Trăm năm nón lá làng Chuông

Không chỉ là một làng cổ có nghề làm nón nổi tiếng được truyền qua nhiều thế hệ, làng Chuông giờ còn là điểm đến được du khách yêu chuộng. Bởi ở đây, du khách có thể được tỉ mỉ tìm hiểu đầy đủ về quy trình làm ra những chiếc nón mộc mạc và duyên dáng cũng như nhiều nét văn hóa đẹp trong nếp sống của người Việt.

Làng Chuông cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là làng có nghề làm nón nổi tiếng nhất xứ Bắc còn được lưu giữ đến ngày nay. Nón lá làng Chuông đã đi vào ca dao từ lâu bởi vẻ đẹp duyên dáng cũng như độ bền chắc của nón Chuông khó có nơi nào bì kịp.

Nghề làm nón ở đây đã có đến hơn 300 năm lịch sử nhưng xuất phát từ đâu thì người làng hiện giờ không ai biết. Các cụ cao niên kể lại rằng, những chiếc nón trắng đặc trưng của làng từ thời phong kiến đã từng được tiến cung dâng hoàng hậu, công chúa trong cung cấm. Theo lịch sử ghi lại thì ông Hai Cát là người có công mang nón Xuân Kiều (còn gọi là nón Ba Đồn) về làng sản xuất thay thế cho các loại nón trước đó của làng. Năm 1930, ở hội chợ Trường Đấu Xảo – Hà Đông, nón của ông Hai Cát đã được đánh giá rất cao và chính quyền sở tại đã cấp giấy hành nghề, Hiệp hội Hàng nón chứng nhận chất lượng cao và ông được cấp giấy phép dạy nghề làm nón xuyên suốt từ Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.

Tên gọi Xuân Kiều gợi hình ảnh cô gái đội nón đẹp như mùa xuân tỏa nắng, cũng gọi là Thanh bởi dáng nón thanh thoát, nhẹ nhàng.

Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Nhưng từ năm 1940 đến nay, những người thợ làng Chuông chỉ còn làm duy nhất một loại nón.

Chợ nón làng Chuông họp vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch hàng tháng. Có 6 phiên một tháng và 72 phiên chợ trong một năm. Phiên chính vào các ngày 4 và 10. Chợ họp từ rất sớm và kết thúc sau đó vài giờ đồng hồ trong buổi sáng. Khách tới chợ có thể mua nón cũng như mua đủ nguyên liệu làm nón, từ lá đến mo, vành, khung nón…, và cũng có thể xem tận mắt người dân làm nón ngay tại chợ.

Người làng Chuông ai nấy đều biết làm nón, trẻ con trong làng biết cầm kim khâu nón trước khi biết cầm bút học chữ. Đến làng Chuông bây giờ vẫn dễ dàng bắt gặp cảnh trong nhà, ngoài cổng, trước cổng đình, cổng chợ, các bà, các chị, các em nhỏ ngồi quây quần bên nhau khâu nón. Tay làm, miệng nói, những người thợ làm việc trong không khí rôm rả, ấm áp tình làng xóm.

Nón làng Chuông trông đơn giản, nhưng đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ khi làm ra nó. Vật dụng làm nón gồm lá, chỉ và khung nón. Lá là chất liệu quan trọng làm nên chiếc nón được lấy từ hai loại cây giống như cây cọ, mọc ở những vùng đồi núi, còn được gọi là lá lụi.

Với loại lá non còn búp, chưa xòe ra hẳn, người ta cắt về phơi khô hai đến ba nắng, rồi đem ủi phẳng. Khi ủi phải dùng khăn nhúng nước, hơ trên lửa cho nóng trước khi chà nhẹ lên lá cho thẳng, không để ngả màu.

Công đoạn làm khung nón được cho là khó nhất bởi nó quyết định đến độ tròn và sự bền chắc của một chiếc nón. Khung nón làm bằng tre ngâm kỹ vừa dẻo dai lại rắn chắc, gồm 16 vành. Các vành nón hình tròn nhỏ dần đến chóp nón tạo ra khung nón. Thường mỗi mối buộc ở vành nón được dùng guột hoặc mây bện lại rất chắc chắn và đẹp mắt. Ðây được coi là công thức bắt buộc đã chọn lọc phù hợp với thực tế qua kinh nghiệm của bao đời người thợ làm nón Chuông.

Khó nhất là khâu quay nón, khâu quyết định thẩm mỹ của chiếc nón. Khâu này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, cẩn thận, tỉ mỉ thì chiếc nón mới phẳng, khi quay nón người thợ phải khéo léo để không làm hở chóp, lá được xếp đều nhau tránh bị cộm. Đặc biệt, mũi khâu yêu cầu phải ngắn, lỗ nhỏ thì chiếc nón mới tròn, khít, mịn từ mép lá đến đường khâu.

Làm xong một chiếc nón, người thợ phải lấy diêm sinh để hun cho nón trắng hơn, sau đó phết quang dầu cho nón bóng và không bị mốc, gặp mưa, nắng nón vẫn thẳng, không bị cong, co lại. Một thợ làm nón nhanh nhất cũng chỉ hoàn thành được 2 chiếc/ngày.

Ngoài việc duy trì nón Xuân Kiều, người làng Chuông còn phục hồi được kỹ thuật làm nón quai thao với tấm lòng, nhiệt huyết của các nghệ nhân cao tuổi, muốn cho nghề của ông cha được gìn giữ, phát triển. Du khách có thể bắt gặp ở chợ làng Chuông hình ảnh những cô bé vừa phụ giúp mẹ bán nón, vừa học cách khâu nón. Mỗi chiếc nón đong đầy tình cảm, đam mê của nhiều thế hệ dày công gìn giữ nghề của cha ông để lại.

Lê Bích – Long Lê/Emagazine