Khi người trẻ quyết giữ nghề truyền thống

 Là người con sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), với cô gái trẻ Phạm Cẩm Linh, gốm sứ như thấm sâu vào da thịt. Bởi thế sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính, Trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội), Linh nhanh chóng trở về và áp dụng những công nghệ mới đưa vào quá trình sản xuất và thương mại. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm gốm sứ truyền thống của gia đình và gốm sứ Bát Tràng lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu thời đại và hội nhập quốc tế.

Cùng với những làng nghề khác của Hà Nội, làng gốm Bát Tràng là một trong những địa danh được nhiều người biết đến với những sản phẩm được làm thủ công chất lượng, uy tín. Bên cạnh đó, làng gốm sứ Bát Tràng ngày nay còn là phát triển ngành du lịch độc đáo với nhiều hoạt động vui chơi cũng như tham quan nhiều ý nghĩa.

Khi người trẻ quyết giữ nghề truyền thống
Phạm Cẩm Linh hạnh phúc khi được tiếp nối và phát triển giá trị nghề truyền thống của gia đình.

Trải qua những thăng trầm, biến động, cuộc sống cơm áo, gạo tiền cuốn theo nhưng những nét tinh hoa, đặc trưng của gốm sứ Bát Tràng vẫn còn nguyên giá trị cho đến bây giờ. Những giá trị văn hóa truyền thống được những nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng thổi hồn dân tộc, đất nước vào trong từng sản phẩm, không những là nét đẹp văn hóa truyền thống mà đó còn là những giá trị tinh hoa của dân tộc được gìn giữ cho đến ngày nay.

Những sản phẩm được làm ra bằng đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân miền quê truyền thống đều ẩn chứa bên trong sự yêu nghề, lòng say mê tìm tòi, nghiên cứu và chắt lọc nhằm tạo nên nét đặc trưng của gốm sứ Bát Tràng. Bởi thế, trở về nơi có nghề cổ quý nghìn năm tuổi, nằm bên tả ngạn sông Hồng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, chúng tôi đã được biết đến những “cây đa, cây đề” là những nghệ nhân có tuổi nghề vài chục năm, thậm chí đi gần hết một đời người. Những người đã có công khơi lại, giữ gìn nghề như: Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ, cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Đức Thắng; các Nghệ nhân Ưu tú: Tô Thanh Sơn, Phạm Đạt, Vương Mạnh Tuấn…Toàn xã có gần 200 nghệ nhân đã và đang miệt mài cống hiến giữ gìn và phát triển dòng sản phẩm đặc sắc cho gốm sứ Bát Tràng.

Tiếp nối những nghệ nhân, là thế hệ con, cháu đang từng bước nối nghiệp và phát triển nghề. Thậm chí, nhiều người con của đất Bát Tràng đi du học khắp nơi, giờ lại quay trở về làng để giữ nghề, phát triển sự nghiệp. Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bát Tràng cho biết, hiện nay Bát Tràng đang phát triển tầm cao mới để vươn ra biển lớn trong thời kinh tế hội nhập quốc tế, có những gương mặt trẻ đang góp sức và có bước đi đầy sáng tạo, vừa giữ được giá trị cổ truyền vừa ứng dụng công nghệ cao, tự tin bước vào thị trường mới.

Trong số đó, gia đình nghệ nhân Phạm Duy Cương có hai người con Phạm Cẩm Linh và Phạm Tân đều học giỏi, tốt nghiệp đại học danh giá đã trở về để chung tay phát triển nghề quý. Đáng trân quý là gia đình đã tạo nên môi trường làm việc mà những người thợ từ già tới trẻ đều rất hạnh phúc, họ cùng nhau sáng tạo và cho ra nhiều sản phẩm giá trị nghệ thuật độc đáo, được ghi nhận ở phân khúc hạng cao. Cô gái Phạm Cẩm Linh, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo đang là một trong những tấm gương sáng trong giữ nghề và phát triển nghề ở địa phương.

Tiếp nối lửa đam mê với sản phẩm truyền thống

Gặp Phạm Cẩm Linh, cô gái trẻ với niềm đam mê, nhiệt huyết với sản phẩm truyền thống gốm sứ của quê hương tại Nhà cây Đông Sơn (Bát Tràng), một công trình độc đáo toàn bộ gắn gốm sứ được kỳ công xây dựng trong 3 năm bởi những nghệ nhân, họa sĩ và 102 người thợ tài hoa. Cô gái Phạm Cẩm Linh, 29 tuổi rất chững chạc vừa như một doanh nhân vừa như một người thợ giỏi nghề. Hơn 7 năm chính thức bước vào nghề kể từ khi cầm tấm bằng cử nhân ngành Tài chính, đại học Ngoại Thương, Linh đã ghi được nhiều dấu ấn trong việc đưa sản phẩm đến với thị trường. Linh cho biết, lúc mới về, em cũng gặp nhiều áp lực rằng liệu mình có giúp được bố mẹ phát triển không.

Rồi nhiều người còn hỏi học hành như vậy mà lại về làng? Bởi hiện nay vẫn còn nhiều người con của các nghệ nhân ở các làng nghề thủ công nói chung và Bát Tràng nói riêng không trở về làng. Theo Linh, giới trẻ trở về làng cần hội tụ hai yếu tố: “Tư duy mở, có nhiều kiến thức mới về thương mại, maketing đồng thời vẫn duy trì được các bí quyết truyền thống và đặc biệt là các bí quyết trong gia đình mà các nghệ nhân đang nắm giữ”.

Khi người trẻ quyết giữ nghề truyền thống
Nhiều bạn trẻ đang tiếp nối các nghệ nhân Bát Tràng giữ nghề và phát triển nghề.

Phạm Cẩm Linh bộc bạch: “Thế hệ trẻ chúng em trở về đứng trước bài toán làm thế nào để sản phẩm phát triển màu sắc đa dạng đáp ứng nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ của thế giới mà vẫn đáp ứng được yếu tố truyền thống mới tạo nên nhiều bộ sưu tập khác nhau”.

Ngay khi trở về, Linh đưa ngay vào sản phẩm của gia đình bộ nhận diện thương hiệu với slogan “Sứ hạng sang, lam huyền thoại” và dán mã truy xuất nguồn gốc gốm cơ sở sản xuất Cương Duyên. Đặc biệt, phát huy giá trị mà bố mẹ em đã gây dựng đó là môi trường làm việc nhóm. Hiện tại, cơ sở có 102 người thợ mà Linh luôn trân trọng gọi là “cộng sự”. Trong đó, có hơn 30 người gắn với lâu năm, có những người gắn bó hơn 30 năm đã trở thành thợ chính, thợ cả tiếp tục truyền dạy nghề cho thợ trẻ. Linh cho hay, với bí quyết gia truyền là phát triển dòng men lam kết hợp với sự sáng tạo của các nghệ nhân, họa sĩ tạo ra sản phẩm gốm vừa đa sắc, vừa sáng bóng và độ phản quang cao.

Hiện nay, với gần 3.000 mẫu mã thiết kế khác nhau, hơn 30 bộ sưu tập thì 80% phục vụ thị trường nội địa ở dòng sản phẩm đồ thờ tâm linh theo 2 thủ pháp trang trí đã được đăng ký độc quyền. Tới đây, sẽ tiếp tục đăng ký độc quyền thương hiệu bộ sản phẩm “Dệt gấp thêu hoa” và “Bảo thiên liên hoa”. Đặc biệt có những bộ sản phẩm độc bản do khách hàng đặt. Sau khi sản phẩm hoàn thiện thì được bảo mật và không sản xuất lại. Với định hướng phát triển dòng gốm cao cấp, nên sản phẩm gốm sứ tại cơ sở Cương Duyên luôn có giá giao động từ 5 triệu đồng đến 150 triệu đồng.

“Để làm ra sản phẩm độc đáo nghệ thuật ngoài giá trị từ nguyên liệu đất men màu, nhân lực trí tuệ sáng tạo mà còn có cả sự trả giá cho thần lửa, có khi phải hỏng đến 5 sản phẩm mới ra được 1 sản phẩm hoàn thiện. Sản phẩm thực sự là công sức của cả tập thể. Vì vậy, gia đình em luôn mong muốn xây dựng mô hình làm việc nhóm tối ưu, luôn có sự chuyển giao và kết hợp với nhiều người có đam mê sáng tạo. Em sẽ luôn nỗ lực để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề và hy vọng làng nghề Bát Tràng phát triển tầm cao mới”, Linh chia sẻ.

Cô gái Phạm Cẩm Linh, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết với nghề truyền thống với sản phẩm mà Linh cùng gia đình và cộng sự để lại ấn tượng cho mỗi người đến đây từ mô hình nhà cây đến hơn 3.000 sản phẩm độc đáo như một biểu trưng của tư duy mở, bởi sự kết hợp tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây, đây sẽ là lựa chọn của nhiều du khách khi đến với làng gốm Bát Tràng./.

Nguyễn Hoa / laodongthudo.vn