Nghệ nhân nhân dân Trần Văn Độ: Người giữ hồn gốm cổ Bát Tràng

Nghệ nhân nhân dân Trần Văn Độ là đời thứ 18 trong dòng họ Trần làm gốm ở Bát Tràng.

Hơn 50 năm miệt mài với nghề gốm, Nghệ nhân nhân dân Trần Văn Độ (thường gọi là Trần Độ), ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội đã tạo dựng được kho di sản gồm hơn 70 bài men gốm, trong đó nhiều dòng gốm cổ, quý, được ông nghiên cứu và phục dựng thành công. Những sản phẩm gốm độc đáo, mang hồn cốt Việt được hình thành từ bàn tay tài hoa của ông đã vang xa trong và ngoài nước.

Nghệ nhân nhân dân Trần Độ. Ảnh: FBNV

Nghệ nhân nhân dân Trần Văn Độ là đời thứ 18 trong dòng họ Trần làm gốm ở Bát Tràng. Cần mẫn cóp nhặt kinh nghiệm của cha từ năm 10 tuổi và sau đó là kinh nghiệm trong những năm làm thợ tại xí nghiệp gốm, đến năm 29 tuổi, Trần Văn Độ mới thật sự thấy mình đủ độ chín để sống với nghiệp gốm.

“Khi còn nhỏ tôi đã được học và nghe các cụ cao tuổi trong làng nói chuyện về gốm Bát Tràng. Sau này tôi cũng tìm hiểu thêm các chuyên gia, rồi được xem các bộ sưu tập gốm và từ đấy nẩy ra ý tưởng tìm con đường riêng là mình phải học hỏi, phải trau dồi kiến thức để làm những sản phẩm mang dấu ấn của dòng gốm Lý Trần”.

Mấy mươi năm làm nghề, ông Độ kiên trì tìm cho sản phẩm của mình những nét riêng, mang đậm tinh hoa văn hóa dân tộc. Bí quyết “nhất dáng, nhì men, thứ ba là tích và cuối cùng là họa”, được ông vận dụng linh hoạt để sáng tạo những tác phẩm gốm nghệ thuật độc đáo. Nhiều dòng men gốm xưa tưởng chừng đã bị mai một, lãng quên được ông hồi sinh. Những hiện vật cổ từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê đã được ông phục dựng thành công, tiêu biểu như: Bình rượu triều Lê- Mạc, được Văn phòng Chính phủ chọn làm quà tặng ngoại giao tại Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu 5 (ASEM 5) năm 2003; “Đỉnh gốm triều Nguyễn”, sản phẩm được Chính phủ Việt Nam chọn tặng Tổng thống Mỹ Bush năm 2006 nhân chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ hay tác phẩm “Cụ rùa Hồ Gươm” dâng lên Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội…

Nghệ nhân Trần Văn Độ chia sẻ: “Cái sắc màu nó khác nhau vì vậy tôi nghĩ tất cả những gì tôi đổ tâm vào màu sắc , họa tiết, hoa văn, dáng dấp đều mang hồn cốt Việt Nam. Ngày xưa các cụ nói “cục đất là cục vàng”. Và sau gần 50 năm, tôi đã tìm ra đáp số.”

Bình rượu giả cổ triều Lê-Mạc được nghệ nhân Trần Độ chế tác theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: HNM

Những sản phẩm gốm của gia đình ông nói riêng và làng gốm Bát Tràng nói chung đã trở thành một trong sản phẩm du lịch tiêu biểu của Hà Nội có mặt ở nhiều quốc gia, mang theo giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đến với bạn bè quốc tế…Nghệ nhân Lê Khánh Ly cho biết: “Một trong những đặc điểm của gốm sứ Trần Độ là thể hiện những đường nét hoa văn gốm Trần, nâu Trần. Tất cả những họa tiết đưa vào đều là dựa trên những tư liệu của các viện bảo tàng cho nên có thể thấy phảng phất trong gốm Trần Độ một cái gì đó cổ kính, phục cổ. Nghệ nhân đã thể hiện rất rõ nét gốm sứ hoa nâu một thời.”

Ông Lê Xuân Phổ, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng, đánh giá rằng Bát Tràng có một lớp nghệ nhân hàng đầu, trong đó có nghệ nhân nhân dân Trần Văn Độ. Các sản phẩm gốm của nghệ nhân Trần Văn Độ hội tụ đủ những nét văn hóa Việt Nam. Điều này là vinh dự cho cả vùng Bát Tràng.

Sản phẩm của nghệ nhân Trần Độ. Ảnh: FBNV

Nhà trưng bày gốm của gia đình nghệ nhân Trần Văn Độ là nơi lưu giữ, giới thiệu tới du khách những giá trị đặc sắc của nghệ thuật gốm Bát Tràng mà ông đã dày công nghiên cứu suốt mấy chục năm qua. Bộ sưu tập của ông mang bản sắc riêng của gốm Trần Độ, trong đó chứa đựng linh hồn, những gì mà ông đau đáu bao nhiêu năm trong nghề.

Dành tâm huyết cả đời cho gốm Bát Tràng, nghệ nhân Trần Văn Độ đã nhận nhiều giải thưởng như: Huy chương bàn tay vàng toàn quốc, danh hiệu Nghệ nhân nhân dân…được thành phố Hà Nội vinh danh là “Công dân ưu tú thủ đô”. Đây là những phần thưởng xứng đáng dành cho người thợ gốm đã dành nhiều tâm huyết trong việc lưu giữ vốn văn hóa quí báu của thủ đô.

Hồng Bắc/VOV5