Giữ bản sắc và những cách ứng xử

Không thể phủ nhận, chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại diện mạo mới cho các làng quê. Cơ sở hạ tầng khang trang hơn, đời sống tinh thần và vật chất của người dân được cải thiện, nhưng cũng không tránh khỏi những nguy cơ mai một. Để xây dựng và giữ gìn văn hóa trên nền tảng nông thôn mới, mỗi một địa phương lại có cách “ứng xử” của riêng mình.

Sinh thời Bác Hồ khi làm hàng rào thay cho tường gạch xây thường nhắc nhở nên trồng hàng dâm bụt, vừa tạo màu xanh mát lành, vừa làm thức ăn chăn nuôi đàn dê, đàn thỏ, hoa của nó có thể làm thuốc chữa bệnh, khi xuân về hoa nở tạo thêm cảnh đẹp cho thôn quê.

Bài 3: Ứng xử với làng
Làng quê tuy có “bê tông hóa” nhưng người dân vẫn đoàn kết một lòng vì một nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Ngày nay, bên cạnh những vùng nông thôn vẫn còn giữ được nét xưa, lề lối xưa, thì còn có không ít làng quê bị “bê tông hóa” đã “xóa” đi những bờ rào, những hàng cây ăn quả, cây xanh… khiến vẻ đẹp mềm mại của làng quê dần trở nên mờ nhạt. Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình ngày xưa tạo sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị ở nhiều nơi đã biến mất. Nhiều vùng nông thôn đang trong cơn say bê tông hóa, đô thị hóa vội vã… Nhiều sân đình, nhà văn hóa thôn vắng bóng vì không có ai sinh hoạt cộng đồng…

Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là một trong 8 chương trình lớn của Thủ đô nhiệm kỳ XVI Đảng bộ Thành phố. Đây là chủ trương đúng đắn của Hà Nội để trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, xứng tầm với vị thế là Thủ đô của đất nước.

Ông Trần Quang Huy – Bí thư Chi bộ thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ chia sẻ: “Nếu như Chương trình 02 -CTr/TU của Thành ủy Hà Nội mang lại cho nông thôn một bộ mặt mới, thì Chương trình 04 lại tô điểm và và làm mềm mại hình ảnh những người nông dân tronhg bức tranh của nông thôn mới. Khi có Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng thì ở thôn An Vọng chúng tôi bà con nhân dân đón nhận với tinh thần hết sức phấn khởi. Từ việc tuyên truyền tốt, nhân dân hồ hởi đón nhận cho nên diện mạo nông thôn thay đổi từ truyền thống đến văn hóa hiện đại, tạo nên chất keo kết dính tình người, hàng xóm…

Bài 3: Ứng xử với làng
Cây đa, giếng nước, sân đình vẫn còn vẹn nguyên giữa lòng phố thị.

Thôn An Vọng nhiều năm nay luôn đạt tỷ lệ Gia đình văn hóa trên 96%. Tỷ lệ Gia đình văn hóa nói lên chất lượng con người, vì văn hóa chính là con người, con người bao trùm tất cả những gì văn hóa nhất, đẹp đẽ nhất. Để phát huy những giá trị tốt đẹp, chúng tôi đã thành lập đội tuyên truyền, thậm chí còn sáng tác những bài hát về Bộ quy tắc ứng xử và thực hiện những tiểu phẩm để tuyên truyền văn hóa trong dân cư.

Văn hóa dân tộc mà bị mai một không được giữ gìn phát triển thì tinh thần của những con người ở địa phương ấy sẽ đi về đâu? Như phụ nữ Việt Nam mà mất đi tà áo dài thì sẽ ra sao? Mùng một, hôm rằm mà không có lễ thì bản sắc tâm linh đi về đâu?

Ở thôn chúng tôi, trừ những hôm mưa to gió lớn, sân nhà văn hóa tối nào cũng rộn ràng chị em phụ nữ sinh hoạt văn hóa, thanh niên chơi bóng chuyền, trò chuyện giao lưu… cuộc sống hết sức yên bình. Cũng nhờ văn hóa, nền tảng tinh thần được phát triển, ngược lại, nền tảng tinh thần phát triển lại thúc đẩy văn hóa. Vì thế, dù bê tông hóa đến đâu, mỗi người dân cũng luôn lấy xã hội làm nền tảng để xây dựng nông thôn mới. Mỗi người dân phải xác định là chủ thể để xây dựng văn hóa, nông thôn mới trên chính quê hương mình”.

Bài 3: Ứng xử với làng
Nông nghiệp Hà Nội phải trở thành một nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

Còn tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, ông Nguyễn Duy Nhu – Chủ tịch xã cho biết, xã đã triển khai tổ chức các hội nghị tuyên truyền về quy tắc ứng xử; in biển hiệu nơi công cộng, đặc biệt là nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, lấy ý kiến người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách của Nhà nước để tạo sự đồng thuận của nhân dân. Các thôn cũng lồng ghép hương ước, quy ước với giữ gìn bảo tồn văn hóa, cách ứng xử đối với cộng đồng để làm thay đổi nhận thức của người dân, lan tỏa những hành động đẹp.

“Xã về đích nông thôn mới từ 2015 trước khi có hai Bộ quy tắc ứng xử. Sau khi có hai Bộ quy tắc ứng xử, xã đã có những định hướng mới về phát triển văn hóa gắn với phát triển nông thôn mới và phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Xã cũng thực hiện nhiều công trình, phần việc, kế hoạch bằng nguồn xã hội hóa từ sự đồng lòng, ủng hộ của người dân”, ông Nguyễn Duy Nhu cho biết.

Ông Đỗ Văn Cường – Phó Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Thanh Oai cũng khẳng định, cho đến nay, đời sống văn hóa của người dân huyện được nâng lên rõ nét, dù nhiều gia đình vẫn phải vất vả mưu sinh. Tuy nhiên, truyền thống văn hóa chịu thương chịu khó của người dân vẫn còn đó dù cuộc sống có hiện đại hơn, văn minh hơn. Nét văn hóa ấy thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, trong lễ cưới, lễ tang, trong cả việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, làm đẹp bộ mặt nông thông mới…

Tôn vinh nét đẹp trong văn hóa, truyền thống nghề nghiệp của những con người, vùng đất nên thơ của Hà Nội, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến câu ca dao “Xứ Đoài là đất trăm nghề/Đi buôn làm thợ đề huề tinh tươm” và đề nghị thành phố Hà Nội cần tiếp tục làm nhiều việc nữa để bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa khu vực nông thôn.

Thủ tướng yêu cầu nông nghiệp Hà Nội phải trở thành một nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Phải tiếp tục xây dựng vùng nông thôn xanh, đẹp, một miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh đất trăm nghề gắn với các lễ hội, nét đẹp văn hóa, để cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng tạo nên không gian du lịch hấp dẫn trong một bức tranh tổng thể phát triển Thủ đô.

Bảo Thoa / laodongthudo.vn