Đẹp đô thị từ mái công trình…

Bên cạnh những khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, Hà Nội vẫn còn nhiều khu vực dân cư, tuyến phố có hình thái cảnh quan thiếu tính trật tự, thậm chí nhếch nhác, lộn xộn… Theo các chuyên gia quy hoạch, hiện trạng này chịu tác động lớn của một bộ phận kiến trúc quan trọng là mái công trình. Vì vậy, xác định việc giải quyết các vấn đề về mái công trình là một trong những điểm mấu chốt trong cải thiện bộ mặt đô thị của thành phố.

Đẹp đô thị từ mái công trình...
Mái các căn nhà được xây dựng đồng bộ về kích thước, màu sắc tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Đỗ Tâm

Muôn màu, muôn vẻ kiến trúc mái

Việc cải tạo nhà riêng lẻ, chung cư cũ hoặc công trình trên tuyến phố, đặc biệt đối với mái và các vật, thiết bị lắp đặt thêm trên công trình là tác nhân chính gây nên tình trạng lộn xộn cảnh quan đô thị hiện nay. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở khu vực nhà ở riêng lẻ thấp tầng tại khu vực đô thị hiện hữu, khu vực làng xóm trước đây đô thị hóa, nhà chung cư cũ bị cơi nới… Đặc biệt tại các tuyến đường như Vành đai 1, Vành đai 2 được xây mới, mở rộng qua khu dân cư đã ở ổn định, kiến trúc công trình hai bên đường hết sức lộn xộn, thiếu thẩm mỹ. Tình trạng sử dụng mái tôn “muôn màu, muôn vẻ” đã dẫn tới không bảo đảm tính tổng thể trên tuyến phố hoặc đoạn phố.

TS.KTS Lê Đình Tri, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) so sánh, nhìn hình ảnh từ trên cao, nếu ở nông thôn dù mái rạ, mái lá, hay mái ngói cổ đều gợi cảm giác yên bình, thân thiện, thì ở đô thị sẽ dễ cho cảm xúc ngược lại. “Nguyên nhân do sự tùy tiện trong xây dựng, cơi nới, tận dụng tối đa các loại vật liệu, cấu kiện nhằm tạo thêm không gian sinh hoạt cho các ngôi nhà đơn lẻ trong khu dân cư cũ. Tại đây, nhà tiếp nhà, mái chen chúc mái đến ngột ngạt…”, ông Lê Đình Tri nói.

Còn theo kiến trúc sư Trần Thanh Tùng, chuyên gia kiến trúc đô thị, câu chuyện mái nhà của Hà Nội đã trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm, gắn với sự phát triển quá nhanh, thậm chí thiếu kiểm soát. Trong quá trình phát triển ấy, những mái ngói “thâm nâu” trở thành bản sắc, di sản kiến trúc của khu vực 36 phố phường đã dần mất đi, thay bằng mái bằng, mái chóp với đủ loại kiến trúc ngoại lai. 20 năm trở lại đây, mái chóp cũng dần biến mất, thay vào đó là các loại mái tôn màu xanh, đỏ được ưu tiên thay thế do loại vật liệu này có nhiều công năng, tiện ích.

Đẹp đô thị từ mái công trình...
Những mái tôn “muôn màu, muôn vẻ”, đa dạng về kích thước trên các ngôi nhà tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Nguyễn Quang

Cần sớm chuẩn hóa kiến trúc đô thị

Để khắc phục tình trạng cảnh quan kiến trúc đô thị lộn xộn, manh mún, TS.KTS Lê Đình Tri đề xuất, thành phố có thể chọn một vài phố làm thí điểm, lập thiết kế đô thị theo quy định của Luật Kiến trúc. Việc tái thiết cảnh quan đô thị nên được phân loại theo cấp độ thực hiện, hướng tới mục tiêu chung là xanh – sạch – đẹp và đồng bộ; ưu tiên tăng mật độ cây xanh đô thị đến mức tối đa kể cả phần mái bằng.

Một giải pháp khác là Hà Nội nên sớm ban hành “Quy chế kiến trúc đô thị” đến từng tuyến phố, kể cả phố mới để bảo đảm không thay đổi hiện trạng đã xây dựng theo quy hoạch chi tiết, các dự án cải tạo, tái thiết, các khu ở xen cấy trong ranh giới đô thị đã hoàn thành; kiên quyết dẹp bỏ các không gian cơi nới của các hộ cố tình vi phạm quy định hiện hành về quản lý đô thị. Hà Nội cũng có thể tái lập thiết chế “Kiến trúc sư trưởng thành phố” với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn là kiến trúc làm trọng tâm, khác với mô hình kiến trúc sư trưởng như ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1992-2002.

“Để khắc phục, Hà Nội không chỉ quản lý xây dựng bằng không gian quy hoạch mà phải bằng thiết kế đô thị được chuẩn hóa, tiến tới “số hóa” từng tuyến phố, từng ngôi nhà với những quy chuẩn về chiều cao, màu sơn, thiết kế ban công và phần mái bởi quản lý đô thị là quản lý kiến trúc và mặt ngoài công trình”, kiến trúc sư Trần Thanh Tùng nêu quan điểm.

Dưới góc độ đơn vị quản lý, kiến trúc sư Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, mái tôn và các vật cơi nới là tiêu điểm, tác nhân chính gây nên tình trạng lộn xộn cảnh quan đô thị hiện nay. Vì vậy cần quy định các loại hình mái được thiết kế xây dựng và lắp đặt đồng bộ cùng hệ thống tường cột, có hình thức, kích thước, tỷ lệ, vật liệu và màu sắc bảo đảm phù hợp với phong cách, hình thức ngôi nhà và hài hòa với cảnh quan khu vực. Ngoài ra, cần bổ sung giải pháp xử lý các thiết bị đặt trên mái hoặc gắn vào công trình như bồn chứa nước và sắp xếp không gian ngăn nắp trên sân mái nếu có; chỉnh sửa và khắc phục, sắp xếp ngăn nắp các vật trên mặt đứng công trình…

“Quản lý kiến trúc mái là nội dung không mới, tuy nhiên lại chưa được đặt vấn đề hoặc nhắc tới trong hệ thống quản lý cũng như định hướng tư vấn lập quy hoạch, thiết kế đô thị, công trình. Do đó, nội dung này cần được xem xét và kiến nghị, định hướng nhằm hướng tới một Thủ đô có bộ mặt cảnh quan ngày càng văn minh hiện đại, đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống và hiện hữu”, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy nêu.

Theo https://nguoihanoi.com.vn/dep-do-thi-tu-mai-cong-trinh_272652.html