Tuổi cao, gương sáng

Phát huy vai trò “tuổi cao, gương sáng”, nhiều người cao tuổi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực tham gia công tác Đảng, chính quyền và các hoạt động, phong trào ở địa phương. Bằng trí tuệ, vốn sống, kinh nghiệm của mình, người cao tuổi Thủ đô là chỗ dựa tin cậy, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa ở địa phương.

Người cao tuổi dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh tại một vườn hoa trên địa bàn phường Bồ Đề (quận Long Biên). Ảnh: Trọng Hiếu

Những tấm gương mẫu mực

Sau khi nghỉ hưu, bà Bùi Thu Én (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) tiếp tục tham gia công tác ở địa phương với vai trò Phó Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi quận Thanh Xuân, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 10 phường Khương Đình. Dù ở cương vị nào, bà Én cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bà Én đã cùng cấp ủy, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể của khu dân cư số 10 vận động nhân dân vẽ tranh bích họa làm đẹp đường phố; động viên mọi người thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Ở nhiều địa bàn dân cư, người cao tuổi là tấm gương mẫu mực, lực lượng nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc. Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 14 phường Bưởi (quận Tây Hồ) Bùi Quang Luyết là một trong những người như thế. Thời gian qua, ông cùng cấp ủy và các tổ chức chính trị – xã hội kêu gọi ủng hộ kinh phí cải tạo ngõ 280, ngõ 282 và xây dựng sân chơi thiếu nhi tại ngõ 218 phố Lạc Long Quân với kinh phí hàng trăm triệu đồng. “Ông Luyết không chỉ tích cực vận động nhân dân tham gia vệ sinh ngõ phố mà còn tự giác mỗi ngày đi kiểm tra việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thấy chỗ nào chưa sạch, ông lại nhắc nhở mọi người hoặc tự mình quét dọn để ngõ phố luôn sạch đẹp…”, bà Lê Thị Lan, tổ dân phố số 14 (phường Bưởi) cho biết.

Ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Nguyễn Văn Hà, thôn 4, xã Thạch Đà (huyện Mê Linh) nhiều năm liền đảm nhiệm các chức danh: Trưởng thôn, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi của thôn 4. Là người có uy tín, ông đã vận động nhân dân ủng hộ chủ trương làm đường giao thông nông thôn nên đến nay các xóm đều được bê tông hóa, có hệ thống chiếu sáng. Bản thân gia đình ông gương mẫu hiến hơn 100m2 đất để mở rộng đường, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới thành công.

Không ngừng cống hiến

Thời gian qua, các cấp hội người cao tuổi Thủ đô luôn xác định việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực. Theo thống kê, toàn thành phố có 7.927 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, 10.000 người trực tiếp tham gia công tác chính quyền, 8.358 người tham gia công tác Mặt trận Tổ quốc, 15.350 người trực tiếp tham gia công tác Hội Người cao tuổi cơ sở.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Phạm Văn Ngọc cho biết, với kinh nghiệm sống, người cao tuổi Thủ đô luôn phát huy tốt vai trò nêu gương, có uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân ở cộng đồng dân cư đồng thuận ủng hộ và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và địa phương. Đặc biệt, nhiều người rất thành công khi tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; luôn có ý kiến đóng góp xác đáng vào các cuộc họp quan trọng của địa phương…

Để người cao tuổi phát huy hơn nữa vai trò của mình, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục gắn việc người cao tuổi tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở với việc củng cố, kiện toàn xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của từng địa phương”.

Là lực lượng nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân nên Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Hồng Nhung xác định: “Các cấp hội người cao tuổi chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc về chương trình, nội dung người cao tuổi tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở sao cho thiết thực, mang lại hiệu quả cao nhất”.

Còn theo Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã La Phù (huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Diễn, Hội Người cao tuổi xã cần tiếp tục tuyên truyền để hội viên nhận thức đúng đắn hơn và tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần ổn định an ninh trật tự của địa phương.

Với bề dày kinh nghiệm, được tạo điều kiện tốt trong mọi hoạt động, người cao tuổi chắc chắn sẽ tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô.

Hiền Phương / nguoihanoi.com.vn