Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý. Trong đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách về phát triển y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Thành phố đang trực tiếp quản lý 41 bệnh viện trực thuộc; có 1 Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội thuộc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Mạng lưới y tế công cộng, dự phòng, phục vụ công tác dịch tễ, chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh gồm: 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và 579 trạm y tế xã, phường thuộc 30 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (trong đó, đã có 82,73% trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình)…
Các chính sách được đưa ra nhằm mục tiêu nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.
Khám sức khỏe miễn phí cho đoàn viên Công đoàn quận Thanh Xuân. |
Cụ thể, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định định hướng phát triển hệ thống y tế Hà Nội tiên tiến và hiện đại, theo mô hình ba cấp, phù hợp với quy mô dân số, địa bàn phục vụ, phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoài công lập; chuyển giao các cơ sở y tế do các bộ, ngành quản lý về cho Hà Nội quản lý để bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Dự thảo cũng đưa ra một số cơ chế ưu đãi phát triển y tế Thủ đô như: Cơ sở y tế công lập trên địa bàn Thủ đô được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong mua sắm, sửa chữa thực hiện theo quy định về mua sắm, sửa chữa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập.
Về cơ chế phát triển y học gia đình, giao Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình. Đồng thời, giao Chính phủ quy định việc phân bổ và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình trên địa bàn Thủ đô theo lộ trình do chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định về việc tổ chức khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội, được đảm bảo thực hiện từ ngân sách các cấp của thành phố Hà Nội, nguồn xã hội hóa và nguồn từ Quỹ bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp.
Phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội
Đáng quan tâm, Dự thảo quy định phân quyền cho Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội quy định: Tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại, cơ sở nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Thủ đô; lộ trình phát triển và quy định về tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viên công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, phân quyền cho UBND Thành phố quy định việc áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trên cơ sở kết quả đánh giá, thẩm định của Hội đồng thẩm định do UBND thành phố Hà Nội thành lập; giao chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh cho các cơ sở khám, chữa bệnh; phân cấp, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội.
Người dân làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh. |
Tại hội thảo “Phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho rằng, một số quy định về bảo hiểm y tế, chế độ chi trả khám chữa bệnh, định mức kinh phí còn bất cập, không phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội; cơ chế quản lý, hoạt động các cơ sở y tế còn chưa phù hợp, chưa phát huy tính tự chủ, trách nhiệm, phát huy tốt nguồn nhân lực của ngành y tế…
Vì vậy, Luật Thủ đô sửa đổi cần đưa ra được những cơ chế, chính sách đặc thù, ưu việt, giúp cho Thủ đô có cơ sở pháp lý để xây dựng, phát triển hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Còn theo PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào, Trường Đại học Y Hà Nội, thành phố Hà Nội cần xây dựng hệ thống chính sách về y tế một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến. Trong đó, Thành phố cần có các biện pháp ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp và các biện pháp khác để tăng cường xã hội hóa y tế, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại; các cơ sở nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ y tế, dược phẩm và trang thiết bị y tế…
Để xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức 15 cuộc họp, 3 hội thảo để góp ý trực tiếp vào từng nội dung cụ thể của dự thảo Luật, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo, xây dựng hồ sơ dự án Luật. Dự kiến, dự án Luật sẽ đươc trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).