Nghị quyết số 15-NQ/TW nêu rõ, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Trên cơ sở tổng kết, bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội.
Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nội tổ chức tổng kết thi hành Luật Thủ đô. |
Nghị quyết giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo sửa đổi Luật Thủ đô và một số luật có liên quan theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, trong đó lưu ý đến việc chủ động nguồn thu, nhiệm vụ chi nhằm ưu tiên hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển, bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Đồng thời, giao Ban cán sự đảng Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Thủ đô sửa đổi. Xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù và phân cấp cho chính quyền Thủ đô Hà Nội thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, dân cư, tổ chức bộ máy, biên chế…
Từ thực tiễn quản lý, trong Chương trình hành động số 16-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, Thành ủy Hà Nội xác định “phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, cụ thể định hướng nghiên cứu, đề xuất theo 3 nhánh gồm: Thể chế; cơ chế, chính sách và cơ chế phân cấp, phân quyền”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Tăng cường phân quyền, phân cấp
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng, các cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô chưa phát huy được hiệu quả, tác động khá khiêm tốn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô và còn nhiều vấn đề chưa thực sự được giải quyết bằng quy định của Luật Thủ đô. Những bất cập, vướng mắc về thể chế nói chung đang làm chậm tiến trình phát triển, xây dựng Thủ đô.
|
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô và các văn bản liên quan nhằm tạo thể chế chất lượng cao để phát huy đúng mức tiềm năng, vị thế, vai trò của Thủ đô cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Xác định rõ cần sớm gỡ các “điểm nghẽn” này, thành phố Hà Nội đã luôn chủ động, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, phối hợp với các bộ, ngành chức năng để xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp. Từ ngày 1/7/2021, Thành phố cũng thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây.
Ngày 27/7/2022, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND về tổ chức hội thảo, tọa đàm, khảo sát, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về Thủ đô và tham vấn việc xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Song song với việc tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô trên địa bàn Hà Nội, thành phố Hà Nội đã tham gia Đoàn công tác của Bộ Tư pháp, khảo sát tình hình thi hành Luật tại một số tỉnh trong Vùng Thủ đô như Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, ghi nhận các kiến nghị của các tỉnh về việc sửa đổi Luật Thủ đô.
Đồng thời, giao Sở Tư pháp tổ chức nghiên cứu, đánh giá độc lập chuyên sâu các quy định của Luật Thủ đô, các văn bản hướng dẫn thi hành; tổng hợp, phân tích các tham vấn, đề xuất về chính sách và dự kiến sự tác động của chính sách đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Từ tháng 8/2022 đến nay, UBND Thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức gần 10 cuộc hội thảo chuyên đề với sự tham gia của hàng trăm nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chính trị – xã hội, các đối tượng tác động. Từ đó ghi nhận các tham luận, thảo luận đánh giá thực trạng thi hành Luật Thủ đô và pháp luật có liên quan, chỉ ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập để củng cố cơ sở thực tiễn, lý luận trong việc kiến nghị xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật về Thủ đô.
Nghị quyết 15-NQ/TW đặt mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng. (ảnh: NC) |
Chủ trì các cuộc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, các tham luận, góc nhìn đa chiều, ý kiến góp ý, kiến nghị, đề xuất chính sách tại các cuộc hội thảo đều được ghi nhận khách quan, đầy đủ. Đồng chủ trì các cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm, sự chủ động của thành phố Hà Nội trong phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng đề nghị sửa đổi Luật Thủ đô. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng cho biết, các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… đều sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện tình cảm với Hà Nội, khẳng định sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đề xuất 9 nhóm chính sách cơ bản sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô
Với sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, từ thực tiễn quản lý, xây dựng phát triển Thủ đô, thi hành Luật Thủ đô, thí điểm mô hình chính quyền đô thị… Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố Hà Nội đã nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất 9 nhóm chính sách cơ bản để sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô.
Luật Thủ đô sẽ được sửa đổi theo định hướng tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới; tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thành phố nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Người dân vui chơi tại phố đi bộ. (ảnh: Quang Linh) |
Đồng thời, lựa chọn các cơ chế, chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp với vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, phù hợp điều kiện thực tiễn và mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” để hướng đến 4 định hướng trụ cột lớn: Chính quyền đô thị; Cơ chế tài chính ngân sách và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển Thủ đô và Vùng Thủ đô; Phát triển đô thị – nông thôn; Phát triển văn hóa – xã hội và khoa học – công nghệ. Bên cạnh đó, tạo thể chế thuận lợi không chỉ cho Thủ đô mà cả Vùng Thủ đô và các đối tác tham gia xây dựng Thủ đô…
Chủ trì Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đồng tình với 9 định hướng chính sách lớn trong xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mà thành phố Hà Nội đề xuất. Đồng thời, ông đề nghị UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới theo mục tiêu mà Nghị quyết 15-NQ/TW đã đề ra…
Sau gần 7 tháng Nghị quyết số 15-NQ/TW được ban hành, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ, bài bản khối lượng lớn các công việc để triển khai thi hành nghị quyết hiệu quả.
Tuy nhiên, để nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, còn phải có cơ chế pháp lý phù hợp, khả thi, cũng như sự chung tay của các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đúng như chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW: “Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, nếu nhịp đập đều, khỏe thì cả nước sẽ phát triển mạnh mẽ. Vì thế, các ban, bộ, ngành cần có trách nhiệm chung trong việc xây dựng cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ nguồn lực phù hợp để Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.
Phương Thảo
Kỳ 3: “Gỡ vướng” cơ chế để Thủ đô phát huy được tiềm năng, thế mạnh (laodongthudo.vn)