Để ngôn ngữ giao tiếp dẫn dắt văn hóa ứng xử: Khép lại sự dung tục, trả lại nét hào hoa

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Hà Nội là vậy. Xưa là thế và nay cũng thế, Hà Nội đẹp từ sự bặt thiệp của mỗi con người. Hẳn nhiên, trong một môi trường lành mạnh và đậm chất nhân văn, không lý do gì để mỗi con người tự biến mình thành kẻ thô lỗ, tục tằn. Với nạn nói tục, chửi thề, những hành vi thiếu văn hóa… để “dẹp loạn” ngay hẳn là không dễ song không vì thế mà không làm. Hơn hết, nếu Hà Nội quyết tâm, nỗ lực đẩy lùi sự dung tục, trả lại nét hào hoa thì chắc hẳn sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của những người yêu Hà Nội.

KỲ 3

Ngôn ngữ là phương tiện biểu đạt nhằm liên lạc, giao tiếp giữa con người với con người. Cũng chính bởi lẽ đó, khi nhìn vào ngôn ngữ cũng có thể phần nào thấy được sự thể hiện của văn hóa từng vùng miền, từng địa phương.

Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của đất nước, do vậy văn hóa ngôn ngữ Hà Nội còn mang đặc trưng rất riêng khác. Tôi từng có duyên được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Lâm ở làng Bát Tràng (Gia Lâm). Bà Lâm là một nghệ nhân ẩm thực và cũng là một mẫu người phụ nữ rất Hà Nội với lối sống chuẩn mực, thanh tao. Sinh ra trong một gia đình khá giả ở phố Hàng Than, lớn lên bà về làm dâu ở làng Bát Tràng. Từ bé bà đã được mẹ và các dì dạy dỗ bao điều từ cách ứng xử, ăn nói đến việc nấu các món ăn ẩm thực mang hương vị của vùng đất ngàn năm văn hiến.

Kỳ 3: Khép lại sự dung tục, trả lại nét hào hoa
Người Hà Nội bặt thiệp từ lời ăn tiếng nói đến sự nhẹ nhàng, thanh lịch trong cách sống.

Những nét văn hóa thanh lịch của người con gái đất Tràng An ngấm dần trong tiềm thức của bà. Cho tới ngày nay, những quy chuẩn ấy vẫn không bị phai nhạt trong từng lời ăn, tiếng nói. Bà Lâm bảo, đó là những lề thói, tập tục, lối sống mang chất Hà Nội, là sự thể hiện giản đơn và rất đỗi quen thuộc như hai từ “cảm ơn” và “xin lỗi”. Lịch sự và khiên nhường. Người Hà Nội xưa và cho đến cả bây giờ vẫn nhường nhịn nhau từng lời ăn tiếng nói. Họ sống với nhau chân tình, cởi mở, biết “nể”, tránh những việc “mất lòng”. Cùng xóm, cùng phố thấy mặt là đon đả chào nhau trước, hỏi thăm, hỏi đón.

Có một điểm rất riêng khác từ những người Hà Nội mà người viết tìm hiểu được từ những nhà nghiên cứu, những nhà Hà Nội học là ngôn từ thanh tao, không dung tục. Người Hà Nội luôn tiết chế tối đa để không chửi tục. Họ không bao giờ hoặc cực ít sử dụng những từ được cho là dung tục mà phải tìm từ thay thế, ví như “nhà xí” sẽ được nói tránh là “nhà sau”, “đồ ăn” sẽ được gọi là “thức ăn”. Khi có chuyện, họ luôn tìm cách kiềm chế cơn nóng giận để ôn hòa trao đổi với nhau, giải quyết mâu thuẫn một cách thấu tình đạt lý.

Trong nhịp phát triển của xã hội ngày nay, nhiều người vẫn hay cho rằng giờ Hà Nội đã khác xưa nhiều lắm. Bởi Hà Nội không bó hẹp, nơi đây trở thành nơi hội tụ, nơi an cư của cư dân khắp nẻo vùng miền. Nếp sống tuy có thay đổi, mọi người hối hả chạy theo guồng quay nhanh hơn, mua – bán những đồ dùng sang – đẹp – hiện đại hơn, mọi người ứng xử với nhau dường như cũng dễ nóng giận hơn…

Ngoài ra, văn hóa ngôn ngữ Hà Nội nói chung và tiếng Hà Nội hiện đại nói riêng cũng đang là vấn đề đáng quan ngại khi giới trẻ dễ dàng tiếp thu những từ ngữ không phù hợp thuần phong mỹ tục. Không ít người Hà Nội giờ đây không còn nói “giọng chuẩn mực” nữa, họ buông thả trong câu chữ cũng như cách diễn đạt, họ dễ dãi khi phá vỡ tôn ti trật tự trong giao tiếp, thậm chí họ còn không thể phát âm chuẩn. Thật là một thực tế đáng buồn.

Phải chăng Hà Nội biến đổi và những giá trị văn hóa đã mờ phai? Nếu hiểu như vậy, xin thưa đó là đánh giá chưa thực sự thấu đáo. Bởi rằng Hà Nội vẫn còn giữ trong mình những giá trị văn hóa bất biến. Có chăng lúc này ta nên “gạn đục, khơi trong”, nên có những hoạt động thiết thực, thậm chí là biện pháp tích cực để mỗi cá nhân tự điều chỉnh lời nói, hành vi của mình quay về quỹ đạo vốn có trong văn hóa ngôn ngữ của người Hà Nội.

Khó nhưng cần phải làm

Bất cập nhiều, thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, trong xã hội hiện đại ngày nay, ở quanh đâu đó khắp phố phường Thủ đô chỉ cần lắng chậm lại để cảm nhận thì ta vẫn có thể bắt gặp những nét tinh hoa của văn hóa người Hà Nội hiện về rõ rệt, làm nên nét đặc trưng không lẫn vào đâu được. Đó có thể là những cử chỉ thầm lặng sẵn sàng tham gia hiến máu khi nguồn dự trữ máu khan hiếm, là một câu chào, là một lời cảm ơn làm vui lòng của cả người cho và nhận bên những xe chất đầy ắp hoa.

Trước nạn văng tục, chửi thề âm ỉ xâm lấn, làm xấu đi phần nào nét thanh lịch của người Hà Nội, trong dịp trò chuyện với bà Nguyễn Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), bà cũng đau đáu về hành vi ứng xử chẳng mấy bặt thiệp này. Bà Chi bảo với tôi, để nắn lại, gợi lại nét văn hóa ẩn sâu trong hồn cốt người Hà Nội thì không có sự điều chỉnh nào tốt hơn là thông qua cái nôi gia đình.

Kỳ 3: Khép lại sự dung tục, trả lại nét hào hoa
Từ xưa đến nay, việc rèn lời ăn, tiếng nói luôn được coi trọng và gia đình, trường học là nơi luyện rèn tốt nhất.

Ở Hà Nội xưa việc rèn lời ăn, tiếng nói luôn được coi trọng. Ngay từ nhỏ, những giá trị đạo đức đã được các gia đình rèn luyện cho các con. Những đứa trẻ sẽ được dạy cách tôn trọng ông bà, cha mẹ từ khi mới học nói. Việc học tập này diễn ra thường xuyên, ngay cả trong những bữa cơm hàng ngày. Trên mâm cơm, các con cũng phải học cách mời chào ông bà, cha mẹ và các anh chị em trong nhà để thể hiện sự kính trọng và tạo sự gắn kết gia đình. Cứ thế, văn hóa vun bồi từng chút từ gia đình, gia đình trở thành hạt nhân để tạo nên nhưng tâm hồn đẹp, những công dân tốt cho xã hội.

Xoay quanh câu chuyện này, ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lại có góc phân tích tương đối đặc biệt. Theo ông Lê Doãn Hợp, nói tục vốn chỉ là một thói quen nhưng với nhiều người, đó lại là thói quen rất khó bỏ. Hơn thế, nói tục nếu lây lan sẽ ảnh hưởng đến nét đẹp truyền thống trong văn hóa ứng xử, cũng như sự trong sáng của tiếng Việt. Và nguy hại hơn, nó cũng là biểu hiện của việc văn hóa ứng xử xuống cấp trầm trọng.

Người ta nói nhiều đến văn hóa gắn liền với đạo đức. Dĩ nhiên, điều này là hoàn toàn có lý. Bởi đạo đức là gốc của văn hóa. Văn hóa là biểu hiện ra ngoài của đạo đức. Một người có đạo đức bao giờ cũng có văn hóa. Một người có văn hóa vì người đó có đạo đức.

Ông Lê Doãn Hợp cho rằng, để xác định một người có văn hóa hoàn toàn không quá khó khăn. Dễ thấy, một người có văn hóa là người xuất hiện ở đâu cũng làm cho người khác dễ chịu (đó là văn hóa ứng xử); một người có văn hóa là một người mới gặp thì ngại, nói chuyện thì mang đến cảm giác vui vẻ, chia tay thì mong ngày gặp lại (đó là văn hóa trí tuệ); một người có văn hóa là một người luôn luôn hưởng thụ bằng thành quả lao động chính đáng của mình (đó là văn hóa vật chất). Hội đủ 3 yếu tố này, chính là người có văn hóa chuẩn mực mà chúng ta mong muốn.

“Tôi rất ngưỡng mộ nền văn hóa của Nhật Bản. Có thể khái quát đến mức ngắn nhất văn hóa của người Nhật là không làm phiền người khác. Tôi nhận ra ngay, đây chính là văn hóa Hồ Chí Minh. Bác Hồ không bao giờ làm phiền cấp dưới… Tôi thiết nghĩ, văn hóa và đạo đức phải được chăm lo từ nền tảng trong đó bao gồm con người, gia đình, dòng họ, quê hương. Trong đó văn hóa gia đình là gốc” – ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.

Hà Nội đã và đang có những nỗ lực không nhỏ để xây dựng và giữ gìn nền nếp thanh lịch, văn minh trong cộng đồng. Minh chứng dễ thấy, Hà Nội hiện đang đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ công chức viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” cũng đóng vai trò định hướng nền tảng khi tiếp tục đặt ra nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên cho cả hệ thống chính trị là phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Chương trình số 06-CTr/TU cũng nêu rõ sự trọng tâm là xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy cơ quan nhà nước; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị văn hóa sâu sắc của Thăng Long – Hà Nội.

(Còn nữa…)

Phạm Thảo – Giang Nam / laodongthudo.vn