Câu chuyện chuyển đổi số ở huyện Thanh Oai

Sau khi tiếp thu chuyên đề tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng đã chỉ đạo xây dựng các “Tổ công nghệ số cộng đồng”, để giúp người dân tiếp cận môi trường số, tiên phong sử dụng công nghệ… Việc làm này ngay lập tức đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại địa phương.

Phục vụ người dân tốt hơn

Chỉ vài thao tác đơn giản trên điện thoại, chị Lê Thị Huyền (thôn Mỹ, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) đã hoàn tất thủ tục cấp xác nhận tình trạng hôn nhân. “Do công việc bận nên nhiều lần định ra UBND xã để xin mà chưa đi được. Nay được “Tổ công nghệ số cộng đồng” đến tận nhà hướng dẫn nhiệt tình. Chỉ mất vài phút thực hiện tạo tài khoản và làm các bước theo chỉ dẫn, tôi đã hoàn thành hồ sơ. Tôi không nghĩ lại dễ dàng như vậy”, chị Huyền phấn khởi nói.

Câu chuyện chuyển đổi số ở huyện Thanh Oai
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết ý tưởng là thành quả tiếp thu được từ lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức

Cũng giống chị Huyền, đa số người dân trên địa bàn xã Cự Khê đến thời điểm này đã tự tin sử dụng một số dịch vụ công trực tuyến chỉ với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối internet.

Với sự hỗ trợ của “Tổ công nghệ số cộng đồng”, người dân trên địa bàn huyện Thanh Oai đã dễ dàng tiếp cận, sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ thông minh. Lợi ích rõ nhất của việc này là rút ngắn thời gian gửi – nhận hồ sơ, giúp người dân tiết kiệm chi phí, công sức đi lại. Người dân còn có thể theo dõi, giám sát được quá trình giải quyết hồ sơ của cơ quan nhà nước (từ khi nộp hồ sơ cho đến khi nhận kết quả) và đánh giá mức độ hài lòng, góp ý trực tuyến.

Chị Nguyễn Thị Quyên, dù nhiều năm kinh doanh tại thôn Kim Lâm (thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai), nhưng cách đây một tuần, lần đầu tiên tiểu thương này thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt.

“Tuần trước, tôi được các bạn thanh niên trong “Tổ công nghệ số cộng đồng” hướng dẫn sử dụng dịch vụ số Viettel Money. Rất bất ngờ vì nó quá dễ dàng, thuận tiện mà lại rất an toàn, tin cậy. Chỉ một vài thao tác đơn giản, tôi đã có thể tự thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng”, chị Quyên chia sẻ.

Câu chuyện chuyển đổi số ở huyện Thanh Oai
“Tổ công nghệ số cộng đồng” hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh để làm thủ tục hành chính. (Ảnh: Bình Minh)

Nhờ sự trợ giúp của “Tổ công nghệ số cộng đồng” thị trấn Kim Bài, dịch vụ Mobile Money thanh toán không dùng tiền mặt đã đến với đông đảo người dân, hộ kinh doanh bởi sự đơn giản, tiện lợi và an toàn. Chỉ cần thẻ sim, người dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng trên cả thiết bị thông minh hay điện thoại phổ thông. Thậm chí không cần mở tài khoản ngân hàng hay kết nối internet. Phương thức này rất phù hợp với dân cư khu vực nông thôn.

Theo số liệu thống kê của Huyện đoàn Thanh Oai cho thấy, chỉ tính riêng ngày 27/8 (ngày đồng loạt ra quân hỗ trợ người dân chuyển đổi số), 21 “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hỗ trợ thành công hàng trăm lượt công dân cài đặt và sử dụng các dịch vụ số.

Cụ thể, “Tổ công nghệ số cộng đồng” đã hỗ trợ hơn 30 lượt công dân thực hiện các thủ tục hành chính (Cấp xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký khai sinh, chứng thực bản sao từ bản chính) tại Bộ phận một cửa UBND huyện, UBND xã, Công an huyện.

Các nhóm thành viên trong “Tổ công nghệ số cộng đồng” cũng đến từng nhà người dân để giới thiệu về các thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, với gần 100 công dân được hướng dẫn sử dụng thành thạo các bước nhập hồ sơ tại nhà. Đặc biệt, đã hỗ trợ trên 50 công dân cài app thanh toán không sử dụng tiền mặt như: VNPT money, Mobifone money, Viettel money.

Câu chuyện chuyển đổi số ở huyện Thanh Oai
Thành viên “Tổ công nghệ số cộng đồng” xã Cự Khê hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: Bình Minh)

Bí thư Huyện đoàn Thanh Oai Nguyễn Minh Nguyện chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, trên cơ sở các kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, Huyện đoàn Thanh Oai đã xây dựng và triển khai thành lập các “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại 21 xã, thị trấn. Trong đó, Tổ công nghệ số cộng đồng xã Cự Khê làm điểm với 16 thành viên.

“Để các “Tổ công nghệ số cộng đồng” hoạt động hiệu quả, lan tỏa giá trị thiết thực tới từng người dân, từng gia đình, chúng tôi xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Theo đó, các thông tin về chuyển đổi số được tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống truyền thanh, phong phú, sinh động trên kênh zalo, fanpage… với các thông điệp dễ nhìn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ”, chị Nguyện cho biết.

Nêu ví dụ cụ thể, Bí thư Huyện đoàn Thanh Oai nói: “Đơn cử như, tuyên truyền về chuyển đổi số trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến với “5 lợi ích” (Công khai, minh bạch thông tin; giảm giấy tờ, giảm công sức; tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại; sử dụng dịch vụ trực tiếp mọi lúc, mọi nơi; tra cứu thông tin nhanh chóng, thuận tiện), và “2 giúp” (Giúp chính quyền gần dân hơn, giúp người dân hiểu chính quyền hơn)”.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn Thanh Oai cũng kêu gọi, huy động các đoàn viên thanh niên có hiểu biết về công nghệ số, am hiểu công nghệ thông tin phát huy sức trẻ tham gia vào của “Tổ công nghệ số cộng đồng”. Sau hơn 1 tuần triển khai, các “Tổ công nghệ số cộng đồng” trên địa bàn huyện Thanh Oai đã phát huy được hiệu quả và nhận được sự đánh giá cao từ phía người dân.

Câu chuyện chuyển đổi số ở huyện Thanh Oai
Việc ứng dụng công nghệ giúp người dân tiết kiệm chi phí, công sức đi lại khi thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh: Hồng Quang)

“Với tinh thần làm việc trách nhiệm, hiệu quả, mỗi thành viên trong “Tổ công nghệ số cộng đồng” đang chứng tỏ vai trò của đoàn viên thanh niên trong tiên phong sử dụng và lan tỏa ứng dụng chuyển đổi số trong xã hội. Những phản hồi tích cực, những lời cảm ơn, nụ cười hài lòng của người dân khi tiếp nhận hỗ trợ chuyển đổi số chính là động lực thôi thúc chúng tôi tiếp tục duy trì, phát triển mô hình này trong thời gian tới”, chị Nguyễn Minh Nguyện bày tỏ.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn kỹ năng

Chia sẻ ý tưởng của việc này, ông Bùi Văn Sáng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, đây là thành quả tiếp thu được từ lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức.

“Lớp học đã cung cấp nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu cho tôi. Đặc biệt, sau khi tiếp thu chuyên đề của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, trên cơ sở kinh nghiệm và nghiên cứu tài liệu, tôi đã bắt tay vào triển khai và giao cho Đoàn Thanh niên huyện đảm nhận xây dựng các “Tổ công nghệ số cộng đồng”, ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện”, ông Sáng chia sẻ.

“UBND huyện đã định hướng rõ nhiệm vụ của “Tổ công nghệ số cộng đồng”, là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống, từ đó cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại địa phương.

Huyện đoàn và UBND các xã, thị trấn đã phối hợp rất bài bản, hiệu quả trong việc tổ chức và triển khai hoạt động của “Tổ công nghệ số cộng đồng”. Bằng hình thức tập huấn “cầm tay chỉ việc”, các cán bộ, công chức văn phòng UBND các xã, thị trấn đã hướng dẫn thành viên “Tổ công nghệ số cộng đồng” kiến thức cơ bản như: Tạo tài khoản, đăng nhập và sử dụng các phần mềm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính,… Sau đó, các tổ viên tỏa đi từng ngõ, từng nhà hướng dẫn kỹ năng sử dụng về các nền tảng số, công nghệ số cho người dân trong huyện.

Câu chuyện chuyển đổi số ở huyện Thanh Oai
Người dân đón nhận nhiệt tình và đánh giá cao trách nhiệm của các thành viên “Tổ công nghệ số cộng đồng”. (Ảnh: Bình Minh)

“Với mục tiêu đưa công nghệ số đến từng ngõ ngách của cuộc sống, đảm bảo tiếp cận người dân ở mọi tầng lớp, ngành nghề, đặc biệt là khu vực nông thôn, các “Tổ công nghệ số cộng đồng” của Thanh Oai bước đầu cho thấy đã phát huy được vai trò nòng cốt, xung kích của thanh niên trong chuyển đổi số. Điều đáng ghi nhận là hầu hết công dân đều đón nhận nhiệt tình và đánh giá cao trách nhiệm của các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng”, ông Sáng cho hay.

Chủ tịch Bùi Văn Sáng khẳng định, chuyển đổi số phải bắt nguồn từ người dân, lấy người dân làm trung tâm. “Năm 2022, Thanh Oai phấn đấu từng bước đưa hoạt động của người dân lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số Việt Nam. Mục tiêu trước mắt của huyện là thông qua “Tổ công nghệ số cộng đồng” để thúc đẩy chuyển đổi số; giúp người dân tiếp cận môi trường số, tiên phong sử dụng công nghệ số, nền tảng số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn”, ông Sáng chia sẻ.

Sau 10 ngày triển khai “Tổ chuyển đổi số cộng đồng”, người dân trên địa bàn huyện Thanh Oai đã quen dần với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với hóa đơn điện, nước, mua sắm…; nắm bắt thị trường nông sản, đặc sản vùng miền qua sàn Postmart. Từ đó, tạo thuận lợi và sự minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm các thủ tục hành chính, giảm áp lực công việc cho cán bộ, công chức các đơn vị.

“Việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy đối với người đứng đầu đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong tiến trình chuyển đổi số bền vững của huyện Thanh Oai”, Chủ tịch Bùi Văn Sáng nhấn mạnh.

Hoàng Phúc
https://laodongthudo.vn/cau-chuyen-chuyen-doi-so-o-huyen-thanh-oai-145500.html