Những cô bé bán than trên phố Hà Nội xưa

Tới Hà Nội cuối thế kỷ 19, bác sĩ Hocquard quan sát và ghi lại sinh hoạt của người dân trên phố. Trong đó có hình hai cô bé tầm 10 đến 12 tuổi, gánh những thúng than đầy có ngọn.

Chúng tôi lại về chỗ ở cũ trong thành. Phía thành này bây giờ vào loại đông vui, náo nhiệt nhất. Mỗi buổi sáng, cả một đám người bản xứ đem sản phẩm của họ đến bán cho chúng tôi. Niềm vui lớn của tôi khi vừa thức dậy là ra cửa ngồi xem họ diễu qua.

Các cô bé bán than. Tranh khắc in theo ảnh chụp của bác sĩ Hocquard.

Đây là hai cô bé bán than, hai đứa trẻ khoảng 10 đến 12 tuổi, oằn người gánh hai thúng than lớn đầy có ngọn. Bộ ngực gầy của các cô được che bằng một mảnh vải trắng hình tam giác khoét ngang cổ (yếm – dịch giả) và cái áo dài nâu cũ để mở khíu vá nhiều chỗ (áo tứ thân thắt vạt – dịch giả).

Người dân thường An Nam làm việc từ lúc còn ít tuổi. Hầu như gia đình nào cũng đông người, không hiếm nhà có tới 12 hoặc 15 thành viên. Cái ăn không đắt nhưng miệng ăn lại nhiều.

Vì thế, người ta bắt con gái cũng như con trai khi đủ sức mang một ống tre (đòn gánh) trên vai là phải đi gánh thuê như làm cu li khuân vác.

Nhờ lối rèn luyện từ nhỏ ấy nên dạng người tuy mảnh khảnh, cơ bắp tuy ít nở nang, họ vẫn có thể gánh trên vai một trọng lượng đáng kể, nếu như cõng trên lưng hoặc đeo quanh thắt lưng thì nhất định gục ngã.

Đổi lại, vai những cu li đứng tuổi đều có chỗ thành chai do sự cọ xát của đòn gánh tre, có những người ở chỗ đó hình thành một túi thanh mạc nhỏ dưới da.

Một lái buôn đồ mỹ nghệ mời tôi mua hàng. Anh ta hết sức khúm núm tiến lại, chiếc nón chóp to cầm ra tay, vái lia vái lịa từ xa, theo sau là một người làm thuê vác một túi vải màu xanh. Anh ta rút từ túi ấy ra nào là tráp khảm, hộp trầu, lư hương, mâm đồng.

Than ôi! Những kẻ bị xem là hoang dã đó đã tìm cách lừa đảo. Những đồ khảm anh ta đưa tôi xem thì xà cừ bị thay bằng vỏ trai thông thường, còn gỗ trắc tím mịn và quánh thì thay bằng gỗ tạp trắng chưa thật khô, nhuộm bằng fuchsine (một chất nhuộm màu đỏ) rồi đánh bóng bằng dầu dừa.

Quán ăn nhỏ và quán chè trên đường từ Bắc Ninh đi Hà Nội. Tranh khắc theo ảnh chụp của bác sĩ Hocquard.

Bên cạnh tôi là một bà bán bánh kẹp, làm bánh dưới mái hiên nhà tôi. Bà ta quạt cho than trong cái lò đất chịu lửa xách tay hồng lên, đặt trên lò một miếng tôn mỏng rồi đổ vào đó một thìa bột gạo đánh với trứng rất loãng.

Gặp nhiệt độ cao, lớp bột hình thành một lá bánh, phồng lên giống hình một viên ngói, như là bánh quế (theo mô tả đây là một dạng bánh xèo, không phải bánh kẹp hay bánh quế – dịch giả).

Một bà già dẫn hai cô gái xinh đẹp đến bán hoa cho tôi. Cách cắm hoa của họ thật độc đáo. Họ đặt một thỏi đất hình tháp trên một khoanh thân cây chuối rồi cắm vào thỏi đất đó các bông hoa, cành lá nhỏ, những chùm quả đỏ, che khuất thỏi đất đi, màu sắc thật hài hòa tài khéo, đẹp mắt.

Người An Nam còn có tài đáng phục là dùng hoa quả tạo hình các con vật, đặt trong giỏ để trang trí các bàn trong những ngày hội hoặc đặt lên bàn thờ tổ tiên ngày giỗ, ngày tết.

Zing/Trích sách ‘Một chiến dịch ở Bắc Kỳ’

Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của tác giả Charles Hocquard do NXB Văn học liên kết Đông A phát hành. Charles Édouard Hocquard – bác sĩ quân y Pháp – tới Việt Nam từ 1884 đến 1886. Ông đã ghi chép, chụp ảnh về cảnh vật, con người, lối sống nhiều vùng như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đà Nẵng, Huế… Cuốn sách không chỉ là áng văn du ký mà còn là nguồn tư liệu về nước ta cuối thế kỷ XIX.