Để không còn bạo lực học đường

Bạo lực học đường ngày càng có chiều hướng gia tăng về số vụ lẫn hành vi, đây là tiếng chuông báo động đã đến lúc các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và toàn xã hội phải vào cuộc để chấm dứt tình trạng này.

Môi trường học đường không chỉ là nơi đào tạo kiến thức chuyên môn (tự nhiên, xã hội) mà còn là nơi giáo dục về văn hóa, nơi “khởi nguồn” về giá trị văn hóa cho hiện tại lẫn tương lai. Ấy vậy mà thời gian qua, bên cạnh “phong trào” nói tục đang lên ngôi trong hệ thống trường học, đặc biệt từ bậc trung học cơ sở đến đại học, lại còn diễn ra vấn nạn bạo lực học đường.

Thời công nghệ số, mạng xã hội, chứng kiến nhiều vụ bạo lực học đường, trong đó có những vụ hết sức dã man không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến nhân phẩm và để lại di chứng về nỗi đau tinh thần.

Để không còn bạo lực học đường
Ảnh minh họa.

Có nhiều người đặt câu hỏi, tại sao các em đang sống trong môi trường bình yên, sung túc, được thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất về vật chất, tinh thần mà xã hội, gia đình dành cho các em, nhưng số vụ bạo lực học đường ngày càng gia tăng? Văn hóa nói tục đang hàng ngày, hàng giờ len lỏi vào “ngõ ngách” của giới trẻ, trong đó có chốn học đường?

Để trả lời câu hỏi này, qua thực tiễn có thể đúc kết ra một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, học sinh bị ảnh hưởng bởi một bộ phận xã hội đang có chiều hướng xuống cấp về đạo đức. Không ít người ngoài xã hội, cứ mở miệng giao tiếp với nhau là “văng” đủ thứ ngôn từ, thậm chí nhiều nhà, ngôn ngữ giao tiếp trong gia đình cũng vậy.

Dẫn đến việc trẻ bị nhiễm thói hư về ngôn ngữ giao tiếp bao giờ không hay. Tiếp đó, do sự bùng nổ của công nghệ thông tin với sự lên ngôi của mạng xã hội như Youtube, Facebook, TikTok mà ở đó có nhiều những thứ cuốn hút theo hướng tốt thì ít, mà độc hại… thì nhiều. Cái tốt không học, cái xấu thẩm thấu nhanh, lại hấp dẫn, vì thế không ít trẻ đã tiếp nhận cái xấu khi nào không hay.

Trong khi đó, rất nhiều gia đình buông lỏng việc quản lý con cái dùng điện thoại, mạng xã hội… cái xấu càng có điều kiện len lỏi vào học sinh. Điều cuối cùng cũng không thể xem nhẹ, đó là do áp lực học tập làm cho không ít học sinh bị ức chế tâm lý, dẫn tới hành vi không chuẩn mực, thậm chí cả bạo lực học đường.

Vấn đề đặt ra chúng ta phải cần có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên? Trước hết về phía gia đình, phải thường xuyên liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để nắm tình hình học sinh, nếu có điều gì thì kịp thời chấn chỉnh. Tiếp đó, cần quản lý chặt hơn việc con em sử dụng điện thoại, máy tính. Kiên quyết không để con em tự do sử dụng, phải đặt trong vòng kiểm soát. Đặc biệt, mỗi thành viên trong gia đình như ông, bà, bố, mẹ phải nói lời hay ý đẹp để gieo vào các con tâm hồn đẹp.

Về phía nhà trường, cần phải kiểm soát chặt chẽ, phát hiện từ đầu đối với những học sinh có biểu hiện như nói tục, hành vi bất thường để tìm hiểu nhằm phối hợp với gia đình kịp thời điều chỉnh. Đặc biệt, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần phải tăng cường biện pháp truyền thông để giáo dục học sinh nâng cao nhận thức.

Chẳng hạn, mỗi tuần, Ban giám hiệu nhà trường cần tổ chức những lớp nói chuyện chuyên đề, mời các chuyên gia đến nói chuyện cũng như các bạn học sinh được trực tiếp thảo luận các chủ đề để cùng nhau tháo gỡ; tiếp tục phát động phong trào “học sinh nói lời hay làm việc tốt” với quan điểm “cái đẹp đẩy lùi cái xấu”.

Đồng thời, cần có kiến nghị lên cấp có thẩm quyền về việc kiên quyết có hình thức phạt thật nặng như hạ hạnh kiểm với những học sinh có hành vi bạo lực, nói tục… cho dù là lần đầu để cảnh tỉnh đối với các bạn khác. Có như thế mới hy vọng bạo lực học đường được kéo giảm.

L.Hà