Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến

Ngày 9/2, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhiều chuyển biến tích cực

Tại hội nghị, đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, năm 2022, tình hình dịch Covid-19 đã từng bước được kiểm soát, kinh tế – xã hội từng bước được phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Ngoài ra, năm 2022 diễn ra nhiều sự kiện văn hóa xã hội lớn quy mô quốc tế, như: SEA Games 31, các kỳ nghỉ lễ dài ngày (nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần nghỉ 9 ngày), nghỉ 30/4 – 1/5 và nghỉ Quốc khánh 2/9)… đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch và sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu giao thông, cũng như số lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tạo áp lực lớn lên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2022.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

Đáng chú ý, thời gian qua số vụ ách tắc giao thông đã được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý và có chuyển biến rất tích cực.

Để đạt được những kết quả trên, theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nguyên nhân chủ yếu là do Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT.

Bên cạnh việc chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch chuyên để về xử lý vi phạm TTATGT, thời gian qua công tác đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm; đặc biệt là các công tác tổ chức giao thông, bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, điều tiết giao thông các vị trí xung yếu trên đường thủy…

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2023, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổng hợp, xây dựng Kế hoạch Năm an toàn giao thông 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” đặt ra 3 mục tiêu: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến
Các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại Lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2023.

Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã phát biểu tham luận, tập trung vào một số giải pháp, bài học kinh nghiệm trong kiềm chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; công tác tuyên truyền về đảm bảo TTATGT; nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; công tác giảng dạy an toàn giao thông trong nhà trường các cấp học…

Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp

Tại điểm cầu Hà Nội, đại diện Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội cho biết, trong năm 2022, các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã đã chủ động triển khai những kế hoạch, giải pháp, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, gắn liền với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố.

Thực hiện tốt và có hiệu quả công tác tổ chức, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn, giảm thiểu ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lễ hội Xuân năm 2022, nghỉ lễ 30/4 – 1/5, 2/9…và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao quan trọng trên địa bàn.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến
Lực lượng chức năng phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các trục giao thông trọng điểm của Hà Nội.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thắng đã nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023.

Trong đó, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Siết chặt quy định về quản lý hoạt động của các cơ sở đăng kiểm phương tiện, thiết bị nói chung, nhất là phương tiện cơ giới đường bộ;

Năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương mình, cũng như các nhiệm vụ cụ thể đã được giao trong Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để tổ chức triển khai, thực hiện đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT.

Cùng với đó, bảo đảm tiến độ, chất lượng, bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ môi trường khi thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; chú trọng trách nhiệm nêu gương “thượng tôn pháp luật” của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ pháp luật và quản lý Nhà nước về TTATGT.

Đinh Luyện
https://laodongthudo.vn/cong-tac-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-co-nhieu-chuyen-bien-152202.html