Vận động nhà dân mở “chuồng cọp” làm cửa thoát hiểm

Trên địa bàn Hà Nội có nhiều nhà tập thể cũ, nhà ống, các gia đình thường gia cố thêm các phần lồng sắt, “chuồng cọp” để tăng công năng, diện tích sử dụng. Điều này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi bất ngờ xảy ra cháy. Chính vì vậy, thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn đã chủ động xây dựng chuyên đề, kế hoạch vận động các hộ gia đình ở khu tập thể cũ cắt mở lồng sắt làm cửa thoát hiểm, trang bị bình chữa cháy….

Nhà không lối còn phổ biến

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng. Hỏa hoạn luôn là nỗi lo thường trực từng ngày, từng giờ, tuy nhiên, việc đề phòng cũng như hạn chế những nguy cơ xảy ra sự cố của người dân vẫn còn lơ là.

Trên địa bàn Hà Nội, đã từng xảy ra nhiều vụ cháy liên quan đến căn hộ, nhà ở có “chuồng cọp” đã để lại hậu quả thương tâm, khi nạn nhân không thoát ra được bên ngoài, các lực lượng chức năng mất nhiều thời gian và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Vận động nhà dân mở “chuồng cọp” làm cửa thoát hiểm
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, nhiều khu tập thể cũ người dân đã tự giác mở cửa thoát hiểm. (Ảnh:K.Tiến)

Điển hình là vụ cháy ngày 4/4/2021 khiến 4 người tử vong ở số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa). Theo cơ quan chức năng, thời điểm xảy ra cháy, ngôi nhà chỉ có lối thoát hiểm duy nhất ở tầng 1 đã gây khó khăn rất lớn cho việc giải cứu người và tài sản.Thực tế cho thấy, lối thoát hiểm là yếu tố quan trọng hàng đầu khi xảy ra hỏa hoạn, đặc biệt là với các công trình nhà ở dạng ống nằm sâu trong ngõ nhỏ, phố nhỏ.

Bên cạnh đó, tại các khu tập thể cũ hay mỗi ngôi nhà dạng ống liền kề thường kết cấu ba mặt giáp với nhà bên cạnh, trong khi cửa ra vào chính ở mặt tiền và ban công thường bị che chắn kiên cố để chống trộm nên không có lối thoát hiểm nếu lửa bùng phát từ phía mặt tiền. Hiện trạng này xảy ra phổ biến tại các quận trung tâm thành phố.

Để khắc phục tình trạng này, một số địa phương ở Hà Nội đã có những phương án phù hợp nhằm hướng dẫn, phổ biến cho người dân. Trong đó có thể kể đến mô hình mở lối thoát nạn “chuồng cọp” tại các nhà tập thể ở quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân; diễn tập phương án chữa cháy, thoát nạn phù hợp với tình hình khu dân cư.

Đơn cử, thời gian qua, Công an quận Thanh Xuân đã tham mưu cho Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận ban hành các chỉ thị, kế hoạch, công văn về tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ, mở cửa thoát nạn trên “chuồng cọp”.

Đồng thời, Công an quận cũng chủ động ban hành 5 kế hoạch, 1 hướng dẫn, 1 thông báo, 1 chương trình công tác phòng cháy chữa cháy liên quan đến việc tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ, mở cửa tạo lối thoát nạn thứ 2 tại các lồng sắt nhà tập thể cũ, ban công, lô gia, tầng tum hàn bịt kín bằng sắt của nhà ở riêng lẻ (gọi tắt là chuồng cọp) và tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 27/5/2021 về thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Trong đó, Thành phố đặt mục tiêu 100% các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh được hướng dẫn và ký cam kết bảo đảm an toàn; cam kết khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đợt cao điểm được chia thành 2 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 1/6 đến hết ngày 15/10/2021.

Sau thời gian thí điểm trên địa bàn 2 phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam kết quả đã có 2.736 hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ 2 trên tổng số 4.217 hộ gia đình có “chuồng cọp”, đạt 65% và 2.635 hộ gia đình tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Đến nay, trên toàn địa bàn quận đã có 7.953 nhà có ban công, lô gia, lối lên mái được rào kín, kiên cố đã được mở cửa tạo lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp (đạt 49,31%). Nhiều hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc, thiết bị phá rỡ, thiết bị cảnh báo cháy sớm, thang dây, thang rút…

Đáng chú ý, nhiều Cấp ủy, chính quyền địa phương có cách làm hay như: phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Trung, Thượng Đình, Hạ Đình hỗ trợ kinh phí cho người dân mua sắt làm khung cửa, trả tiền thuê thợ cơ khí để hàn cắt mở lối thoát nạn thứ 2. Tổ chức các nhóm thợ đi mở cửa cho từng khu dân cư, đặc biệt là đã biểu dương khen thưởng cho các hộ gia đình tiên phong, đi đầu trong phong trào.

Hiện tại phong trào đã được nhân rộng và lan tỏa rộng toàn quận đến nhiều người nhất là người dân sống tại các chung cư, tập thể cũ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh làm thay đổi về nhận thức người dân, đã trực tiếp là các tuyên truyền viên để vận động các hộ khác thực hiện. Mới đây, Bộ Công an biểu dương “Mô hình tuyên truyền, vận động các hộ gia đình dỡ bỏ, mở cửa tạo lối thoát nạn thứ 2 tại “chuồng cọp””.

Nhân rộng các mô hình hay

Tại quận Hoàn Kiếm, sau một thời gian vận động, gia đình bà Nguyễn Thị Hương (phường Trần Hưng Đạo) đã đồng ý cho thợ mở lối thoát hiểm tại vị trí chuồng cọp của gia đình bà. Lý do là bởi nhà bà ở tầng 2, rất sợ nếu mở cửa thoát hiểm sẽ mất an toàn có thể bị trộm đột nhập.

Tuy nhiên, sau khi được giải thích, bà đã hiểu đây chỉ là lối thoát nạn khi cần thiết, còn phần lớn thời gian đều sẽ được khóa lại. Chìa khóa lối thoát nạn chuồng cọp treo ngay gần ban công, chỉ vài giây là có thể mở khóa và mở cửa thoát hiểm. Thậm chí, sau khi được tuyên truyền, vận động, gia đình bà Hương còn cẩn thận trang bị thêm bình chữa cháy riêng trong nhà, cả thang dây, để có thể chủ động trèo xuống khi cần thoát nạn.

Vận động nhà dân mở “chuồng cọp” làm cửa thoát hiểm
Phường Trần Hưng Đạo đã vận động người dân mở “chuồng cọp” làm lối thoát hiểm. (Ảnh: K.T)

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo Phùng Phương Thảo, trên thực tế trong các vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cho thấy, hầu hết các hộ gia đình đều không có lối thoát hiểm khi gặp sự cố.

Do đó, để hạn chế thiệt hại, việc chủ động các phương án chữa cháy và xây dựng lối thoát hiểm “giặc lửa” là yêu cầu bức thiết đặt ra cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn hiện nay. Do vậy, trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tích cực triển khai vận động người dân hoàn thành việc mở cửa thoát hiểm.

Cũng trong tháng 6, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo cũng đã có văn bản về việc tổ chức lực lượng tổ chức đợt cao điểm về tuyên truyền kiểm tra đảm bảo phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với nhà ở hộ gia đình, nhà ỏ kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo.

Tính đến ngày 10/7, trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo đã thực hiện việc mở lối thoát hiểm được khoảng 90% tại các hộ gia đình. Bên cạnh đó, tại các hộ gia đình có các ngõ, biển số nhà đông hộ thì ít nhất đã trang bị 2 bình chữa cháy tại 1 ngõ. Đến nay, trên địa bàn đã trang bị được thêm khoảng 250 bình chữa cháy. Đặc biệt, lực lượng chức năng cũng đã điều tra và kí cam kết các hộ gia đình, hộ kinh doanh về công tác phòng cháy chữa cháy với khoảng 1.546 hộ.

Có thể thấy, hiện nay, mô hình vận động người dân mở cửa thoát hiểm tại các “chuồng cọp” đã được nhân rộng, lan tỏa. Với những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động từ chính người dân, trong thời gian tới, các địa phương trên địa bàn sẽ tiếp tục nhân rộng triển khai mô hình này tại các phường còn lại có nhà tập thể cũ để đảm bảo an toàn cho nhân dân sinh sống trên địa bàn./.

Kim Tiến / laodongthudo.vn