Bát Tràng được chính thức công nhận là điểm du lịch

Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) là một trong những làng nghề được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến, với nhiều sản phẩm gốm sứ tinh tế, sống động vừa được UBND TP. Hà Nội công nhận là điểm du lịch của Thủ đô.

Làng gốm Bát Tràng là làng gốm lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam, nằm bên bờ sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm. Tên gọi “Bát Tràng” có từ thời Lê, được đặt bởi nhóm 5 dòng họ làm gốm nổi tiếng thời bấy giờ là Trần, Vương, Nguyễn, Lê và Phạm. Họ đã chọn vùng gò đất trắng của làng Minh Tràng để lập nghiệp. Từ đó, gốm Bát Tràng chuyên sản xuất những mặt hàng đồ gia dụng, đồ thờ cúng… tất cả đều từ gốm sứ mỹ nghệ. Các mặt hàng của làng nghề ngày một đa dạng, phong phú với nhiều kiểu dáng và màu sắc. Tuy nhiên, Bát Tràng trở nên đặc biệt là do các nghệ nhân Bát Tràng vẫn luôn giữ được chất nghề của mình và sáng tạo ra những sản phẩm “không đụng hàng”. Mỗi mặt hàng được sản xuất ra đều có số lượng nhất định với những hoa văn đặc sắc, tỉ mẩn trong từng nét vẽ, nét trạm trổ,…

Làng cổ Bát Tràng là địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi đến Hà Nội

Nhờ nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng, những năm gần đây, làng nghề Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm, trở thành một trong những làng nghề tiêu biểu của Thủ đô. Từ việc sử dụng lò than nung gốm chuyển sang lò nung bằng gas đã tạo môi trường trong lành, sạch sẽ cho làng nghề lâu đời vùng Đồng bằng sông Hồng. Điều này đã thu hút ngày càng đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Bát Tràng.

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Italia… Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ được sử dụng trong thời kỳ phong kiến như gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Mạc…; khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc sắc.

Hiện, xã Bát Tràng có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Tổng giá trị sản xuất, thương mại gốm sứ năm 2018 ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. Xã có 140 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi, tiêu biểu là nghệ nhân nhân dân Trần Ðộ, nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn…

Đến với làng gốm Bát Tràng, du khách không chỉ được ngắm nhìn những sản phẩm gốm sứ được hoàn thiện với màu sắc, kiểu dáng phong phú mà còn được  trải nghiệm quá trình làm gốm của những nghệ nhân nơi đây.

Ước tính, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán khoảng 200.000 lượt/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 10%, học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, vào mùa cao điểm có ngày Bát Tràng đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan… Hiện, xã Bát Tràng là một trong hai địa phương được thành phố lựa chọn thực hiện đề án điểm về phát triển làng nghề gắn với du lịch, quy hoạch đầu tư một cách đồng bộ.

Việc công nhận điểm du lịch này sẽ góp phần đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động du lịch của Bát Tràng, đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong vấn đề phát triển du lịch địa phương.

Linh An/MASK