hàng lưu động. Đơn cử, khi Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội (ngày 24/7), nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân thuận tiện mua sắm lương thực, thực phẩm, hệ thống siêu thị AEON ngay lập tức đã phối hợp với các chính quyền địa phương tổ chứ mô hình “chợ lưu động”. Trong đó, tại địa bàn quận Long Biên, AEON đã nhanh chóng triển khai 4 điểm bán hàng lưu động. Sau khi nhận được tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng, cũng như căn cứ tình hình phức tạp của dịch Covid-19, mô hình bán hàng lưu động này tiếp tục được mở rộng tại một số địa bàn như: Quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ…

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, hiện đã có 11 quận tổ chức 62 điểm bán hàng lưu động; chuyển đổi 342 địa điểm của các bưu cục, nhà sách, cửa hàng điện máy thành điểm bán hàng thiết yếu; trưng dụng 5 địa điểm làm nơi tập kết hàng hóa để kết nối hàng hóa cho Thành phố và giảm tải lượng hàng hóa về các chợ đầu mối. Cùng với đó, để sẵn sàng phục vụ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân khi dịch diễn biến dịch phức tạp hơn, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động bằng xe ô tô, trong đó hiện đã có 14 doanh nghiệp đã đăng ký triển khai bán hàng lưu động bằng ô tô và xe bus và trong trường hợp cấp bách, Hà Nội sẽ kêu gọi doanh nghiệp mở rộng triển khai mô hình này.

Có thể khẳng định, các điểm bán hàng lưu động là mô hình hữu hiệu, giúp người dân rất nhiều trong việc mua hàng hoá thiết yếu mà vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

TP / laodongthudo.vn