Người lưu giữ và truyền dạy làn điệu hát Trống quân

Để hát Trống quân không bị quên lãng và có bước phát triển như hiện nay, không thể không nhắc đến những đóng góp thầm lặng của những nghệ nhân đã lưu giữ và phát triển những làn điệu mới, trẻ – đó là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy.

Từ nhiều năm nay, những câu hát Trống quân đã trở thành mạch ngầm văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các sinh hoạt lễ hội, văn hóa cũng như trong đời sống hằng ngày của người dân thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín. Để hát Trống quân không bị quên lãng và có bước phát triển như hiện nay, không thể không nhắc đến những đóng góp thầm lặng của những nghệ nhân đã lưu giữ và phát triển những làn điệu mới, trẻ – đó là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy

Về xã Khánh Hà – cái nôi của điệu hát Trống quân nổi tiếng. Chúng tôi được giới thiệu tìm đến Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy, một trong những người thuộc thế hệ đi trước còn lưu giữ và hát được những điệu hát trống quân của làng. Bà Nguyễn Thị Dung, cán bộ văn hóa xã cho biết: “Ở khắp vùng này, bây giờ ai muốn nghe, muốn biết về hát Trống quân thì phải gặp cụ Vẫy. Người đã và đang lưu giữ và phát triển điệu Trống quân cổ cùng những làn điệu mới, truyền dạy nghệ thuật hát Trống quân cho thế hệ trẻ”.

Sinh năm 1937, trong gia đình có 5 anh chị em, ngay từ nhỏ, Nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy đã quen thuộc những điệu hát Trống quân qua những lời hát ngân nga và mượt mà của mẹ. Mẹ của bà Vẫy là một nghệ nhân hát trống quân, thuộc rất nhiều làn điệu cổ và thường sáng tác làn điệu mới để dạy các con. Lên 8 tuổi, bà đã rất mê hát Trống quân, sáng dậy là hát, ra đồng hát, tối đi ngủ cũng hát. Vì vậy, ngay từ nhỏ, bà đã thuộc rất nhiều làn điệu hát Trống quân. Đến tuổi thiếu nữ, bà thường cùng các tốp nam thanh nữ tú rủ nhau ra ven bờ sông hát đối đáp. Cũng thời gian này, bà bắt đầu đi hát Trống quân trên loa xã, đi đọc báo, đọc những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cho bà con trong xã; thường xuyên tham gia biểu diễn hát Trống quân ở đình trong các dịp hội làng của các thôn trong xã và địa phương lân cận.

Bà Vẫy tâm sự, niềm đam mê hát Trống quân đã mang đến cho bà hạnh phúc lứa đôi. Ông Nguyễn Văn Cường vì mê tiếng hát của bà mà xe tơ kết tóc và cùng có với nhau 6 người con. Nhiều hôm khi bà đi hát ở hội làng, ông Cường bế con cùng đi để động viên. Đây là những kỷ niệm đẹp mà ông bà thường kể cho con cháu nghe về một thời gian khó nhưng tình yêu, tâm huyết với những làn điệu quê hương vẫn luôn cháy bỏng trong ông bà và của người dân Đan Nhiễm nơi đây.

Hiện nay, ngoài hát Trống quân, bà còn biết hát và hát rất hay nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác như: Xẩm, Cải lương, Tuồng, Chèo. Nhưng đối với nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy môn nghệ thuật quê hương là sự gắn bó và gửi gắm tâm huyết hơn cả. Người dân xã Khánh Hà vẫn truyền tai nhau rằng, điệu hát Trống quân có từ thời vua Lê Lợi về sau, điệu hát được truyền bá rộng rãi trong dân gian, xuất hiện nhiều biến thể phù hợp với mỗi vùng, miền nhưng vẫn giữ được tên gọi gốc của nó. Xã Khánh Hà từ lâu được biết đến là vùng quê có những làn điệu hát Trống quân da diết. Hát Trống quân ở Khánh Hà đặc biệt hơn nhiều vùng, miền khác ở chỗ, kép hát luôn tuân thủ chặt ở các chặng hát. Với họ, hát Trống quân đã trở thành một nét văn hóa đẹp, là chất keo kết nối tình làng nghĩa xóm.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy (người đứng thứ 5 từ trái qua) nhận gương “Người tốt – Việc tốt” năm 2019

Trước kia, người dân sống dọc hai bên bờ sông Nhuệ và Tô Lịch thường xuyên rủ nhau ra ven bờ hát đối đáp. Những câu hát đối chất chứa trí tuệ, đầy ắp cảm xúc cũng lan tỏa khắp nơi sân đình, xóm ngõ, tại các buổi chợ phiên vừa thử tài trí thông minh, vừa bày tỏ tình cảm của đám con trai, con gái; cứ hết câu này sang câu khác, cùng với tiếng cười giòn tan vang khắp nơi. Cứ thế Trống quân Khánh Hà tồn tại với một sức sống mãnh liệt.

Nhớ nghề và muốn lưu giữ những điệu hát cổ, bà Vẫy dốc lòng vận động con em trong nhà, trong họ tham gia học hát Trống quân. Năm 2008, Câu lạc bộ Hát trống quân xã Khánh Hà ra đời để gây dựng phong trào văn hóa văn nghệ và truyền dạy nghệ thuật hát Trống quân, bà Vẫy là một trong 05 nghệ nhân đầu tiên tham gia dạy hát. Trách nhiệm với quê hương và niềm say mê với điệu hát dân gian đã giúp bà nhiều năm bền bỉ với việc làng, việc xã, đứng lớp truyền dạy trống quân cho các thành viên trong câu lạc bộ. Không biết chữ, bà bảo cháu ôm vở theo sau, “bà nhớ ra câu nào, cháu ghi lại câu đó” như một cách tổng hợp tư liệu cho lớp học. Ngoài việc chép lại các lời hát cổ, bà còn biên soạn, sáng tác nhiều lời mới.

Cuốn theo sự nhiệt huyết của bà và những nghệ nhân cao tuổi trong Câu lạc bộ, sự quan tâm, muốn tìm hiểu và tham gia học hát của người dân, đặc biệt là giới trẻ đối với làn điệu hát Trống quân truyền thống của quê hương ngày càng nhiều. Những lớp học cuối tuần luôn rộn rã, ngân vang những điệu hát quê hương của cả thầy và trò “không chuyên”. Bà chia sẻ: “Mỗi khi lên lớp, nhìn thấy những ánh mắt háo hức, nụ cười rạng rỡ của những người đi nghe và học hát, tôi và những người trong Câu lạc bộ cảm thấy ấm lòng và càng có động lực hăng say truyền dạy hát”.

Tham gia học hát Trống quân có nhiều độ tuổi khác nhau, từ các em nhỏ 10 tuổi cho đến các cụ cao niên 70, 80 tuổi. Vì vậy, đối với từng đối tượng khác nhau bà Vẫy lựa chọn các chủ đề phù hợp để dạy. Đối với các em thiếu nhi, những chủ đề mà bà lựa chọn là các bài hát về hoa, quả. Đối với người trung tuổi là những chủ đề về tình yêu quê hương, tình cảm lứa đôi. Đối với người già thì những bài có chủ đề liên quan về non sông, đất nước.

Cứ như vậy, hơn 10 năm qua, 50 người đã được bà truyền dạy hát Trống quân. Cũng nhờ công sức giữ gìn, truyền dạy của những người như bà Nguyễn Thị Vẫy mà điệu hát Trống quân xã Khánh Hà không bị thất truyền và có bước phát triển như hiện nay. Thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà vinh dự có 05 người được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về hát Trống quân. Hiện nay, Câu lạc bộ Hát trống quân xã Khánh Hà có hơn 30 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt trong đội văn nghệ và tham gia biểu diễn phục vụ hội làng, lễ tết… Không ít lần “mang chuông đi đánh xứ người”, điệu hát Trống quân Khánh Hà thường xuyên giành các giải lớn tại các hội diễn dân ca, dân vũ, hội viễn văn nghệ không chuyên.

Giờ đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe đã giảm sút, bà Vẫy không thể trực tiếp tham gia đứng lớp truyền dạy hát Trống quân như trước, nhưng với bà còn sức khỏe là còn hát, không thể đi bộ xa đến nơi khác dạy được thì những ai yêu thích, muốn học hát Trống quân đến nhà bà luôn sẵn sàng truyền dạy. Ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của bà Nguyễn Thị Vẫy đối với việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật hát Trống quân năm 2009, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam; nhận Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ; năm 2015, được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tặng Giấy khen có thành tích trong công tác bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể hát Trống quân Hà Nội. Năm 2019, bà vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là nguồn động viên to lớn để bà tiếp tục gìn giữ, truyền dạy điệu hát cổ truyền, để nét văn hóa đặc sắc ấy sống mãi trong đời sống tinh thần của người dân.

Thanh Tình/HNP