Giữ nghề truyền thống
Đến Linh Chiểu, xã Sen Phương, đi khắp ngõ xóm, đâu đâu cũng rộn rã tiếng máy xay bột, khuấy bột làm đậu, làm bánh… Ông Đỗ Văn Hồng, một hộ dân làm bún ở Linh Chiểu cho biết: “Gia đình tôi đã 3 đời làm bún. Trung bình mỗi ngày tôi sử dụng 1 tạ gạo tẻ để làm ra 2,5 tạ bún tươi. Nhà tôi làm nhiều loại bún rối, bún con, bún sợi to, sợi nhỏ… để bán buôn cho tiểu thương bán lẻ tại chợ Săn, huyện Thạch Thất…”.
Để tạo ra những sợi bún ngon, mỗi gia đình ở Linh Chiểu đều có bí quyết riêng, từ khâu chọn gạo, xay bột, ngâm bột… Anh Phùng Văn Luận, thôn Linh Chiểu chia sẻ: “Ngày nay, đa số các hộ làm bún đưa máy móc vào sản xuất, chính vì vậy mà chất lượng, sản lượng đều tăng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nếu làm thủ công, một gia đình chỉ làm được vài chục kilôgam bún/ngày, nhưng có máy móc hỗ trợ, chỉ cần 2-3 lao động làm được cả tấn bún/ngày. Gia đình tôi đã đầu tư cả trăm triệu đồng để mua sắm thiết bị máy móc. Hiện nay, việc vo gạo, xay bột, vắt, giã bột, làm bún… đều được thực hiện bằng máy, đỡ nặng nhọc hơn trước rất nhiều…”.
Cùng với nghề làm bún, người Linh Chiểu còn khéo léo làm đậu phụ. Theo các cụ cao niên trong làng, đậu, bún, bánh làng Linh Chiểu ngon do người dân có kinh nghiệm, kỹ thuật cao trong chế biến. Hơn nữa, nước làm đậu phụ, làm bún của làng Linh Chiểu lấy từ mạch ngầm, sâu dưới lòng đất làm cho sản phẩm ở đây trở nên ngon, khác biệt hơn.
Nói về công đoạn để có được những miếng đậu phụ thơm ngon, những người làm đậu phụ lâu năm tại Linh Chiểu cho biết, trước tiên phải lựa loại đậu tương khô đều hạt, tròn mẩy. Đậu được ngâm trong nước sạch, ngấm vừa đủ nước. Nếu ngâm quá lâu, hạt đậu sẽ bị lên men làm cho miếng đậu mất vị thơm, bùi, béo, dẻo. Để đậu phụ có màu vàng óng, người làm đậu chế thêm vài củ nghệ tươi khi xay hạt đậu vừa giúp màu đẹp, vừa lành mà không kém phần bổ dưỡng… Đậu phụ vàng làng Linh Chiểu có thể ăn nóng ngay khi lấy từ khuôn ra hoặc rán, nướng đều ngon…
Nghề làm bánh tẻ ở Linh Chiểu cũng giúp nhiều hộ gia đình có của ăn, của để. Như gia đình anh Khuất Văn Khương mỗi ngày làm 300-400 bánh tẻ, bán buôn cho các mối quen, thu nhập ổn định.
Ngoài ra, khi nhắc đến Linh Chiểu là nhắc tới đặc sản rau muống tiến vua. Rau muống ở đất này có hương vị đặc biệt vì được trồng trên vùng có mạch nước sủi và dải đất phù sa màu mỡ từ sông Hồng. Rau có ngọn to, ăn giòn, vị ngọt… Rau luộc, xào tỏi, làm nộm đều ngon. Có lẽ nhờ vậy mà rau đặc sản của Linh Chiểu là thực phẩm ưa thích của người sành ăn, giúp người trồng rau ổn định cuộc sống.
Phát triển trong cơ chế thị trường
Theo Chủ tịch UBND xã Sen Phương Nguyễn Văn Tín, nghề truyền thống làm bánh, bún, đậu phụ, trồng rau muống ở làng Linh Chiểu có từ lâu đời. Từ năm 2001, làng Linh Chiểu đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Sản phẩm có tiếng khắp vùng quê của xứ Đoài và có mặt ở nhiều siêu thị, sạp rau an toàn trong khu vực nội thành và vùng lân cận, trở thành món ăn đặc sản của vùng quê Phúc Thọ nói chung và Sen Phương nói riêng. Hiện nay, làng Linh Chiểu có 1.100 hộ dân thì có 225 cơ sở với gần 500 lao động duy trì, phát triển nghề làm bún, bánh, đậu phụ. Mỗi năm, làng nghề mang lại giá trị sản xuất gần 500 tỷ đồng. Xã đang tập trung hoàn thiện các thủ tục để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho người dân.
Đối với rau muống tiến vua cả xã tiếp tục duy trì hơn 20ha. Rau muống tiến vua được người dân tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể, doanh trại quân đội và thị trường trong, ngoài huyện. Xã đang tuyên truyền đến người dân hoàn thiện sản phẩm để tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố…
Việc tập trung phát triển làng nghề truyền thống đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt hơn 57 triệu đồng/ người/ năm. Để phát huy thế mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm truyền thống của làng nghề, xã Sen Phương đang tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các công ty, doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Với những biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực của địa phương cùng sự nỗ lực của người dân, tin rằng các sản phẩm của làng nghề Linh Chiểu sẽ ngày càng phát triển, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp…