Chắp cánh ước mơ từ vải vụn

Từ những mảnh lụa vụn, qua bàn tay khéo léo, sự sáng tạo cùng nỗ lực vượt lên chính mình của những người khuyết tật đã trở thành tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Đó cũng chính là cách Hợp tác xã Vụn Art (địa chỉ tại phố Lụa, quận Hà Đông) kiên trì triển khai nhằm thắp lên ngọn lửa ước mơ cho những mảnh đời kém may mắn.

Gắn kết những mảnh đời bất hạnh

Hợp tác xã Vụn Art được thành lập từ ý tưởng của anh Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Hà Đông. Anh Trường luôn mong muốn người khuyết tật có một sinh kế bền vững, họ có được học nghề và làm ra những sản phẩm, cạnh tranh được với các sản phẩm khác trên thị trường.

Chắp cánh ước mơ từ vải vụn
Anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art (áo kẻ, đứng giữa) hướng dẫn các thành viên hoàn thiện các tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: N.Hoa

“Là một họa sĩ, anh Trường đã ghép vải vụn thành tranh, triển khai nghề này, anh đích thân dạy học viên vào các buổi chiều sau giờ làm việc. Tháng 10/2017 tôi và anh Trường tổ chức lớp, để có học viên, tôi đã đi đến 17 phường trên địa bàn quận Hà Đông vận động người khuyết tật tham gia, lớp học được tổ chức miễn phí bằng nguồn tiền cá nhân của chúng tôi”, anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art chia sẻ.

Nói về những ngày đầu mở lớp, anh Cường cho biết, khóa học đầu tiên có 15 học viên, học được một thời gian họ bỏ không tiếp tục theo nghề, chỉ còn 2 học viên theo nghề thành công. Đến tháng 8/2018 anh quyết định thành lập Hợp tác xã với tên gọi Vụn Art, từ 2 lao động chính (là 2 học viên theo nghề thành công) sau đó Hợp tác xã bắt đầu tuyển sinh các lớp mới, đến nay đã đào tạo cho khoảng 50 người nhưng chỉ có 22 người hiện đang làm việc tại Hợp tác xã.

Chia sẻ về lý do chọn tên Hợp tác xã là Vụn Art, anh Cường bộc bạch: “Mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vải vụn nhỏ, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng, đó là chất keo kết dính họ lại với nhau thành mảng lớn hơn, khi chúng ta ghép thành miếng vải lớn thì trên miếng vải đó sẽ vẽ được giấc mơ của mình”.

Tùy vào nhận thức, khả năng của từng học viên, anh hướng dẫn họ làm những công việc cụ thể, từ việc tạo mẫu tranh đến in ra các bìa cứng, vẽ mẫu lên vải, cắt các chi tiết nhỏ rồi ghép. Để nâng cao nhận thức thẩm mĩ cho các thành viên của Hợp tác xã, anh chủ động mời các họa sĩ đến dạy, hướng dẫn cách phối màu, tạo hình để nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm. Đến nay các thành viên làm việc tại Hợp tác xã đều có thể chủ động làm việc, tạo ra các sản phẩm, đem lại thu nhập hàng tháng giúp họ tự chủ mà không phụ thuộc vào người thân.

Chị Hoàng Thị Hậu, người gắn bó với Hợp tác xã từ những ngày đầu thành lập cho biết, chị sinh ra trong làng nghề rèn Đa Sĩ (quận Hà Đông), do khuyết tật, nghề rèn lại nặng nhọc nên chị không theo nghề của gia đình. Tới Hợp tác xã, chị và em trai được học nghề và được nhận làm tại đây, công việc phù hợp với sức khỏe của bản thân giúp chị vừa có thu nhập, vừa tìm thấy niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống.

“Mỗi thành viên của Hợp tác xã là một mảnh đời bất hạnh khác nhau nhưng dưới sự gắn kết, chúng tôi đã yêu thương, đùm bọc nhau và trở nên lạc quan hơn trong cuộc sống. Đặc biệt nhờ có nghề đã được đào tạo, chúng tôi không phải sống phụ thuộc vào người thân mà đã có thể tự lo cho bản thân. Chúng tôi rất biết ơn anh Cường cũng như các thầy trong Hợp tác xã, họ đã giúp chúng tôi thực hiện được ước mơ của riêng mình”, chị Hậu bày tỏ.

Đưa sản phẩm vươn tới thị trường quốc tế

Hiện nay, Hợp tác xã Vụn Art đang hoạt động theo mô hình thương mại hóa. Cùng với việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho các đối tượng yếu thế, trong đó có người khuyết tật, Vụn Art tái sử dụng các nguyên vật liệu thừa trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống. Cứ thế, Vụn Art tìm hướng đi bằng chính chất lượng, uy tín của sản phẩm.

Nguồn nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm của Hợp tác xã là tận dụng những mảnh vải vụn từ các nhà may tại làng lụa Vạn Phúc. Bằng phương pháp thủ công (cắt, ghép, dán…), qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ khuyết tật đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Chính bởi tận dụng vải vụn nên mỗi bức tranh lại có một màu sắc khác nhau, không dập khuôn, đơn điệu.

Chắp cánh ước mơ từ vải vụn
Mỗi thành viên của Hợp tác xã là một mảnh đời bất hạnh khác nhau nhưng dưới sự gắn kết, họ đã lạc quan hơn trong cuộc sống. Nhờ có nghề đã được đào tạo, họ không phải sống phụ thuộc vào người thân. Ảnh: N.Hoa

Ban đầu sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã là các loại tranh lụa ghép vải. Khác với các dòng tranh trên thị trường, sự riêng biệt của tranh lụa ghép vải nằm ở phong cách và chất liệu. Không đơn giản chỉ là ghép những mảnh vải lại với nhau là có thể thành một tác phẩm, mà người ghép cần phải biết chọn lựa, đó là sự kết hợp khéo léo từ những mảnh vải riêng rẽ để làm nên một tổng thể hài hòa.

Sau 5 năm phát triển, đến nay sản phẩm của Hợp tác xã Vụn Art rất đa dạng, mang tính ứng dụng cao như túi đựng chai nước, laptop, áo phông, áo dài. Dòng tranh lụa ghép vải của Hợp tác xã gồm: Tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh dân gian Mỹ, tranh dân gian Nhật Bản, tranh phố cổ Hà Nội… Hiện nay, một số sản phẩm của Hợp tác xã đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Các sản phẩm mang tính giá trị thẩm mỹ cao, thân thiện với môi trường, do đó không chỉ hấp dẫn người tiêu dùng trong nước mà còn từng bước chinh phục thị trường quốc tế.

Để phát triển bền vững, Hợp tác xã Vụn Art còn hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm văn hóa, thu hút học sinh, các bạn trẻ và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và thực hành làm tranh lụa ghép vải. Những khách du lịch đến đây, nhất là du khách quốc tế tỏ ra rất hứng thú với sản phẩm của Hợp tác xã. Từ những kết quả đã đạt được trong chặng đường đã qua, Hợp tác xã Vụn Art được đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững, giải quyết được vấn đề việc làm cho người khuyết tật trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

“Các thành viên làm việc tại Hợp tác xã luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo ra giá trị thực chất. Ở đây, mọi người kiếm tiền bằng sức lao động của mình, tự giác học tập, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao tay nghề, cùng nhau làm việc để phát triển. Tôi muốn sản phẩm của mình phải sống được, chứ không muốn mọi người có quan điểm sản phẩm của người khuyết tật thì cộng đồng và xã hội nhìn thấy sẽ phải ủng hộ, phải giúp đỡ, như thế thì chúng tôi sẽ không đi xa được”, anh Lê Việt Cường chia sẻ./.

Nguyễn Hoa