Bí ẩn kiệu cổ ở Đình Giáp Thượng (Hà Đông)

 Đình Giáp Thượng – một ngôi đình nhỏ nằm nép mình bên bờ sông Đáy, thuộc tổ dân phố 18, phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội). Trước những năm kháng chiến chống Pháp, người dân Giáp thượng thờ thánh trên thuyền đình. Đến thời chống Mỹ, thuyền đình bị bom đạn san phẳng – hiện đình Giáp Thượng chỉ còn lại đôi kiệu thiêng có khắc chữ “Thành Thái lục niên” và được người dân gìn giữ, thờ cúng cho đến ngày nay.

Một ngày giữa tháng 6 nắng gắt, chúng tôi tìm đến phường Đồng Mai sau khi được nghe người dân kể về những câu chuyện ly kỳ tại đình Giáp Thượng. Từ trung tâm Hà Nội, đi xuôi theo Quốc Lộ 6 khoảng hơn chục cây số đến cầu Mai Lĩnh (phường Đồng Mai, Hà Đông) rẽ trái, đi khoảng 1km nữa là đến địa phận tổ 18. Tuy nhiên, để đến được đình Giáp thượng chúng tôi còn phải băng qua một cây cầu bê tông nhỏ bắc qua sông Đáy. Nếu không để ý khó không có thể nhận ra đình Giáp thượng, bởi ngôi đình không chỉ nằm nép mình bên bờ sông Đáy, mà đình Giáp thượng không như những ngôi đình khác với mái ngói âm dương xưa cũ, mà mái đình được lợp bằng tôn đỏ do người dân tự đóng góp, xây dựng.

Đình Giáp Thượng do người dân tự đóng góp xây dựng

So với những ngôi đình khác, đình Giáp Thượng có khuôn viên khá chật hẹp, tuy nhiên khuôn viên của đình vẫn gồm hai ngôi. Ngôi đình ngay chính giữa cổng vào là đình thờ mẫu, nằm ngay phía sau là đình thờ thánh Tam phủ (Thiên phủ, địa phủ, thủy phủ). Theo chia sẻ của người dân địa phương, hai ngôi đình này hiện còn lưu giữ 2 bộ kiệu rước thánh (gọi là kiệu bát cống) và kiệu rước mẫu, đây được xem là “báu vật” của đình Giáp Thượng và được người dân gìn giữ rất cẩn thận.

Ông Nguyễn Văn Huấn – Chủ từ đình Giáp Thượng kể, ngày còn nhỏ nghe truyền thuyết kể về sự tích đình Giáp Thượng thì được biết, ngôi đình được bắt nguồn từ những đoàn chài Nam (ngư dân từ Hà Nam theo sông Đáy lên sinh sống); khi lên đến khu vực sông Đáy họ chia ra một số khu vực sinh sống. Trong đó, một số người đã ở lại khu vực sông Đáy, sau này lập thành tổng Nga Mi (thời vua Gia Long), hòa bình lập lại khu vực này được nhập vào xã Đông La, rồi xã Đồng Mai…

Trong quá trình sinh sống, người dân làng chài đã lập nên đình quán chài để thờ thánh, thời đó, quán chài chỉ là một cái lều thờ đơn sơ và bên cạnh người dân trồng thêm một cây gạo. Điều đặc biệt, khi đến thời đơm hoa cây gạo chỉ nở duy nhất một bông, nhiều người dân thấy lạ nhưng không thể lý giải. Ngày đó, dân vạn chài chủ yếu là những người ít học hành, nên không có ai làm quan, đỗ đạt. Thế nhưng, từ khi cây gạo nở hoa ngôi làng đã có người đỗ quan.

Kiệu cổ đình Giáp Thượng

“Nghe các cụ kể lại, khi quán chài được dựng lên, một thời gian sau cụ Dương Vựng Dực đã đến và dạy học cho người dân. Khi đến đây thấy cây hoa gạo nở hoa chỉ có một bông, bố của cụ Nghị Dực đã hỏi dân làng là ở làng này có ai học giỏi không? Sau đó người dân cho biết, ở đây toàn người mù chữ. Khi đó bố cụ Nghị Dực mới nói, thế thì con tôi đỗ rồi… Không lâu sau cụ Dương Vựng Dực được sắc phong làm Chánh nghị viên hàng tỉnh và sau đó cho người về mua đất ở thôn Mai Lĩnh, xây dựng quán chài thành nơi thờ cúng khang trang…”, ông Huấn kể.

Quán chài hình thành từ đó cho đến thời phong kiến, do người dân trong làng tranh chấp, kiện tụng nhau nên làng Nga Mi bị phân chia thành 2 làng là Giáp Thượng và Giáp Hạ. Vào khoảng những năm 1940, Chánh tổng đã cho người lên hạ nốt cây gạo, khi chặt, cây cây gạo đã bị đổ vào quán chài và đình quán chài mất từ đó. Sau khi chia làng, không có đất để thờ cúng người dân đã di rời bát hương lên thuyền đình để thờ. Sau đó, nhiều người xuôi theo dòng sông Đáy lên tận Phú Thọ, Việt Trì sinh sống…

Năm 1972, thời kháng chiến ác liệt, thuyền đình bị bom Mỹ đánh trúng và xóa tan. Đến năm 1973, người dân mới xin sang vùng Giáp Thượng và được Nhà nước cắm đất, lập làng. Sau đó, người dân chung tay xây dựng lại ngôi đình Giáp Thượng. “Khi xây dựng lại đình Giáp Thượng, người dân làng thời xưa xuôi theo sông Đáy về Việt Trì sinh sống đã cung tiến 2 chiếc kiệu cho đình, đó là kiệu bát cống và kiệu giáp văn. Kiệu bát cống dùng để rước thánh và kiệu còn lại dùng để rước mẫu. Điều đặc biệt, trên kiệu bát cống có khắc mấy chữ hán, do người dân không biết chữ nên mãi sau này mới nhờ dịch ra và được biết, nó có nghĩa là Thành Thái Lục Niên – Vua Thành Thái lên ngôi năm thứ 6”, ông Huấn chia sẻ.

Kiệu bát cống có khắc chữ hán – Theo người dân đây là kiệu rước có từ thời vua Thành Thái

Lưu giữ hai “báu vật” được coi là có niên đại từ thời vua Thành Thái, tuy nhiên theo người dân địa phương, hiện họ vẫn chưa thể biết chính xác thực sự hai chiếc kiệu rước này có phải từ thời vua Thành Thái hay không?. Bởi thế, khi kiệu rước có dấu hiệu xuống cấp người dân đã tự ý sửa chưa lại. Anh Dũng, một người dân địa phương cho biết, hiện nay tại đình Giáp Thượng còn lưu giưa 2 chiếc kiệu rước thánh, nhưng theo thời gian kiệu rước đã bị xuống cấp, do đó, người dân đã chủ động sơn sửa lại, khiến giá trị văn hóa, lịch sử không còn được nguyên vẹn. Nhưng, các nét văn hóa chạm khắc vẫn còn nguyên bản.

Hiện nay, đình Giáp Thượng đã nhận được nhiều sự quan tâm của bà con quanh vùng, cũng như người làng trước đây di cư và sinh sống ở khắp nơi. Thế nhưng, đôi kiệu thánh thì đang ngày một xuống cấp. Bởi thế, người dân ở đây mong muốn rằng, các cơ quan chức năng có thể vào cuộc nghiên cứu, đánh giá và đưa ra kết luận chính xác nhất về giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của đôi kiệu cổ này. Qua đó, có những biện pháp gìn giữ, bảo vệ và phục dựng lại giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của đôi kiệu…

Đỗ Đạt/LĐTĐ