Thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch, dự án, đề án cụ thể xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề bảo đảm các sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp cao theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Du khách nước ngoài tham quan chùa Một Cột – biểu tượng văn hóa của Hà Nội. |
Cụ thể, Thành phố đã tập trung chỉ đạo phát triển các tuyến du lịch thu hút du khách hiệu quả, gồm: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh với Văn Miếu – Quốc Tử Giám là chuỗi sản phẩm quan trọng của Thủ đô Hà Nội; thực hiện kết nối chuỗi địa điểm trên với các di tích Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Đặc biệt, Hà Nội cũng chú trọng khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản (tiêu biểu như sản phẩm: Múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa, Đông Anh; khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong, Mê Linh); phát triển sản phẩm khu vực Ba Vì với hệ thống di tích lịch sử đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền thờ Bác Hồ gắn với khu di tích K9, Đá Chông; cảnh quan thiên nhiên của rừng quốc gia Ba Vì. Hình thành các tuyến du lịch làng nghề gắn với mô hình nghỉ tại nhà dân (homestay).
Bên cạnh đó, các tuyến phố kinh doanh truyền thống tiếp tục được phát huy, cơ bản đáp ứng được các tiêu chí văn minh thương mại. Chất lượng tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Hàng Giấy, Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây, chợ đêm Đồng Xuân từng bước được nâng lên; các tuyến phố chuyên kinh doanh đông nam dược Lãn Ông, tơ lụa Hàng Gai, kim hoàn Hàng Bạc,… hình thành ngày càng rõ nét tạo được ấn tượng và sức hút lớn từ du khách.
Đáng chú ý, Thành phố cũng triển khai nhiều sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm, sản phẩm văn hóa ứng dụng công nghệ trên cơ sở khai thác các giá trị truyền thống của Thủ đô, qua đó nhận được nhiều sự quan tâm và hưởng ứng của du khách trong và ngoài nước như: Sản phẩm du lịch đêm với chủ đề “Đêm thiêng liêng” tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, sản phẩm du lịch trải nghiệm ứng dụng công nghệ Mapping, 3D, ánh sáng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, sản phẩm du lịch văn hóa kết hợp chăm sóc sức khỏe tại khu vực Đền Sóc, sản phẩm du lịch đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” hay những chương trình biểu diễn âm nhạc dân gian như ca trù, hát xẩm, chầu văn… tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây.
Ngành Du lịch Hà Nội đã được Thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển du lịch, đã chủ động trong việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong công tác xây dựng các video clip, giao diện ảnh 360 độ, chuẩn hóa các bài thuyết minh về địa danh, làng nghề, tổ chức đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch.
Bên cạnh đó, du lịch Thủ đô còn phối hợp tổ chức các hoạt động lễ hội du lịch làng nghề truyền thống; lựa chọn các món ẩm thực tiêu biểu ở một số địa phương đưa vào sách cẩm nang du lịch và tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để giới thiệu cho du khách gần, xa…
Nhờ nỗ lực đó, nhiều năm trở lại đây, Hà Nội liên tục được các tổ chức báo chí du lịch quốc tế đánh giá cao, đứng trong nhóm các thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Du lịch Hà Nội được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2022, được nhiều tổ chức truyền thông quốc tế như CNN, Tripadvisor, Mastercard, Business Insider… đánh giá xếp hạng trong nhóm những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Năm 2022, Hà Nội đã vinh dự được World Travel Awards (WTA) bình chọn là Điểm đến Thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 – World’s Leading City Break Destination 2022.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc phát huy giá trị di sản văn hoá trong phát triển du lịch còn một số hạn chế, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Ví như, công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa còn nhiều bất cập, hạn chế. Một số di tích, di sản trong tình trạng xuống cấp, do đó chưa thu hút được khách du lịch.
Đặc biệt, Hà Nội đang thiếu các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, khác biệt để phát triển và lan tỏa được thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô đến các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, cơ sở, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực du lịch chưa được đầu tư, thiếu đồng bộ, khả năng kết nối hạn chế…
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, ngành Du lịch Hà Nội sẽ tập trung công tác quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích trọng điểm gắn với phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô.
Đồng thời, đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao. Chú trọng công tác đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa nhằm phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Hà Nội, thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại các điểm đến di tích, di sản…
Phương Bùi
Bảo tồn các giá trị văn hóa để phát triển du lịch (laodongthudo.vn)