“Hồn” đá xứ Đoài…

 Qua những biến động thời gian, trải qua hàng trăm năm, cho đến bây giờ không ít người ở Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội vẫn duy trì nghề và gắn mình với đá ong. Hơn thế, không chỉ sử dụng đá ong trong xây dựng, qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ, đá ong từng bước nâng tầm thành một nghệ thuật…

1.Tôi đến mảnh đất phía Tây Thủ đô Hà Nội là huyện Thạch Thất không ít lần. Nơi đây vốn nổi tiếng với những làng nghề có tuổi đời hàng chục thậm chí hàng trăm năm, mang lại sự đổi thay và kinh tế cho những người làm nghề. Đó là những làng nghề cơ kim khí Phùng Xá, xã Phùng Xá; làng nghề đồ mộc – may xã Hữu Bằng; làng nghề mây tre, đan ở xã Bình Phú; làng nghề mộc Chàng Sơn, xã Chàng Sơn; làng nghề mộc – xây dựng ở xã Canh Nậu, Dị Nậu; làng nghề bánh chè lam thôn Thạch, xã Thạch Xá…

“Hồn” đá xứ Đoài…
Chế tác đồ mỹ nghệ từ đá ong tại xã Bình Yên. Ảnh: Giang Nam

Đáng trân trọng ở chỗ, huyện Thạch Thất đã khéo léo tận dụng những thế mạnh làng nghề, góp phần giúp kinh tế phát triển nhanh chóng, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

Trong một ngày trời nắng như đổ lửa, tôi ghé địa phương nhiều đá ong nhất xứ Đoài là xã Bình Yên. Có đến nơi và tìm hiểu mới thấy, dường như đá ong đã gắn rất sâu với những người dân mộc mạc nơi đây. Không chỉ là một sản vật trời ban, đá ong còn là người bạn giúp miền quê vượt qua những quãng thời gian đói nghèo. Từ đá ong, họ đổi lấy cơm gạo, đổi lấy sách vở cho con trẻ đến trường, đổi lấy niềm hi vọng vào tương lai.

Cho đến nay, người trong vùng vẫn bảo thời thế biến thiên, có những thứ tưởng chừng như không thể lại có thể xảy ra. Chẳng hạn, xa xưa cứ nói đến đá ong là người ta nghĩ đến sự… nghèo. Bởi chỉ có người dân nghèo, không tiền mới tranh thủ những ngày nông nhàn để thuốn đá ong. Họ tích cóp vật liệu tới dăm bảy tháng, có khi một hai năm mới đủ để xây một ngôi nhà. Nay mọi sự khác hẳn. Đá ong giờ chẳng giành cho người nghèo. Chỉ những gia đình khá giả, có điều kiện mới có đủ để mua thứ sản vật trời cho này để xây nhà, tạo cảnh. Cũng đúng, bởi giá một mét tường đá ong cũng có giá trị xấp xỉ vài triệu đồng. Dù đắt, nhưng một số người có tiền và ưa hoài cổ thì thay vì xây những ngôi nhà cao tầng bề thế đã tìm về nét xưa cũ, chọn đá ong làm vật liệu. Thứ nữa, nếu như trước đây, đá ong chủ yếu dùng trong xây dựng đơn thuần thì gần đây, những khối đá lại là nguyên liệu để chế tác ra nhiều sản phẩm đặc sắc và dĩ nhiên, những sản phẩm này rất được ưa chuộng.

2.Xứ Đoài còn rất nhiều ngõ đá ong như ở làng Chàng Sơn, Cần Kiệm, Thạch Xá… mà vẻ đẹp của nó khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Phải khẳng định, ở vùng đất xứ Đoài, các ngôi làng cổ hầu hết nhà cổ được xây bằng đá ong. Đặc biệt, đá ong cũng được dùng để xây dựng lên tường thành cổ Sơn Tây chống quân thù. Thành cổ được xây dựng vào năm 1822, thời vua Minh Mạng, với chất liệu đá ong chủ đạo đã từng là chiến lũy bất khả xâm phạm. Những vũ khí hiện đại của thực dân Pháp từng nhiều phen bó tay, không thể phá thành.

Ngoài thành lũy, nhà cửa, đá ong còn được dùng để xây dựng trong các công trình tôn giáo, tâm linh. Đá ong còn phảng phất đâu đó trong những ca từ, lời thơ như: Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ/ Em đã bao ngày lệ chứa chan… (Trích bài thơ Mắt người Sơn Tây của cố thi sĩ Quang Dũng).

Có một điều cũng lạ, từ khi Hà Tây được sáp nhập vào thủ đô Hà Nội (năm 2008), tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt với mảnh đất này. Những con đường to, đẹp như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32 mở rộng cùng vô vàn khu đô thị mới, chung cư, biệt thự đã làm thay đổi rất nhiều bộ mặt vùng đất xứ Đoài. Nhưng có lẽ chẳng gì thay đổi được hồn đất và hồn người xứ Đoài xưa cũ. Đá ong nơi miền quê Thạch Thất luôn hòa quyện với hình bóng của những con người cần cù, chịu khó sớm hôm.

Tôi từng có dịp ghé đến thôn Giếng Cốc (xã Hạ Bằng), nơi có làng chè cổ thụ với những cây chè hơn trăm năm tuổi. Tại đây, tôi gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Văn Dũng, người đã có 4 đời gắn liền với cây chè. Tính riêng trong vườn nhà ông có khoảng hơn chục gốc chè với tuổi đời lên tới trăm năm.

Theo ông Dũng, chè Giếng Cốc được trồng bằng hạt chứ không chiết cành như một số vùng trồng chè chuyên canh khác. Những hạt chè to, chắc, mẩy được ngâm trong nước nửa ngày rồi đem đi gieo. Trong cả quá trình lớn lên của chè, người trồng không phải chăm bón bất kỳ loại chất dinh dưỡng nào. Cây chè cứ tự nhiên thế mà sống, lớn lên chứ không cần chăm bón. Ông khoe, khi nhấp chén chè nơi đây sẽ thấy ngay vị đắng, nhưng càng nhâm nhi đến khi chè đã ngấm thì lại thấy ngọt, thấy bùi… Những cây chè cho những lá xanh mướt nhờ chất đất, nước pha chè thanh ngọt nhờ được luồn sâu trong những lớp, những tầng đá ong. Vị của chè cũng vì thế mà độc nhất, chẳng nơi nào có được. Sau khi uống, hậu vị thơm ngọt vẫn còn đọng lại mãi, tôi đồ rằng, những lời ông Dũng khoe là thực. Nó thơm ngọt như vị chè, vị quê với đủ những chân tình gắn bó.

“Hồn” đá xứ Đoài…
Các thợ chẻ đá để gia công thành viên gạch phục vụ cho xây nhà. Ảnh: Giang Nam

3.Guồng quay của cuộc sống khiến mọi sự đổi thay, song có một điểm bất biến đó là người sống trên vùng đá ong cho đến nay vẫn gắn với đá. Ông Vương Văn Hùng, chủ cơ sở chế tác đá Hùng Châu – một trong những người được mệnh danh “đôi bàn tay vàng” trong vùng bảo với tôi, sự cấu thành của đất trời để sản sinh đá ong thực kỳ diệu. Thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao… chừng ấy vẫn chưa đủ bởi phải tiếp tục xoay qua bao nhiêu sự vẩn chuyển của đất trời mới có thể sản sinh ra thứ đất không phải là đất, đá không phải là đá, mà thành đá ong. Đá ong trong lòng đất cũng chia ra ba lớp là: Sản, thăn, chân. Lớp sản ở trên cùng có đặc điểm kết cấu kém, dễ bở. Phần thăn ở giữa là tốt nhất vì hoa của đá nhỏ, có độ kết cấu chắc.

So với các loại đá xanh, đá hoa cương… đá ong rất mềm và giòn, kết cấu lỗ chỗ nên đòi hỏi người thợ phải rất cẩn trọng trong quá trình chế tác. Ngoài dụng cụ phổ thông như đục, chạm khắc thủ công bằng tay thì người thợ gần như không dùng dụng cụ nào khác để hỗ trợ. Minh chứng dễ thấy là quy trình làm ra một viên đá (sản phẩm có kỹ thuật đơn giản nhất so với các sản phẩm mỹ nghệ từ đá ong khác) từ hàng trăm năm qua không thay đổi là người thợ vẫn dùng thó đào từng viên đá trong lòng đất.

Quả thực, có tận mắt chứng kiến mới thấy, quá trình tạo tác một viên đá cũng hết sức nhọc nhằn. Để có được những viên đá vuông vức, không những người thợ phải bỏ ra nhiều công sức mà còn cần đến sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay, sự dẻo dai, bền bỉ từ đôi bàn chân. Đầu tiên là kinh nghiệm dò tìm mỏ đá, người thợ sẽ dùng thó để “thăm” các vỉa đá. Trong quá trình tạo tác một viên đá, đôi bàn tay người thợ còn phải làm nhiệm vụ dồn lực của cơ thể, phóng thó vào đúng mạch để xén đá. “Đưa khối đá ong thành tác phẩm mỹ nghệ là cả một quá trình công phu và đòi hỏi tay nghề của người thợ…” – ông Vương Văn Hùng đúc rút.

Lang thang nơi xứ Đoài, càng tìm hiểu, tôi càng hứng thú vì biết ngày càng có nhiều hộ dân ở các huyện Thạch Thất, Ba Vì, thị xã Sơn Tây… muốn tìm về chất liệu đá ong như cha ông mình để xây dựng nhà, để lưu giữ hồn cốt và nét văn hóa kiến trúc đặc trưng. Tôi chợt nhớ đến lời ông Hùng, trong nhiều năm theo nghề, điều khiến ông và những người thợ Bình Yên thấy vui và ý nghĩa nhất là đã góp phần nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy một số di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng ở xứ Đoài như cung cấp vật liệu đá ong để tu sửa, tôn tạo Thành cổ Sơn Tây, Lăng Ngô Quyền, chợ Mía, đền Hùng…

Đinh Luyện / laodongthudo.vn