Chúng tôi trở lại Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày của các cựu tù binh Phú Quốc trong kháng chiến chống Mỹ ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) khi biết tin nơi đây vừa tiếp nhận một kỷ vật đặc biệt từ một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.
Tiếp chúng tôi, giọng run run, cựu chiến binh Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (cũng là cựu tù binh bị địch bắt tù đày tại nhà tù Phú Quốc) cho biết, Bảo tàng vừa tiếp nhận kỷ vật đặc biệt thiêng liêng từ một cựu chiến binh Mỹ được gửi qua đường bưu điện, đó là một lá cờ đỏ sao vàng thấm đẫm máu của bộ đội ta ở mặt trận Chu Lai (Quảng Nam). Cùng được gửi với lá quốc kỳ còn có một đôi dép cao su mà người lính Mỹ ngày ấy nhặt được đã mang theo về nước.
Tận mắt nhìn lá cờ đỏ sao vàng của hơn 50 năm về trước đang được đặt trang trọng trong tủ kính ở phòng trưng bày, nhìn những vết máu đã khô hằn trên đó, chúng tôi như thấy cả một thời đạn bom tàn phá quê hương, thấy những bước chân dồn dập của đoàn quân chiến thắng đánh đuổi kẻ thù, thấy những bóng người ngã xuống và thấy trên quốc kỳ một phần xương máu của cha ông.
Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày do các cựu tù binh Chiến tranh Phú Quốc thành lập, đi vào hoạt động chính thức từ tháng 11/2006 với ban đầu chỉ hơn 2.000 hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của các chiến sĩ. Cựu chiến binh Nguyễn Đình Quốc, xưa kia là chiến sĩ trên những con tàu không số đã làm nên một huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển, người hiện đang ngày ngày tham gia giới thiệu ở Bảo tàng cho biết: Sau 17 năm, với nỗ lực sưu tầm của các thành viên và sự hiến tặng từ cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ số hiện vật, kỷ vật, hình ảnh đã lên đến hơn 5.000, nhưng lá cờ tổ quốc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngoài là kỷ vật chiến tranh lá cờ còn tượng trưng cho chính nghĩa, tinh thần dân tộc quyết chiến, quyết thắng, cho ý chí sắt đá kiên quyết một lòng thống nhất giang sơn khiến cho ngay cả kẻ thù trên chiến trường cũng phải khiếp sợ. Họ mang lá quốc kỳ của chúng ta đi, họ cất giữ suốt hơn nửa thế kỷ qua và giờ họ gửi về trao trả- cựu binh Nguyễn Đình Quốc nói.
Thời gian đã hơn nửa cuộc đời, nhưng không chỉ người Việt Nam vẫn còn khắc khoải với những nỗi đau chiến tranh để lại mà ở phía bên kia chiến tuyến thủa nào, những cựu quân nhân Mỹ cũng chưa bao giờ cảm thấy bình yên bởi cuộc chiến phi nghĩa mà họ đã mang đến Việt Nam.
Gần 30 năm sau kể từ thời điểm đánh dấu quan hệ bình thường hóa giữa hai nước (7/1995) và 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ (7/2013), đã có rất nhiều cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam. Họ trở lại với một phần của sự tò mò về những con người của một đất nước tưởng như nhỏ bé lại có thể làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc đối đầu với họ. Họ trở lại bởi sự ân hận, thậm chí ám ảnh về những gì đã từng gây ra trên đất nước này và họ trở lại với những kỷ vật của người bộ đội Việt Nam mà họ đã lấy, đã mang theo về bên kia bán cầu từ hơn nửa thế kỷ qua. Những cựu chiến binh từng tham gia vào cuộc chiến ấy, cả ở hai phía, giờ nhiều người đã không còn nữa, người may mắn hơn cũng đang đi đến những năm tháng cuối của cuộc đời, họ đang cố gắng làm nốt những gì còn trăn trở, còn cảm thấy mình mang nợ để được chút đi gánh nặng trong lòng.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã thống nhất và dần cường thịnh nhưng những hy sinh mà các anh hùng liệt sĩ đã dâng hiến cho tổ quốc vẫn mãi không bị mờ đi. Máu của các anh đã nhuộm thắm thêm lá cờ tổ quốc; tên tuổi của các anh, xương thịt của các anh đã hòa với đất mẹ Việt Nam để trở thành bất tử./.
Hải Quỳnh
https://nguoihanoi.com.vn/dia-chi-do-giao-duc-truyen-thong-cach-mang-cho-the-he-tre-74098.html