Người Hà Nội tất bật đi chợ, mua rượu nếp, bánh gio sửa soạn mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ

Sáng 3/6 (mùng 5 tháng 5 Âm lịch), người dân Hà Nội tất bật đi chợ, chuẩn bị rượu nếp, hoa quả, bánh gio… để làm mâm cúng Tết Đoan Ngọ.

Người Hà Nội tất bật đi chợ, mua rượu nếp, bánh gio sửa soạn mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ
Trong sáng 3/6, các khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội nhộn nhịp hơn. Kẻ bán, người mua tất bật mua bán để chuẩn bị cho Tết Đoan ngọ.

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là lễ “Giết sâu bọ” vốn là ngày lễ truyền thống của người Việt nhiều đời nay. Theo tục lệ từ xưa, người dân thường cúng vào buổi sáng ngày 5/5 Âm lịch.

Đây cũng là thời điểm chuyển mùa, nóng nực, sâu bọ, côn trùng sinh sôi phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Vì vậy, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương cầu may, mùa vụ suôn sẻ.

Người Hà Nội tất bật đi chợ, mua rượu nếp, bánh gio sửa soạn mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ
Người Hà Nội tất bật chuẩn bị mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động Thủ đô, trong sáng 3/6, các khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội nhộn nhịp hơn. Kẻ bán, người mua tất bật mua bán để chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ. Đặc biệt, trong ngày này, tại các khu chợ dân sinh, những gánh hàng bán rượu nếp, bánh tro (bánh gio), mận, vải… thường xuất hiện nhiều hơn.

Các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết Đoan Ngọ cho biết, năm nay thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho việc nhập hàng và buôn bán, đặc biệt là rượu nếp. Ở miền Bắc, cơm rượu nếp là món ăn phổ biến trong mâm cúng ngày lễ giết sâu bọ. Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy. Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Khi có khách mua, người bán sẽ chia nhỏ ra từng cốc.

Người Hà Nội tất bật đi chợ, mua rượu nếp, bánh gio sửa soạn mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ
Ở miền Bắc, cơm rượu nếp là món ăn phổ biến trong mâm cúng ngày lễ giết sâu bọ.

Cô Lê Thị Ánh Tuyết, một tiểu thương trên phố Nghĩa Tân cho hay: “Cô bán rượu nếp, nếp cẩm ở đây hơn 30 năm , mỗi năm dịp Tết Đoan Ngọ cô bán được nhiều hơn ngày thường. Năm nay, giá bán rượu nếp từ 10.000 – 20.000 đồng/cốc.

Chị Lê Thị Hương một người kinh doanh ở chợ dân sinh thuộc phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Từ hôm qua, nhiều khách đã đặt mua rượu nếp, bánh tro. Vì vậy, từ tối hôm qua (2/6), tôi và gia đình đã phải chuẩn bị thêm hàng để bán”.

Người Hà Nội tất bật đi chợ, mua rượu nếp, bánh gio sửa soạn mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ
Mâm quả dâng lên bàn thờ tổ tiên là điều không thể thiếu trong dịp Tết Đoan ngọ. Các loại quả có vị chua như xoài, mận, xoài, vải…

Bên cạnh đó, mâm quả dâng lên bàn thờ tổ tiên là điều không thể thiếu trong dịp Tết Đoan ngọ. Các loại quả có vị chua như xoài, mận, dứa, cóc… được cho là có tác dụng xua đuổi sâu bệnh, côn trùng gây hại. Nhiều gia đình cũng chuẩn bị bữa cỗ “giết sâu bọ” vào sáng sớm với các loại trái cây đầu mùa như: vải, chôm chôm, dưa hấu, đào, chuối… với mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.

Cùng với rượu nếp, trái cây thì bánh gio (hay còn gọi là bánh tro) cũng là một món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ. Tại các chợ dân sinh, bánh tro có giá từ 8.000 – 10.000 đồng/cái. Đây là bánh được làm bằng gạo nếp và nước tro (gio) của nhiều loại cây mật ong. Bánh thường được bán kèm cùng với mật.

Người Hà Nội tất bật đi chợ, mua rượu nếp, bánh gio sửa soạn mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ
Cùng với rượu nếp, trái cây thì bánh gio (hay còn gọi là bánh tro) cũng là một món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ

Chuẩn bị mâm cúng lễ từ sáng sớm, bà Phạm Thị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Vào ngày Tết Đoan Ngọ, tôi chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Sau khi thụ lộc, con cháu ngủ dậy đều ăn rượu nếp, hoa quả, gọi là giết sâu bọ”.

Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ truyền thống diễn ra vào 5/5 Âm lịch hàng năm. Năm nay, Tết Đoan Ngọ rơi vào ngày 3/6 Dương lịch. Phong tục ăn Tết Đoan Ngọ có mặt ở nhiều quốc gia phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Vào ngày 5/5 Âm lịch, người dân có nhiều tục lệ như giết sâu bọ bằng cách ăn hoa quả, rượu nếp cái hoa vàng hoặc xông, tắm để gột sạch cơ thể. Ngoài ra, trong ngày này, người dân cũng có tục làm cỗ cúng.

Kim Tiến
https://laodongthudo.vn/nguoi-ha-noi-tat-bat-di-cho-mua-ruou-nep-banh-gio-sua-soan-mam-le-cung-tet-doan-ngo-141073.html