Đẩy mạnh phát triển giao thông để Thủ đô “hóa rồng”

Nếu xét về hạ tầng giao thông, phải thừa nhận Hà Nội phát triển nhất cả nước. Tuy nhiên, với một “siêu đô thị” như Hà Nội xét cả về quy mô kinh tế, đô thị và gia tăng dân số cơ học phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối, lan tỏa mới góp phần đưa Thủ đô “hóa rồng”.

Cần coi hạ tầng là khâu đột phá

Ngột ngạt, oi nồng bởi khói xe, bụi bặm khi phải len lỏi giữa rừng phương tiện ô tô, xe máy vào giờ cao điểm là cảm giác không ai muốn nhưng vẫn phải trải qua mỗi ngày bởi vấn nạn ùn tắc giao thông. Vấn nạn này đến nay vẫn là “bài toán khó” đối với các thành phố đang trên đà đô thị hóa mạnh mẽ như Hà Nội.

Theo các chuyên gia giao thông, tình trạng ùn tắc ở Thủ đô bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do gia tăng dân số kéo theo phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, tập trung vào nội đô; diện tích dành cho giao thông còn thấp; ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa tốt… Để giải “bài toán” này, một trong những giải pháp căn cơ là tăng không gian hạ tầng để phương tiện lưu thông.

Đẩy mạnh phát triển giao thông để Thủ đô “hóa rồng”
Hạ tầng giao thông Hà Nội ngày càng đồng bộ.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Thành phố hiện có trên 8,4 triệu người, cùng đó số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến nay khoảng trên 7,9 triệu phương tiện các loại (có khoảng 1,1 triệu xe ô tô và 6,6 triệu xe máy; 0,2 triệu xe máy điện). Mặt khác, tốc độ tăng trưởng bình quân của phương tiện giai đoạn 2019 – 2022 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Mật độ dân số đông, số lượng phương tiện xe cá nhân cao, tuy nhiên tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tính trên diện tích đất xây dựng đô thị lại “khiêm tốn”.

Qua tính toán, hiện tỷ lệ này mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26-0,3%/năm); diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 18,5%. Ngoài ra, đa phần người dân vẫn giữ thói quen đi lại bằng xe cá nhân, đây là căn nguyên khiến áp lực lên hệ thống hạ tầng của Hà Nội ngày càng nặng nề.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn cả về chủ quan và khách quan, Hà Nội đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng cũng như nội vùng, làm tốt một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế – xã hội. Điển hình là dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Chưa khi nào Thủ đô có một dự án giao thông được quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, huy động đồng bộ cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt như dự án này.

Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông quan trọng của Thành phố đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Hầm chui Lê Văn Lương, Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở… Hàng loạt dự án giao thông khác có vai trò đặc biệt với sự phát triển của Thủ đô đã được khởi động hoặc sắp về đích như: Quốc lộ 6, đoạn Ba La – Xuân Mai; hầm chui Kim Đồng; cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2; tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn – Ga Hà Nội…

Vẫn còn những băn khoăn

Với quy mô đô thị ngày càng lớn, nhu cầu giao thông tăng nhanh từng ngày, việc phát triển hệ thống hạ tầng là tối quan trọng, nhưng rõ ràng Hà Nội vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Lấy ví dụ tại dự án cầu vượt chữ C nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch. Theo đó, công trình trọng điểm này dài hơn 318m, được khởi công từ tháng 10/2021, với tổng vốn đầu tư gần 150 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội. Đồng thời, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại một trong những nút giao đông đúc và sầm uất nhất của Thành phố.

“Dự án có ý nghĩa rất quan trọng với mục tiêu nâng cao năng lực giao thông qua nút giao ngã tư Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch – Tôn Thất Tùng – Đông Tác; đồng thời giúp giảm tải, tăng khả năng thông hành cho các phương tiện tham gia giao thông trong khu vực và các nút giao lân cận, góp phần hoàn thiện hạ tầng khung của thành phố”, ông Cường chia sẻ.

Có vai trò quan trọng trong kéo giảm ùn tắc khu vực, tuy nhiên khi triển khai dự án này, nhiều khó khăn đã khiến công trình bị trễ tiến độ so với dự kiến. Chẳng hạn, theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, dự án dù được khởi công sớm, tuy nhiên trong quá trình triển khai đã gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Dễ thấy nhất là mặt bằng thi công dự án chặt hẹp, tổ chức giao thông phức tạp, phải thực hiện di chuyển nhiều hệ thống công trình ngầm nổi (hệ thống điện, thông tin, cấp nước). Mặt khác, nhà thầu vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông đi lại trong khi nút giao này thường xuyên bị ùn tắc do lưu lượng giao thông qua lại rất lớn. Ngoài ra, khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao trong năm 2021, 2022… cũng là căn nguyên khiến công trình không đạt tiến độ như đề ra.

Trở lại câu chuyện đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông, tại các cuộc khởi công xây dựng giao thông thời gian gần đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn lực để triển khai đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và hạn chế ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn.

Chẳng hạn, tại dự án đường nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 được thành phố Hà Nội chính thức khởi công sáng 19/7, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, dự án là công trình giao thông có ý nghĩa rất quan trọng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân – cửa ngõ phía Nam Thủ Đô Hà Nội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam khu vực trung tâm Thành phố.

Được biết, dự án này dài 3,4 km, theo thiết kế rộng từ 4 đến 6 làn xe cơ giới và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố với tổng mức đầu tư là 3.241,5 tỷ đồng, thuộc Dự án Nhóm A, dự kiến thời gian hoàn thành trong năm 2025.

Rõ ràng, để Thủ đô thoát khỏi “manh áo chật”, tăng tính kết nối ra toàn khu vực thì phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại là tất yếu. Tin tưởng rằng, với sự đầu tư đồng bộ và được chú trọng như hiện tại, trong tương lai không xa, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành điểm trung chuyển để kết nối với các quốc gia, địa phương trong cả nước về đường bộ, đường sắt, hàng không.

Đinh Luyện
https://laodongthudo.vn/day-manh-phat-trien-giao-thong-de-thu-do-hoa-rong-158490.html