Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, UBND 11 phường triển khai thực hiện Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2023 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm và hiệu quả; tổng hợp báo cáo tiến độ đúng quy định, đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Cụ thể, tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, hậu kiểm trên địa bàn quận. Nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đoàn liên ngành thành phố Hà Nội và lãnh đạo quận Hai Bà Trưng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn quận. |
Đồng thời, nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị với cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết trong việc vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm và nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Qua đó, góp phần lan tỏa tinh thần trách nhiệm với thông điệp đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, đồng thời thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng.
Để Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm nay đạt được kết quả tốt, đảm bảo thiết thực và hiệu quả, UBND quận Thanh Xuân đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác chuyên môn, kiến thức quản lý công tác an toàn thực phẩm, các văn bản mới quy định hiện hành về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú; đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại quận, phường…
Tại quận Hai Bà Trưng, mục tiêu quận đặt ra trong triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2023 là đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác này.
Quận Hai Bà Trưng là địa bàn đông dân với trên 30 vạn người thuộc 18 phường, di biến động dân lớn, hiện toàn quận Hai Bà Trưng quản lý 2.618 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại 18 phường, 5 trung tâm thương mại, 16 siêu thị và 2 chợ hạng I, 4 chợ hạng 3.
Bà Cao Thị Hoa – Trưởng phòng Y tế quận, Phó Trưởng ban chỉ đạo an toàn thực phẩm quận cho biết: Quận Hai Bà Trưng luôn xác định công tác an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND quận đã bám sát sự chỉ đạo của Thành phố, Quận ủy, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai các nội dung về an toàn thực phẩm.
Cùng với triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua các phương tiện thông tin, toàn quận sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm.
Trong đó, tại cấp quận sẽ duy trì hiệu quả 2 đoàn liên ngành và đoàn liên ngành 389 kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thành phố, quận trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại Ban chỉ đạo 18 phường, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; phúc tra, giám sát cơ sở do phường kiểm tra; kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh đã được phân cấp trên địa bàn quận; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực phẩm không an toàn.
Tại 18 phường tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra công tác này tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, chợ và thức ăn đường phố theo phân cấp; truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không an toàn; ký cam kết trách nhiệm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và yêu cầu công khai nguồn gốc, giấy chứng nhận/cam kết an toàn thực phẩm tại từng cơ sở.
“Phòng Y tế sẽ tham mưu UBND quận tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm tại phường, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trường đại học, cơ quan, đơn vị và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; tổng hợp báo cáo Thành phố”, bà Cao Thị Hoa khẳng định.
Tại quận Tây Hồ, ông Thẩm Ngọc Trung – Trưởng phòng Y tế quận cũng cho biết, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quận đã đạt được những kết quả khả quan, đáng ghi nhận.
Trong đó, công tác thông tin tuyên truyền liên tục được đổi mới, giúp thay đổi nhận thức và thực hành trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm theo chiều hướng tốt hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì thường xuyên, liên tục,… giúp ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, công tác kiểm nghiệm và phòng ngừa nguy cơ về an toàn thực phẩm đã được tăng cường. Lực lượng chức năng của quận tiến hành kiểm nghiệm nhanh chuyên dụng tại các chợ đầu mối, siêu thị và tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, tạo niềm tin cho nhân dân.
Nhiều mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm đã được triển khai có hiệu quả. Các cơ sở đã bước đầu công khai nguồn gốc thực phẩm và giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho khách hàng nhận biết…