‘Hà Nội trong mắt tôi’ – Những mẩu chuyện nhỏ bình dị nhưng đáng yêu đến lạ!

Hà Nội của những điều trái ngược. Có những thứ dễ làm bạn ‘cáu tiết’ nhưng vẫn còn đó, bao câu chuyện giản dị, dễ mến. Người ta hay nói, ‘Hà Nội duyên lặn vào trong’, thế nên phải là người mở lòng, đi nhiều hiểu sâu mới thấy Thủ đô đáng mến đến nhường nào.

Mỗi thành phố có nét đẹp riêng và những người sống ở đó, sẽ cảm thấy yêu mến nó theo cách của riêng mình. Giữa những ồn ào tấp nập, Hà Nội vẫn đọng lại trong tim mỗi người với những nét đáng yêu, để dù đi đâu lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Cứ mở lòng, nhìn ra quanh thành phố với những thay đổi dù là nhỏ, bạn sẽ thấy Hà Nội đáng yêu đến nhường nào.

Những người thầm lặng góp công xây phố đi bộ vừa đẹp, vừa yên bình giữa Thủ đô ồn ã, tất bật

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình đi tìm những mảnh ghép đáng yêu ở Hà Nội mà tôi muốn giới thiệu, chính là phố đi bộ hồ Gươm. Hơn 2 năm trước, 16 tuyến phố đi bộ quanh hồ Gươm chính thức đi vào hoạt động. Ngay từ ngày đầu tiên, không gian xanh mát, không còn còi xe, khói bụi đã hoàn toàn chinh phục du khách. Và cứ thế, nơi đây bỗng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân đất kinh kỳ. Cứ đến cuối tuần, người ta lại kéo lên đó để lắng nghe và tận hưởng cuộc sống.

Sợ phố đi bộ buồn tẻ, ngay từ ngày khai trương, anh Ngô Quý Đức (SN 1985, chủ nhiệm CLB MyHanoi) đã mang lên đây rất nhiều trò chơi dân gian. Nào là nhảy dây, ô ăn quan, kéo co, đi cầu khỉ, đá cầu, bịt mắt bắt dê… Tất cả đều là những trò chơi mà lâu lắm rồi, không gian chật chội ở thành phố đã không phép cho người ta nghĩ đến sự tồn tại của chúng.

Tổ chức trò chơi không hề đơn giản. “Lâu rồi nhiều người không chơi nên các tình nguyện viên sẽ phải hướng dẫn họ cách chơi hoặc chơi cùng họ. Nhóm MyHanoi cũng sẽ hỗ trợ dụng cụ để mọi người chơi vui vẻ, free, hỏng thì bọn mình thay mới mà thiếu thì mua thêm“, anh Đức tâm sự.

Anh Đức bảo mình đam mê trò chơi dân gian và vì thế, ở đâu có thể phát triển phần văn hóa này, anh đều cố gắng đem nó đến thử sức. Phố đi bộ mở ra, đã tạo thêm cơ hội cho việc gìn giữ giá trị truyền thống và trò chơi dân gian, khi đến đây, đã biến thành một “món đặc sản” không thể tách rời.

Không chỉ lưu giữ những giá trị cũ đáng trân trọng, phố đi bộ còn đẹp bởi rất nhiều người đang từng ngày, âm thầm điểm tô. Quanh hồ Gươm, cuối tuần nào cũng có 5-7 nhóm nhạc biểu diễn giữa đường phố. Bạn có thể nán lại xem, cho tiền hoặc không nhưng dù thế nào, những bản nhạc, lời ca ấy vẫn luôn vọng đến tai, chiêu đãi du khách một bữa tiệc âm thanh thịnh soạn.

Với những ai thường xuyên dạo quanh Phố đi bộ, chắc sẽ nhận ra những bức tranh đặc biệt được vẽ lên nắp cống. Nó là công sức của hàng trăm bạn trẻ nhằm giúp người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Những người tốt làm việc tử tế không cầu trả ơn, không vì tiền bạc. Họ làm nó giống như thể đấy là một niềm đam mê chính đáng nhằm tạo nên một phố đi bộ đẹp đẽ và vô cùng dễ mến.

Những bức tranh, vườn hoa được xây vẽ trong ngõ nhỏ và câu chuyện về sự tử tế

Chuyến hành trình đi tìm những điều giản dị, đáng yêu ở Hà Nội của chúng ta vẫn còn tiếp tục. Nhưng lúc này, bạn sẽ theo tôi len vào tận hang cùng ngõ hẻm để lắng nghe trọn vẹn, hiểu sâu sắc hơn về mảnh đất ngàn năm văn hiến. Hà Nội đang mùa thu và mọi thứ sẽ càng trở nên lãng mạn hơn nếu vô tình lạc vào một con ngõ được sơn màu hoặc vẽ tranh cầu kỳ. Ở Hà Nội, có rất nhiều ngõ nhỏ như thế.

Việc sơn vẽ ngõ hẻm đã được người Hà Nội thực hiện cách đây cả chục năm. Ở con phố Ao Dài (Phường Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có một cụ ông năm nay đã 94 tuổi nhưng vẫn miệt mài vẽ tranh bích họa, che chắn những biểu hiện xuống cấp ở các bức tường bao quanh. Đến ngõ Ao Dài, dù đang mệt mỏi cỡ nào, người ta cũng sẽ thấy dịu lại. Các thông điệp nói về lòng yêu nước hay nhắc nhở người dân bảo vệ môi trường đều được thể hiện theo dạng tranh bích họa cực kỳ sống động, vui nhộn…

Bao nhiêu năm vẽ tranh, cụ Thịnh chẳng được ai biết đến. Con cháu cụ bảo, cụ Thịnh sáng tạo ra chúng, ngày ngày sửa sang chỉ vì muốn làm đẹp cho đời chứ chẳng cầu danh tiếng hay cần lời cảm ơn. Và với tinh thần cống hiến tự nguyện, chân thành ấy, ngõ hẻm Hà Nội đang ngày càng đẹp lên nhờ những bức tranh rực rỡ sắc màu.

Ở ngõ 68, phố Yên Phụ, lần đầu tiên, người ta được chiêm ngưỡng những bức tranh 3D được vẽ thành khổ lớn trên tường, tái hiện lại góc phố Venice. Nhóm bạn trẻ, tác giả của bức tranh ấy đã nhiều lần vẽ tranh 3D cho các nhà hàng, quán ăn nhưng đây là lần đầu tiên, họ vẽ tranh ngoài trời phi lợi nhuận. Vẽ tranh không chỉ là niềm đam mê, ấy còn là vì nguyện ước được phủ lên thành phố vô vàn bức hình đa sắc, đa màu.

Và vẫn còn rất nhiều những con đường được sơn, vẽ đẹp như thế đến nỗi người nước ngoài, khi đến Hà Nội cũng được lan truyền cảm hứng từ những điều tử tế ấy. Giống như chàng trai Scott Matt (23 tuổi) đã tự bỏ tiền mua sơn màu, phủ kín màu bột lên ngõ 50 phố Hàng Bạc hay như một cự chiến binh Paul George Harding (69 tuổi) dành cả ngày đi dọn dẹp những tờ rơi quảng cáo, dòng chữ khoan cắt bê tông trên những bức tường trong ngõ hẻm.

Chán vẽ tranh, dọn tường, người Hà Nội còn xây biết bao vườn hoa thẳng đứng trên nền bãi rác “dọn mãi không sạch”. Ý tưởng này ra đời từ cuộc thi Siêu Thủ lĩnh rồi dần dần, những nhóm bạn trẻ, các đoàn thanh niên cấp phường ở khắp thành phố nhân rộng nó thành biết bao dự án. Theo thống kê mới nhất, đoàn Thanh niên đã xây được khoảng 100 vườn hoa như thế.

Ở Hà Nội, vẫn luôn có những người làm việc một cách tự giác như thế. Đàm Thanh Tùng (SN 1994) đã dẫn dắt nhóm tình nguyện Sen trong phố xây thành công 12 vườn hoa. Giữa những ngày hè nắng chói chang, ở ngay khu sinh sống, người Thủ đô vẫn có thể tìm được một góc không gian xanh tràn ngập hoa lá tươi mát. Nơi mà trước đây, vốn là bãi tập kết rác thải sinh hoạt.

Bình yên một sáng tình cờ: Thấy những món đồ được phát miễn phí trên đường phố

Ở Hà Nội, khắp các con phố dài, rộng thênh thang, vô tình một lúc xe hết xăng dừng lại, bạn có thể thấy ngay một bình nước miễn phí kề bên. Gặp lúc khó chịu như thế, chợt nhìn ra cái bình nước dịu mát ấy mà chẳng thể nào không “ưng cái bụng”, vì nước đây rồi, thoải mái mà “hạ hỏa”…

Một sáng mùa thu mưa bay, buổi sớm vẫn còn thưa người và không khí trong lành, chợt có lúc tôi đi lạc vào một sân chơi dành cho trẻ em, được làm hoàn toàn bằng những vật liệu tái chế. Chẳng ai có thể ngờ, những lốp xe hỏng, xích sắt cũ lại có thể biến thành những món đồ chơi đáng yêu đến thế. Sân chơi để đó, mặc nắng mưa, ai đến thì đến, ai đi thì đi.

Cứ ngỡ ấy là tài sản vô chủ, hỏi ra mới biết nó là một phần của dự án Think Playground do anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt và chị Chu Kim Đức khởi xướng. Họ muốn làm sân chơi miễn phí ngay trong trung tâm thành phố vì nhìn ra trẻ em Hà Nội có nhiều nỗi thiệt thòi về không gian vui chơi. Trước đây, hai người thường kêu gọi quyên góp nhưng rồi dần dần, họ thành lập doanh nghiệp xã hội, lặng lẽ kiếm tiền để rồi dù kiếm được bao nhiêu, tất cả đều dành cho việc làm từ thiện.

Chị Đức tâm sự, có đôi khi, chị thấy mình sống ở một mảnh ghép khác biệt. 3 năm nay, chị kiếm tiền chỉ để nghĩ cách làm sao, xây được càng nhiều sân chơi free càng tốt. Có người cứ hỏi chị, làm như thế thì được gì, chị Đức chỉ trả lời đơn giản, nó khiến chị cảm thấy hạnh phúc. Bởi vì hạnh phúc với nhiều người, đơn giản là sự cho đi, tạo họ một cái sân nhỏ để tự do vui đùa, hưởng chút yên bình nho nhỏ trong cuộc sống tất bật.

Và vẫn còn rất nhiều những mảnh ghép đáng yêu như thế, chỉ có điều, không biết chúng ta có đủ thời gian để đi hết chuyến hành trình này hay không? Bởi vì: “Biết Hà Nội đẹp nhưng tôi vẫn tìm/ Tìm những hàng cây con phố không dài…/ Còn bao nhiêu lớn lao/ Thầm kín đâu dễ tìm ra/ Tôi đã biết gì, Hà Nội của tôi“?

Còn bạn, bạn đã biết gì về Hà Nội? Xin hãy dành một phút, kể cho chúng tôi nghe những điều tốt đẹp bạn từng chứng kiến hay thực hiện, để chuyến xe hành trình này, sẽ mãi mãi vẫn còn lăn bánh!

Vương Phi – Yến Võ/ SaoStar