Khi nghỉ hè đi kèm với những nỗi lo

Hè là khoảng thời gian được trẻ yêu thích nhất bởi sau một năm học tập đầy căng thẳng, vất vả, các em sẽ được thoải mái vui chơi. Tuy nhiên, bên cạnh những háo hức, mong chờ, thì mùa hè cũng mang tới nhiều nguy cơ khi sân chơi dành cho trẻ ngày càng không có nhiều và các vụ đuối nước thương tâm lại đang có xu hướng gia tăng.

Gia tăng trình trạng đuối nước ở trẻ

Hè đến, thời tiết nắng nóng, bơi lội trở thành môn thể thao ưa thích của trẻ. Dễ dàng nhận thấy, trong kỳ nghỉ hè hình ảnh trẻ tới các bể bơi hay thậm chí thoải mái vui chơi dưới ao hồ, sông suối đã trở nên phổ biến. Thế nhưng, đây cũng là thời điểm các vụ đuối nước liên tiếp xảy ra, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội.

Điển hình như vào giữa tháng 5, tại huyện Ba Vì (Hà Nội), một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm ở một đập nước trên địa bàn. Trong lúc tắm, có 3 em không may bị đuối nước. Phát hiện sự việc, lực lượng chức năng và người dân đã ra sức cứu nạn nhưng 3 em đều không qua khỏi. Cùng thời điểm này, có 2 cháu bé sinh năm 2011 về nhà bà ngoại (tại thôn Hà Lỗ, Xã Liên Hà, huyện Đông Anh) chơi. Buổi chiều, 2 cháu ra hồ kè (thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà) tắm và bị đuối nước. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng 2 cháu đã tử vong.

Kỳ 1: Khi nghỉ hè đi kèm với những nỗi lo
Mùa hè, bơi lội trở thành môn thể thao yêu thích của trẻ.

Tiếp đó, đến ngày 28/5, tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức cũng đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 học sinh tử vong. Được biết, sau buổi họp lớp chia tay để nghỉ hè, 2 học sinh nam vừa học xong lớp 6 là người địa phương ra hồ điều hòa tại làng Ngòi, xã Song Phương để bơi lội. Lâu không thấy hai cháu lên, các bạn bè trên bờ đã thông báo cho người lớn. Nhận được tin báo, công an xã Song Phương đã có mặt tại hiện trường phối hợp tìm kiếm 2 cháu. Trong buổi chiều, lực lượng cứu nạn lần lượt tìm thấy thi thể 2 cháu dưới hồ…

Những vụ tai nạn thương tâm này không chỉ gióng lên hồi chuông báo động về tai nạn đuối nước, mà còn trở thành nỗi ám ảnh đối với phụ huynh và các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong mùa hè.

Theo ông Đặng Hoa Nam (Cục Trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội), những năm gần đây, tử vong do đuối nước có xu hướng giảm. Cụ thể, từ 3.300 trẻ (năm 2010) xuống còn 1.990 trẻ (năm 2021). Trung bình giảm từ 3-5%/năm, tương đương khoảng 100 trẻ/năm. Trong đó, các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè hay thời điểm các em chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè.

Còn theo ông Lê Hải Long (Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương), thống kê sơ bộ từ Trung ương Đoàn từ tháng 1 – 5/2022 cho thấy có 100 vụ đuối nước và 142 em tử vong. Tuy nhiên, chỉ trong dịp hè, từ tháng 5 đến gần hết tháng 6 có số trẻ em tử vong bằng với số trẻ tử vong trong 5 tháng đầu năm. Như vậy trong dịp hè, tỉ lệ tử vong do đuối nước cao nhất.

Để trẻ có một mùa hè ý nghĩa
Mùa hè, ao hồ, sông suối cũng trở thành nơi để trẻ nhỏ vui chơi.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các em không biết bơi, thiếu kỹ năng xử lý khi xảy ra tai nạn đuối nước; nhiều em thiếu không gian vui chơi, lại vào thời điểm nghỉ hè dẫn đến việc các em ra sông, suối để vui chơi, tắm mát. Mặt khác, môi trường sống xung quanh trẻ không bảo đảm an toàn, như tại các ao, hồ quanh nhà không có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm, ở xa khu dân cư, ít người qua lại nên khi trẻ rơi vào tình thế nguy hiểm không nhận được sự trợ giúp kịp thời của người lớn.

Bên cạnh đó, còn do thiên tai bão lũ; do trẻ em chưa thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy. Ngoài ra, sự thiếu quan tâm của phụ huynh cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm đối với trẻ em…

Thiếu sân chơi, trẻ tìm đến “thú vui” tiêu cực

Cùng với đuối nước, ngày nay, trẻ em cũng đang đối mặt với tình trạng không gian vui chơi bị thu hẹp, cung không đủ cầu và phải tìm đến những thú “thú vui” nguy hiểm hơn. Đơn cử như tại Hà Nội, hiện Thành phố có 200 điểm vui chơi dành cho trẻ em. Tại 4 quận nội thành trung tâm như Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa có gần 30 vườn hoa, điểm vui chơi công cộng, nhưng cũng không đủ chỗ cho trẻ em đến vui chơi vào dịp lễ tết, đặc biệt là những ngày hè.

Đáng nói là nhiều sân chơi bị xuống cấp, trang thiết bị vui chơi ngoài trời bị hoen rỉ, gãy, cũ, tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ. Hơn nữa, các hạng mục vui chơi không được đầu tư, trở nên nhàm chán, không hấp dẫn các em nhỏ.

Tại các tòa chung cư đều có khu vực vui chơi công cộng khá rộng rãi nhưng không gian ấy lại bị người dân tận dụng buôn bán, kinh doanh, trông xe hoặc bị người lớn tuổi chiếm dụng để tập thể dục, yoga…

Kỳ 1: Khi nghỉ hè đi kèm với những nỗi lo
Nhiều sân chơi tại các khu tập thể, chung cư bị chiếm dụng làm chỗ buôn bán, để xe khiến trẻ không có địa điểm vui chơi.

Ngoài các sân chơi công cộng, tại Hà Nội cũng có các sân chơi cao cấp dành cho trẻ. Thế nhưng giá vé tại đây khá đắt. Chẳng hạn như giá vé vào khu vui chơi dành cho trẻ em ở Roya City (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) là 100.000 đồng/vé (thứ2-thứ 6); 150.000 đồng/vé (thứ 7-chủ nhật); ở Aeon Mall Long Biên (phường Long Biên, quận Long Biên) là từ 100.000-120.000 đồng tùy khu… Dễ dàng nhận thấy, không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để thường xuyên cho con em mình đến đây vui chơi.

Điều này dẫn đến tình trạng bất kỳ chỗ trống nào ở ngõ ngách, vỉa hè, đường phố,…cũng có thể trở thành chỗ vui chơi tạm bợ cho trẻ em dù những nơi này luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây nguy hiểm. Điển hình như tại Ngõ 157b Chùa Láng, buổi chiều từ 5h30 đến 6h30 rất nhiều trỏ nhỏ thường xuyên tận dụng việc lòng đường được mở rộng để đá bóng, đá cầu, đạp xe… tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho cả trẻ và người đi đường.

Bên cạnh đó, mùa hè trẻ được nghỉ nhưng phụ huynh vẫn phải đi làm. Vì vậy, trong khoảng thời gian nghỉ hè trẻ phải làm bạn với ti vi, chơi trò chơi điện tử trên smart phone hoặc đi học thêm dẫn đến nhiều hệ luỵ như trẻ trở nên thụ động, nhiều trò chơi bạo lực ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ…

Sự nghèo nàn của các dịch vụ giải trí và không gian vui chơi là những lý do các cơ sở kinh doanh điện tử, internet trở nên đông đúc vào mỗi dịp hè. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có hàng nghìn cơ sở kinh doanh internet, phần lớn các “khách hàng” ở độ tuổi 7-17 tuổi. Đây cũng là một nguy cơ dẫn đến hệ lụy trẻ em sẽ sa đà vào các trò chơi mang tính kích động, bạo lực, hoặc có nội dung đồi trụy, dễ làm phát sinh những suy nghĩ tiêu cực, những hành động lệch lạc, thậm chí là vi phạm pháp luật khi không có sự giám sát từ phụ huynh.

(Còn nữa)

Lê Thắm – Phạm Thảo
https://laodongthudo.vn/ky-1-khi-nghi-he-di-kem-voi-nhung-noi-lo-143928.html