“Ông đồng nát” và “bảo tàng” 3 nghìn kỷ vật chiến tranh

Dù chưa từng trải qua cuộc đời quân ngũ, nhưng Thượng tá công an Đào Văn Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) lại có đam mê khó cưỡng với những kỷ vật thời “mưa bom, bão đạn”…

Đam mê kỷ vật thời “mưa bom, bão đạn”

Trong khuôn viên rộng gần 1.500m2 tại thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội, Thượng tá Đào Văn Hà, nguyên cán bộ Phòng An ninh Chính trị, Công an TP Hà Nội dành riêng một ngôi nhà khang trang nhất để lưu giữ những hiện vật chiến tranh.

Ngay khi bước qua cánh cửa gỗ, người xem như lạc vào quá khứ. Không gian trưng bày được thiết kế giống như chiếc lều dã chiến của chiến sĩ bộ đội với nền phông rêu tối chủ đạo được tạo bởi lớp bạt võng dù và bạt rằn ri. Ông Hà lý giải: “Phải làm như vậy mới tái hiện, cảm nhận được một cách chân thực nhất những gì đã diễn ra của một thời khói lửa, mưa bom, bão đạn”.

Thượng tá Đào Văn Hà giới thiệu về những kỷ vật chiến tranh trong “bảo tàng” đặc biệt của mình

Hơn 3.000 hiện vật như bi đông, ăng-gô, vỏ đạn, vỏ bom, đạn cối, ống nhòm… cả cũ, cả mới đều được phân loại, sắp xếp theo từng hàng trên kệ. Chỉ vào chiếc mũ cối mang sao vàng năm cánh đã phai màu, sờn vải được đặt trang trọng trên tấm vải đỏ và có lồng kính bao quanh, ông cho hay, đây là kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Cường (quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), hy sinh năm 1968 tại mặt trận Quảng Trị khi đang làm nhiệm vụ lái xe Zin trên đường Trường Sơn.

Sau đó, một đồng đội cùng tên của liệt sĩ Nguyễn Văn Cường đã giữ được chiếc mũ. Hòa bình lập lại, cựu chiến binh này trở về sinh sống tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy và kỷ vật này luôn được ông nâng niu, giữ gìn ngay tại xưởng làm mộc của gia đình.

Biết tôi có đam mê sưu tầm, anh Cường đã đề nghị nhờ lưu giữ hộ. Anh bảo, đó là chiếc mũ cối của người bạn thân, người đồng đội liệt sĩ đã để lại sau một trận đánh bom ác liệt của quân Mỹ. Không chút ngần ngại, tôi nhận lời ngay”, ông Hà nhớ lại.

Nằm cạnh chiếc mũ cối là một chiếc thắt lưng vẫn còn khá mới được ông chủ “bảo tàng” giới thiệu là di vật của liệt sĩ Đào Văn Khoa, tên gọi khác là Đào Văn Nghếch (quê ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) hy sinh tại khu vực đèo Ngang năm 1973. Vì là người cùng họ, gia đình liệt sĩ Khoa đã tin tưởng, đồng ý cho ông bảo quản cũng như để giới thiệu với những vị khách ghé thăm.

Nhiều người gọi tôi là… “ông đồng nát”!

Ít ai biết rằng, để sở hữu khối lượng hiện vật đồ sộ như hiện nay, ông Hà đã bỏ ra không ít thời gian, công sức và tiền bạc. Năm 2008, ông bắt đầu hành trình tìm kiếm những “ký ức chiến tranh”. Hễ ở đâu ai mách hay có thông tin người bán, ông đều lặn lội tới tìm mua bằng được. Vì vậy mà khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc đến những vùng đất xa xôi của nước bạn Lào đều in dấu chân của ông.

Những kỷ vật được lưu giữ ở đây đều gắn liền với một thời “mưa bom, bão đạn”

Có khi cạn tiền, ông phải bán cả chiếc sập cùng những đồ bằng đồng quý giá trong nhà, gom góp được 80 triệu đồng để đàm phán, mua lại toàn bộ hiện vật chiến tranh từ một lái buôn.

Hay chỉ là những chiếc bi đông tình cờ mua được của người thu gom phế liệu với giá 40 nghìn đồng. “Nếu không nhanh tay mua, nó có thể sẽ bị bán cho một cơ sở tái chế nào đó”, ông Hà nói và chia sẻ: Hồi ấy, có nhiều người vẫn hay gọi tôi là “ông đồng nát”. Nhưng rồi họ cũng hiểu rằng, đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa. Những món đồn xưa cũ kia chính là minh chứng cho một giai đoạn kháng chiến kiên cường chống giặc ngoại xâm. Chúng ta chịu ơn những liệt sĩ đã ngã xuống để có được cuộc sống tự do, hạnh phúc như hôm nay. Vì vậy, đây là thứ cần và nên giữ.

Nghe tiếng ông thường sưu tập kỷ vật chiến tranh, nhiều gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh cũng tìm đến để gửi gắm, trao tặng những kỷ vật của thân nhân họ. Và không biết từ khi nào, “bảo tàng” của ông đã trở thành địa điểm quen thuộc của những bậc lão thành tới giao lưu, ôn lại năm tháng chiến đấu, quần nhau với giặc.

Thường xuyên đưa các hội viên tới “bảo tàng” để giao lưu văn nghệ, ông Nguyễn Đăng Thuật, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đan Phượng là người hiểu rõ hơn ai hết về giá trị của những kỷ vật.

Viết đơn xin nhập ngũ từ tháng 7/1965 khi mới 18 tuổi, đến năm 1967 ông nhận lệnh hành quân vào miền Nam rồi được bổ sung cho Trung đoàn Đồng Nai, phân khu 5, miền Đông Nam Bộ. Đầu năm 1969, trong một trận chiến ác liệt, ông Thuật bị thương ở cánh tay và được đồng đội chuyển về hậu cứ điều trị. Trong ký ức của người cựu binh, với địa hình chiến trường kênh, rạch chằng chịt, nhiều đồng đội của ông hy sinh, thi thể đã trôi theo dòng nước và những quân tư trang của họ cũng không còn giữ được nhiều.

“Rất cảm động và khâm phục Đào Hà khi dày công sưu tầm được nhiều đồ vật của thời chiến như vậy. Không gian nhỏ nhưng đầy ắp những tư liệu quý về cuộc chiến không cân sức giữa một bên là quân đội Mỹ được trang bị vũ khí hiện đại, vượt trội; còn bộ đội ta chỉ có những vật dụng thô sơ nhưng vẫn giành được chiến thắng. Vì ý nghĩa to lớn đó, tôi đã quyết định tặng lại cho anh Hà chiếc ăng-gô của Trung Quốc sản xuất để làm kỷ niệm”, ông Thuật chia sẻ.

Nhấp một ngụm trà nóng, ông Hà bày tỏ: “Các kỷ vật kia là vô giá vì đồng hành cùng những người con đã dành cả tuổi thanh xuân cho độc lập của Tổ quốc. Đó là những chiếc bi đông ngày xưa chỉ lính lái xe đường Trường Sơn mới có, là chiếc ống nhòm lính trinh sát đặc công, chiếc ống thở của thợ lặn, rồi múi dù của một nữ bộ đội… Nhận được tình cảm từ những người trực tiếp chiến đấu thời hoa lửa, vui lắm”.

Bên cạnh việc dồn tâm huyết vào sưu tầm những kỷ vật chiến tranh, “bảo tàng” của Thượng tá Đào Văn Hà còn đang lưu giữ nhiều tác phẩm quý về văn hóa dân gian của người Việt cổ như “ông chó đá”, mâm đồng, ấm đồng, ống nhổ trầu… Ngoài ra, còn có các hiện vật liên quan đến tình hữu nghị của Việt Nam với Liên Xô (cũ) và các nước XHCN Đông Âu trước đây với đôi dép cao su, đèn pin, quạt tai voi, xe đạp, đài cát sét…

Khi được hỏi về dự định sắp tới, ông Hà cho biết, sẽ cố gắng mở rộng thêm quy mô của gian trưng bày và sắp xếp lại toàn bộ kỷ vật một cách khoa học hơn nhằm thực hiện ước mơ thành lập một bảo tàng chứng tích chiến tranh tư nhân để ai cũng được tham quan miễn phí.

Để người xem dễ hình dung, tìm hiểu, ông phân chia ra từng chủ đề, từng giai đoạn. Trong đó, tập trung vào hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Các kỷ vật cũng được tách ra theo từng binh chủng như: Tăng thiết giáp, bộ binh, pháo binh cho đến trang phục, giày, dép…

“Mong rằng, với việc làm nhỏ bé của mình có thể giúp cho thế hệ trẻ ít nhất là biết tên gọi, công dụng của từng kỷ vật. Quan trọng hơn sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử hào hùng, đấu tranh giữ nước của cha ông ta”, vị Thượng tá nhắn nhủ.

Tạ Hải/baogiaothong