Lan tỏa những hành vi văn hóa ứng xử tốt đẹp

Trong bối cảnh đô thị hóa, guồng quay công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội thì vấn đề xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình và đời sống cộng đồng càng trở nên cấp thiết.

Thực trạng phổ biến được nhìn thấy hiện nay là bên cạnh những nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng vẫn được chú trọng gìn giữ, lan tỏa thì còn có không ít mặt trái cần báo động. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, đạo đức, nhân cách và văn hóa con người đang có những biểu hiện xuống cấp, xuất hiện những vấn đề tiêu cực.

Bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa ứng xử biểu hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói là sự xuất hiện những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp hằng ngày. “Việc nhận diện những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử là việc làm cần thiết để có biện pháp điều chỉnh nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước hiện nay”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Lan tỏa những hành vi văn hóa ứng xử tốt đẹp
Tại nhiều khu dân cư, việc xây dựng nếp sống văn hóa đã được người dân quan tâm, chú trọng (Ảnh: K.T)

Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong đời sống gia đình, cộng đồng và xã hội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An khẳng định, trong xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, phải chú trọng vai trò của mỗi gia đình và cộng đồng; phát triển hài hòa, chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa, con người trong phát triển kinh tế.

Tại Hà Nội, từ năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố”; “Quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa người Hà Nội”. Đến nay, việc thực hiện hai Bộ quy tắc ứng xử đã ngày càng bài bản, rộng khắp; xây dựng được nhiều mô hình trong thực hiện quy tắc ứng xử như giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng cơ quan văn hoá, tuyên truyền trong cộng đồng dân cư. Tinh thần, thái độ và phong cách phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức có chuyển biến rõ nét…

Có thể thấy, trong những năm qua, việc ứng dụng các quy tắc ứng xử vào trong đời sống hằng ngày đang được các cấp chính quyền cũng như người dân tích cực hưởng ứng. Ngay tại cơ sở, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Đó là bà Vũ Thị Thanh Bình (sinh năm 1954), Bí thư Chi bộ 11, Tổ trưởng tổ dân phố 27 phường Láng Thượng, quận Đống Đa – người đã có 10 năm tham gia cấp ủy ở khu dân cư. Với tinh thần trách nhiệm cao, phương pháp làm việc khoa học, chủ động, cộng với tài dân vận khéo, bà Bình đã có nhiều đóng góp trong xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, đoàn kết tại khu dân cư, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao.

Nhiều năm trước, khu dân cư 11 đã có nhà văn hóa song xuống cấp, không thuận tiện cho hoạt động của người dân, các đoàn thể… Nhận thấy việc cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa là nhu cầu bức thiết của nhân dân, với vai trò là Bí thư Chi bộ 11, bà Bình đã bàn với cấp ủy, cán bộ khu dân cư, thống nhất chủ trương, sau đó vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn đóng góp được hơn 200 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp và mua sắm thiết bị cho nhà văn hóa. Sau một thời gian sửa chữa, giữa năm 2017, nhà văn hóa khu dân cư 11 đã hoàn thành, hệ thống trang thiết bị cũng được đầu tư, giúp người dân có nơi sinh hoạt ổn định, tạo sự đoàn kết, gắn bó.

Với những đóng góp tích cực của bà Vũ Thị Thanh Bình, nếp sống văn minh ở khu dân cư số 11 ngày càng được nâng cao. Các phong trào, cuộc vận động của Thành phố, quận Đống Đa luôn được khu dân cư 11 triển khai sâu rộng, hiệu quả. Chi bộ khu dân cư 11 nhiều năm liền là chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tổ dân phố 27 liên tục được công nhận là Tổ dân phố văn hóa cấp quận.

Hay ông Nguyễn Văn Hà, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận Khu dân cư số 3, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) cũng là một gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Từ công tác môi trường đến việc đưa Quy tắc ứng xử vào cuộc sống, ông Hà đều có sáng kiến hay, cách vận động gần gũi, chân tình để mọi người làm theo. Đặc biệt hơn, ông còn luôn quan tâm từ những việc nhỏ nhất, như: Dọn vệ sinh, bóc tách quảng cáo, rao vặt trái phép, viết bảng tin biểu dương người tốt, việc tốt ở địa phương… Những nỗ lực của ông Hà đã giúp tổ dân phố có nhiều chuyển biến tích cực.

Có thể thấy, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn Hà Nội cũng đã tích cực hưởng ứng việc thực hiện các Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn. Tiêu biểu là, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đã triển khai nhiều mô hình thực hiện quy tắc ứng xử có hiệu quả như: Đoạn đường phụ nữ tự quản, Đường hoa phụ nữ tự quản, Biến điểm chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản, Sạch đồng ruộng, Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh – sạch – đẹp – thân thiện với môi trường…/.

Kim Tiến / laodongthudo.vn