Doanh nghiệp phục hồi nhanh nhờ chuyển đổi số

Hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, chuyển đổi số đã góp phần tích cực giúp cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.

Linh hoạt với từng mô hình kinh doanh

Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và không ít những thách thức. Vì vậy, chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển.

Doanh nghiệp phục hồi nhanh nhờ chuyển đổi số
Người dùng có thể sử dụng các dịch vụ của Be trên app Viettel Money. Ảnh: H.P

Tại Hội thảo “Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế” do Trung tâm sản xuất và phát triển Nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức mới đây, ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẳng định sự chủ động chuyển đổi số trong thời gian qua tạo hiệu quả rõ ràng.

“Chúng tôi triển khai hệ thống quản lý văn bản liên thông trực tuyến, hệ thống họp trực tuyến, hệ thống thông tin hỗ trợ quản trị/điều hành trực tuyến, hệ thống điều hành sản xuất trực tuyến,… đã giúp PVN ứng biến linh hoạt, hiệu quả với mọi biến động của môi trường, thị trường để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua và đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh như khi chưa có đại dịch cũng như giữ vững mức độ tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận của toàn Tập đoàn trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vừa qua”, ông Đỗ Chí Thanh nhấn mạnh.

Với PVN, để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác điều hành/chỉ đạo kịp thời và thông suốt là quan trọng nhất. Điều này giúp PVN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tăng trưởng đáng ghi nhận mặc dù đại dịch Covid-19 ngày càng khốc liệt trong các năm 2020, 2021.

Theo phân tích của ông Vũ Đình Thanh, chuyên gia Chuyển đổi số-khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ quyết định việc nhân rộng hoặc thay đổi quy mô doanh nghiệp. Nếu không có chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc nhân rộng mô hình, hoạt động kinh doanh.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Dữ liệu lớn, internet vạn vật, IoT, điện toán đám mây,… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp.

Mục đích mà các doanh nghiệp chuyển đổi số thường hướng tới bao gồm: Tăng tốc độ thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng. Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, giáo dục, truyền thông.

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ và gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số. Do đó, việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số một cách bài bản theo từng giai đoạn là yêu cầu cấp thiết để giúp doanh nghiệp có thể hiểu, vận dụng và quản trị thành công các chuỗi giá trị.

Đa dạng hóa dịch vụ thanh toán không tiền mặt

Ngân hàng số đang là một trong nhiều lĩnh vực chuyển đổi số mạnh mẽ nhất trong thời gian vừa qua. Tuy vậy, góp phần vào thành công đó là sự đóng góp của các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp về dịch vụ số, thanh toán số. Như tại VNPAY đang có khoảng 200 nghìn điểm chấp nhận thanh toán di động.

Do vậy, để đảm bảo các giao dịch an toàn và thành công, ngoài việc sử dụng nhân sự, doanh nghiệp này phải liên tục nâng cấp hệ thống tự động và ứng dụng công nghệ tối đa vào hầu hết các bộ phận. Vì thế trong năm vừa qua, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, năng suất lao động của doanh nghiệp vẫn không bị ảnh hưởng, thậm chí họ còn tăng cường nghiên cứu và cho ra thị trường những giải pháp thanh toán thông minh phù hợp với mọi lứa tuổi.

Ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc VNPAY – QR cho biết: “Ngoài việc mở rộng mạng lưới thanh toán thì chúng tôi cải thiện sản phẩm cho người dùng, mở rộng ngành hàng, thời gian tới chúng tôi có sản phẩm ví gia đình, thì người dùng có thể dễ dàng tạo ví phụ cho các thành viên trong gia đình”.

Các doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực đều không tránh được những tác động của đại dịch Covid-19. Tuy vậy, để vượt qua những khó khăn này, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp như: Kinh doanh trực tuyến, họp trực tuyến, mở tài khoản trực tuyến… để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Từ đó cho thấy, chuyển đổi số đã góp phần tích cực giúp cho mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp đã trở lại bình thường.

Gần đây, khách hàng của Viettel Money đã có thể sử dụng dịch vụ gọi xe, giao hàng trên ứng dụng Be với ưu đãi 20% (tối đa 50.000 đồng) cho beBike, beCar. Việc tích hợp Viettel Money trên ứng dụng Be cho phép hơn 20 triệu khách hàng của hệ sinh thái thương mại, tài chính số được hưởng lợi từ các dịch vụ đặt xe (beBike, beCar, beTaxi), dịch vụ giao hàng (beDelivery), giao đồ ăn (beFood) với 300.000 tài xế cùng 11.000 quán ăn, nhà hàng hoạt động khắp ba miền.

Theo hai đơn vị, việc hợp tác hướng tới đa dạng hóa dịch vụ trong hệ sinh thái Viettel Money, mang tới cho khách hàng những dịch vụ với phương thức thanh toán trực tuyến qua nền tảng.

Nhờ hạ tầng mạng lưới, hệ thống điểm kinh doanh, điểm chấp nhận thanh toán cùng phương thức sử dụng chỉ với một số điện thoại, Viettel Money cũng cho phép người dùng của Be có cơ hội tiếp cận hơn 300 tính năng, tiện ích, thêm sự lựa chọn trong việc thanh toán không tiền mặt.

Viettel Money là hệ sinh thái tài chính số có hơn 300 tiện ích được cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi khách hàng về mua bán, chuyển tiền, đầu tư, bảo hiểm, thanh toán các dịch vụ trong cuộc sống… Điểm đặc biệt của nền tảng này là có thể hỗ trợ thanh toán bằng tài khoản di động.

Trong khi đó, khởi đầu từ một ứng dụng gọi xe, sau hơn ba năm, Be Group đã tạo ra hệ sinh thái dịch vụ của mình từ gọi xe, giao hàng, giao đồ ăn… cho đến mua vé máy bay, vé xe khách, mua bảo hiểm, gói cước di động, thậm chí là mua vé số… trên cùng một ứng dụng.

Tốc độ phát triển mạnh mẽ và thói quen tiêu dùng thay đổi sau Covid-19 được xem là cơ hội cho để thanh toán số tiếp cận gần hơn đến từng đối tượng khách hàng, qua đó góp phần mở rộng hệ sinh thái thanh toán, nhất là khi các tiện ích đó đang được ngày càng phát triển thông qua căn cước công dân gắn chip./.

H.Phong