Chủ động bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ “dịch chồng dịch”

Covid-19 đang tăng cao số ca mắc chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, người có nguy cơ cao như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,… Trong khi đó, cúm, viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác đang diễn biến phức tạp trong thời điểm giao mùa, đe dọa nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Tại Việt Nam, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu tháng 4/2023 đến nay, số ca mắc Covid-19 mới và nặng phải nhập viện dù vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng cũng có chiều hướng gia tăng, chủ yếu ở nhóm nguy cơ cao như: Người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai…
Chủ động bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ
Tiêm vắc xin bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Trong thời điểm giao mùa, các dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác như cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn, ho gà… cũng có diễn biến phức tạp, đặc biệt nguy hiểm khi đồng nhiễm cùng Covid-19. Trước nguy cơ “dịch chồng dịch”, các chuyên gia y tế nhấn mạnh đến việc ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm thành phố Hồ Chí Minh, phế cầu khuẩn gây đồng nhiễm, bội nhiễm ở bệnh nhân Covid-19 khiến việc điều trị trở nên khó khăn và kéo dài, nguy cơ để lại nhiều di chứng ở hệ thần kinh, hệ hô hấp (xẹp phổi, áp xe phổi, phù phổi, suy hô hấp), hệ vận động. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Viêm phổi do phế cầu khuẩn cực kỳ nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên tới 50% ở nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ và người già.

Ngoài ra, phế cầu khuẩn còn gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng khác như viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm tai giữa, viêm xoang… “Nếu đồng nhiễm cùng tác nhân khác nguy cơ biến chứng nặng như viêm màng ngoài tim, phù thũng, xẹp phổi… ở nhóm này rất cao”, bác sĩ Khanh cho biết.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cảnh báo: “Phế cầu khuẩn tàn phá phổi không kém Covid-19. Bệnh có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên thường bị xem nhẹ, hoặc dễ nhầm lẫn với Covid-19 khiến bỏ sót điều trị. Từ đó, người bệnh dễ gặp diễn tiến nặng, phổi bị tàn phá nặng nề dẫn đến tử vong”.

Hiện nay, ca bệnh Covid-19 đang gia tăng trở lại, nếu đồng nhiễm cùng lúc cúm và Covid-19 có thể gây khó khăn trong công tác điều trị, nguy cơ tử vong tăng cao.

Theo nghiên cứu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêm chủng sớm vắc xin phòng các bệnh hô hấp như: Vắc xin cúm, vắc xin phế cầu, vắc xin ho gà ở giai đoạn hậu Covid-19 góp phần quan trọng bảo vệ phổi, đường hô hấp, cũng như cải thiện mức độ lây lan cũng như các biến chứng nặng của Covid-19, đặc biệt là với nhóm nguy cơ cao.

Điển hình như vắc xin cúm không chỉ phòng cúm hiệu quả 70 – 90%, giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh nguy cơ đồng nhiễm vi rút, vi khuẩn khác. Một mũi vắc xin cúm có thể giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và 68% tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi, 15 – 45% nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, 46% nguy cơ hen cấp, 58% ở bệnh nhân đái tháo đường.

Còn với vắc xin phòng vi khuẩn phế cầu, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC Bạch Thị Chính cho biết nhiều nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi được tiêm vắc xin phế cầu có nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp hơn 35% so với người lớn không được tiêm chủng. Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng khác với trẻ em và người lớn cho thấy vắc xin phế cầu có khả năng bảo vệ từ 23% – 49% chống lại các vi rút hô hấp liên quan đến viêm phổi, bao gồm cả vi rút SARS-CoV-2 ở người.

“Đặc biệt, vắc xin có thành phần phòng bệnh ho gà (như bạch hầu – ho gà – uốn ván) được chứng minh có khả năng tạo “miễn dịch chéo” với Covid-19 nhờ thành phần epitope giống nhau tạo ra các phản ứng chéo, phòng biến chứng nguy hiểm của Covid-19″, bác sĩ Chính khẳng định.

Minh Khuê
https://laodongthudo.vn/chu-dong-bao-ve-suc-khoe-truoc-nguy-co-dich-chong-dich-154874.html