Đa dạng giải pháp kết nối cung cầu hàng hóa

Thời điểm cuối năm chính là lúc để doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh nguồn cung hàng hóa, kích cầu mua sắm. Các siêu thị, trung tâm thương mại đều triển khai chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn. Không bị giới hạn bởi mức trần 50%, tháng khuyến mại tập trung cho phép doanh nghiệp giảm giá tối đa. Phần lớn mặt hàng đều có mức khuyến mại phổ biến từ 30 đến 70%.

Hàng hóa thiết yếu đang giảm giá sâu tại một trung tâm thương mại ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: LÂM MINH)
Hàng hóa thiết yếu đang giảm giá sâu tại một trung tâm thương mại ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: LÂM MINH)

Tại các “điểm vàng” khuyến mại như: Siêu thị Mediamart Mỹ Đình (quận Cầu Giấy), siêu thị MM Mega Market Thăng Long, siêu thị BRG Mart…, hàng hóa tham gia chương trình giảm giá từ 30 đến 50% cho rất nhiều sản phẩm, mặt hàng thiết yếu, như: gạo, dầu ăn, trái cây, đồ uống, bánh, kẹo, sữa, mỹ phẩm… Bà Trần Thu Hiền (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, sau dịch Covid-19, nhiều khoản thu nhập bị cắt giảm, nên những chương trình khuyến mại lớn của thành phố Hà Nội giúp người lao động tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, chương trình khuyến mại tập trung năm 2022 nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình khuyến mại, xúc tiến tiêu dùng như sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ-Hanoi midnight sale 2022”, “Hà Nội-Online xuống phố”, với các hình thức khuyến mại lên tới 100%.

Hoạt động xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được triển khai. Đáng chú ý là hoạt động liên kết vùng, đưa hàng hóa của các địa phương về Hà Nội; phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)…

Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Quý Mão 2023. Dự báo, nhu cầu mua sắm dịp cuối năm nay sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Cho nên, kế hoạch đã tính đến khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023 đối với khoảng 10,75 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội.

Thành phố cũng sẽ tổ chức các điểm bán hàng, chuyến hàng phục vụ Tết tại các khu công nghiệp, chế xuất, các vùng nông thôn; tổ chức các hội chợ xuân, chương trình khuyến mại tập trung…

Theo ý kiến của một số chuyên gia, để các chương trình kết nối cung cầu thực hiện có kết quả, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa cơ quan chức năng các cấp, các ngành và địa phương trong cả nước; tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận và lựa chọn mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt.

Song song với công tác thanh, kiểm tra, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý những trường hợp có dấu hiệu lợi dụng tháng khuyến mại để tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, vi phạm pháp luật…

Theo KIM OANH/Nhandan.vn

https://laodongthudo.vn/da-dang-giai-phap-ket-noi-cung-cau-hang-hoa-150591.html