Bảo tàng Hà Nội trưng bày, phát huy di sản cổng làng Mông Phụ

Cổng làng Mông Phụ là một trong những cổng làng cổ nổi tiếng nhất Việt Nam được ví như nơi lưu giữ hồn quê của xứ Đoài.

Cổng làng Mông Phụ thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Internet

Cổng làng Mông Phụ thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, được xây dựng vào thời Hậu Lê, năm 1553, đời vua Lê Thần Tông. Cổng làng Mông Phụ được coi là cổng chính của Đường Lâm, quay mặt về hướng Đông Nam, chếch Tây- hướng về núi Tổ (núi Tản Viên).

Cổng làng Mông Phụ là một công trình quan trọng trong quần thể di tích Làng cổ Đường Lâm, được kết hợp hài hòa với đường làng, cây đa, giếng nước, ao đình, lũy tre xanh và cánh đồng lúa mênh mông. Về kiến trúc, cổng làng Mông Phụ dựng theo kiểu “thượng gia hạ môn” (trên là nhà, dưới là cổng). Tường của cổng được làm bằng đá ong đào từ lòng đất, cát lấy trên gò trong vùng rồi trộn vôi với mật, tạo thành hỗn hợp kết dính để xây cổng. Tường xây đá ong trần, chít mạch. Hai cánh cổng được làm bằng gỗ lim theo hình “cánh dế” dày chừng năm phân, xoay trên hai cối cổng bằng đá và hai bánh xe gỗ bọc thép. Cổng làng Mông Phụ có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui. Những chiếc hoành tròn gác trên hai bộ vì “chồng giường, kẻ truyền” tạo nên hai mái cân kiểu nhà tiền tế. Hai mái chảy của cổng làng lợp ngói ri. Bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc là hai đầu đinh. Chồng rường, hạ bảy trên mặt bằng ba hàng chân cột (một cột cái, hai cột quân), nối hai đầu cột quân là xà ngang, dưới xà ngang là hệ thống con tiện cùng hàng câu đối khắc trước cổng. Ở câu đầu bên tả khắc dòng chữ dịch ra là: “Kỷ Mão mạnh hạ sắc chỉ”, nghĩa là: năm Kỷ Mão dựng cổng làng.

Tuy nhiên, theo thời gian, cổng làng Mông Phụ đã bị xuống cấp. Vì vậy trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2012, Giáo sư, kiến trúc sư Ejima Akiyoshi (Nhật Bản) đã tiếp nhận và là chuyên gia cao cấp hướng dẫn tu bổ nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm, cụ thể là cổng làng Mông Phụ.

Giáo sư Ejima Akiyoshi cũng là người tham gia các dự án và hướng dẫn tu bổ khu phố cổ Hội An, tu bổ nhà ở dân gian tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 2007 đến năm 2012, Giáo sư Ejima là chuyên gia cao cấp hướng dẫn tu bổ nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm. Trên cơ sở các số liệu đo đạc rất công phu, Giáo sư Ejima Akiyoshi đã phục dựng lại mô hình cổng làng Mông Phụ bằng loại gỗ quý bách hội của Nhật Bản và gỗ ramin (Đông Nam Á) làm cột tròn. Mô hình được phục dựng với kích thước rộng 90, sâu 60, cao 63, bằng tỉ lệ 1/10so với kích thước thật, các cấu kiện rất chi tiết và có thể tháo ra, lắp vào phục vụ tập huấn tu bổ, giảng dạy. Tháng 3/2017, Giáo sư Ejima Akiyoshi đã trao tặng mô hình cổng làng Mông Phụ này cho Bảo tàng Hà Nội bảo quản và trưng bày.

Mô hình cổng làng Mông Phụ do GS.KTS Ejima Akiyoshi trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: BTHN

Ngoài ra, một phiên bản khác của cổng làng Mông Phụ cũng đã được Bảo tàng Hà Nội phục dựng lại năm 2014 tại không gian sân vườn nhằm gợi lại hình ảnh một làng quê cổ kính và giới thiệu một công trình kiến trúc dân gian độc đáo với công chúng khi đến với bảo tàng.

Cổng làng Mông Phụ được phục dựng tại sân vườn Bảo tàng Hà Nội

Cổng làng Mông Phụ cùng với các công trình: nhà phố cổ, khu nhà chữ U và những hiện vật thể khối lớn: Bệ đá hoa sen, rồng đá, voi đá, ngựa đá…được phục chế từ các di tích, phế tích của Hà Nội đưa ra trưng bày tại khu sân vườn nhà Bảo tàng vừa có ý nghĩa tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, vừa làm đẹp thêm cho cảnh quan Bảo tàng.

Mô hình cổng làng Mông Phụ do GS.KTS Ejima Akiyoshi trao tặng và mô hình cổng làng Mông Phụ phục dựng ngoài sân vườn Bảo tàng Hà Nội nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Làng cổ Đường Lâm trong đó có di tích cổng làng Mông Phụ. Đồng thời tăng cường nhận thức, vai trò và trách nhiệm của người dân Thủ đô, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hải Vân (t/h)/MASK