Tục kết chạ làng Phú Mỹ – Kiều Mai

Phú Mỹ và Kiều Mai là hai làng giáp nhau, có sông Nhuệ là điểm phân giới. Xưa, hai làng đều thuộc huyện Từ Liêm (Hà Nội). Hiện nay, làng Phú Mỹ là Tổ dân phố Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm), còn làng Kiều Mai là Tổ dân phố Kiều Mai (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm). Mặc dù cuộc sống hiện đại và quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng nhưng người dân nơi đây luôn trân trọng, giữ gìn phong tục truyền thống, trong đó có tục kết chạ (hội giao hiếu) giữa hai làng.

Ảnh: Nguyễn Dung.

Như nhiều lễ hội dân gian khác, hội giao hiếu Phú Mỹ – Kiều Mai gắn liền với hạt nhân văn hóa tín ngưỡng là tục thờ thần của hai làng, cùng các kiến trúc thờ tự có liên quan. Tại làng Phú Mỹ có đình Phú Mỹ thờ Quốc vương Thiên tử đại vương, tức Lý Nam Đế (544 – 548), Diêm La thiên tử đại vương, tức Lý Phật Tử và Ả Lã Nàng Đê (40 – 43 sau CN), một nữ tướng tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Còn tại làng Kiều Mai có đình làng Kiều Mai thờ Thành hoàng làng là vị tướng thời Hùng Duệ Vương thứ XVIII, người có công đánh giặc phương Bắc, Duệ Hiệu “Thổ Lệnh tối linh thần, Tam Giang thượng đẳng phúc thần đại vương”.

Giữa hai làng Phú Mỹ – Kiều Mai có tục kết chạ được duy trì hàng trăm năm qua, thể hiện trong câu ca dao “Hội làng Phú Mỹ, Kiều Mai / Tháng Giêng em đến, tháng Hai chị về”. Đó là câu ca dao nói về không gian và thời gian diễn ra lễ hội giao hiếu Kiều Mai – Phú Mỹ. Theo tục truyền, tục kết chạ giữa hai thôn Phú Mỹ – Kiều Mai đã được xác lập và duy trì từ xa xưa, từng có Khoán ước được ký kết ngày 10 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), phục dựng lại ngày 01 tháng 6 năm Quý Dậu (1933), niện hiệu Bảo Đại. Hiện Khoán ước này còn được được lưu giữ tại hai tổ dân phố (Phú Mỹ – Kiều Mai ). Nội dung khoán ước ghi rõ: Hằng năm, vào ngày 7 tháng Giêng, thôn Kiều Mai sửa lễ hoặc rước Thánh vị đến Phú Mỹ để dự Lễ khánh hội tại thôn Phú Mỹ; Và ngày 20 tháng Hai, thôn Phú Mỹ sửa lễ hoặc rước Thánh vị đến Kiều Mai để dự Lễ khánh hội tại thôn Kiều Mai. Ngoài ra, còn quy ước cụ thể về lễ và các nghi thức hành lễ liên quan. Đến nay, dân Phú Mỹ – Kiều Mai vẫn duy trì Khoán ước này. Trong Hương ước của thôn Kiều Mai cũng quy định cụ thể về việc thực hiện Lễ hội giao hiếu này theo các quy định của Khoán ước đã giao kết. Trong đó, có những quy định cụ thể về việc ai được tham gia lễ hội và đoàn rước.

Người dân làng Phú Mỹ rước kiệu sang làng Kiều Mai. Ảnh: Phương Linh.

Hội giao hiếu giữa Phú Mỹ – Kiều Mai gắn với việc phụng thờ Thành hoàng của 2 làng. Theo thông lệ xưa, năm nào “Hòa cốc phong đăng (được mùa), hai bên cùng tổ chức lễ hội và có rước lớn, việc này do hai bên bàn bạc thống nhất. Hiện nay, Lễ hội giao hiếu Phú Mỹ – Kiều Mai được tổ chức với quy mô lớn 5 năm một lần, còn lại, các năm khác, được tổ chức với quy mô nhỏ. Với những năm tổ chức lễ hội quy mô nhỏ, thôn này chỉ rước đến dự lễ với thôn kia một kiệu long đình, có tự khí đầy đủ, không rước kiệu Thánh (bát cống), không tuyển Quân kiệu nam và Quân kiệu nữ. Với năm tổ chức lễ hội quy mô lớn, sẽ rước 2 kiệu, gồm: 1 long đình và 1 kiệu bát cống và đầy đủ tự khí, đầy đủ Quân kiệu nam và Quân kiệu nữ.
Các hội lệ của hai làng Phú Mỹ – Kiều Mai trong một năm hết sức phong phú, ngoài thông lệ xuân, thu nhị kỳ, còn có các lễ tiết gắn với ngày sinh, ngày hóa của các thần, ngày khánh hạ, cầu phúc, xuống đồng, cầu mùa, nhưng tiêu biểu và đáng chú ý nhất là Hội giao hiếu (kết chạ), được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng (làng Kiều Mai rước thánh về làng Phú Mỹ) và ngày 20 tháng Hai (làng Phú Mỹ rước thánh về làng Kiều Mai). Trong những ngày diễn ra Hội giao hiếu, ngoài lễ rước còn có phần hội với các trò chơi dân gian như cờ bỏi, bắt vịt, thi xôi cây và đặc biệt là hát cửa đình. Ngày nay, tục thi xôi cây không còn nhưng hát cửa đình trong ngày hội là hoạt động văn hóa hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân đến xem.

Hình ảnh kiệu Long Đình tại lễ kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai. Ảnh: Nguyễn Dung.

Giao hiếu, tức kết chạ là một phong tục tốt đẹp trong mối quan hệ liên kết các làng xã trong xã hội Việt cổ truyền, có tác dụng củng khối đại đoàn kết cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Lễ hội giao hiếu Phú Mỹ – Kiều Mai đã được ghi lại trong Khoán ước giao kết giữa 2 thôn từ thời Cảnh Hưng còn được duy trì đến tận ngày nay là một biểu hiện sinh động về mối quan hệ độc đáo này. Trong bối cảnh hiện nay, khi quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, sự tồn tại của mối quan hệ giao hiếu (kết chạ) trong hội Phú Mỹ – Kiều Mai mang đầy đủ những giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn. Ngày nay, cộng đồng hai tổ dân phố Phú Mỹ – Kiều Mai lấy sự kiện lễ hội để nhớ về quê hương bản quán, thắt chặt tình đoàn kết, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của hai cộng đồng.

Với những giá trị tiêu biểu đó, ngày 27/5, Lễ kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm và phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc không thể thiếu, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, tạo sự gắn kết giữa các cộng đồng dân cư, đồng thời cũng mang lại những giá trị nhất định trong việc phát triển du lịch của địa phương.

Tuấn Minh / nguoihanoi.com.vn