‘Hà Nội 1967-1975’ qua những bức ảnh

Sách ảnh “Hà Nội 1967-1975” đưa những khoảnh khắc của thủ đô từ nửa thế kỷ trước đến với bạn đọc một cách chân thực, sống động.

Chỉ sau khoảng một tháng kể từ khi ra mắt ấn phẩm đầu tiên, cuốn Hà Nội 1967-1975 đã được tái bản do nhu cầu lớn từ độc giả.

Trong khuôn khổ triển lãm ảnh Hà Nội 1967-1975 tại Manzi Exhibition Space, Viện Goethe cùng Camera Work, Nhã Nam và Manzi phối hợp tổ chức buổi ra mắt sách và tọa đàm về Hà Nội trong giai đoạn 1967-1975 vào giữa tuần qua.

Sự kiện này có phần giao lưu trực tuyến với Thomas Billhardt, nhiếp ảnh gia nổi tiếng, tác giả của những bức ảnh sống mãi với thời gian.

Không gian triển lãm tại Manzi Exhibition Space. Ảnh: Manzi.

Bên cạnh đó, nhiều khách mời đặc biệt cũng tham gia cùng chương trình: Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Đỗ Phấn (người viết lời dẫn cho sách) và dịch giả Lê Quang – những người đã đi qua thời kỳ gian khó không thể quên này của Hà Nội.

Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe, phát biểu cảm nghĩ của mình về cuốn sách ảnh Hà Nội 1967-1975 cũng như thay mặt Thomas Billhardt gửi lời cảm ơn tới các đơn vị tổ chức, độc giả cùng khách mời có mặt trong chương trình.

Theo ông Wilfried Eckstein, vào thời điểm bức tường Berlin còn tồn tại, Thomas Billhardt là một trong những người hiếm hoi nhận được sự tin tưởng, thường xuyên được cử đi nước ngoài.

Nhờ vậy, Thomas Billhardt có cơ hội để tiếp xúc, nhìn tận mắt niềm vui, nỗi buồn và sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh ở nhiều nơi trên thế giới. Thomas coi chuyến đi tới Việt Nam là một sự kiện lớn trong đời. Bởi chính từ đây, ông mới hiểu rõ vai trò của mình, là phóng viên ảnh.

Trong những lần đến Hà Nội sau khi chiến tranh kết thúc, Thomas Billhardt rất nỗ lực tìm lại những nhân vật trong ảnh của mình. Ảnh: Manzi.

Viết sử bằng hình ảnh

Thomas nhận thức rõ ràng rằng đây không đơn thuần là chuyến đi chụp ảnh chỉ để lấy tài liệu, mà ông phải thực sự đồng cảm, đứng về phía lẽ phải. Nhiệm vụ của ông là đem đến cho thế giới cái nhìn chân thực về chiến tranh và nỗi thống khổ mà những người dân bình thường phải hứng chịu.

Cuốn sách đã đem những khoảnh khắc Hà Nội nửa thế kỷ trước trở lại hiện tại; đó là một Hà Nội sinh động trong giai đoạn 1967-1975.

Những bức ảnh chụp Việt Nam, chụp Hà Nội thời chiến nhưng hiện ra lại là cuộc sống bình thường của người dân. Họ vừa lao động sản xuất vừa rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Tất nhiên, dưới góc nhìn nhiếp ảnh của Thomas Billhardt, sự khắc nghiệt của chiến tranh vẫn hiện ra rõ nét, dù cho các địa điểm ông tác nghiệp phần lớn ở khu dân cư.

Sau khi chiêm ngưỡng cũng như làm việc trực tiếp với cuốn sách ảnh Hà Nội 1967-1975, nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn không khỏi bồi hồi nhớ lại kỷ niệm về Hà Nội cách đây nửa thế kỷ. Giai đoạn đó, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác ở miền Bắc, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Ông chia sẻ nhiều câu chuyện về không khí chiến tranh lúc bấy giờ cũng như lý giải việc tại sao chúng ta không có được một bộ ảnh nào về Hà Nội đầy đủ, đồ sộ như Thomas Billhardt. Nguyên nhân chính của điều này đến từ những thiếu thốn vật liệu ảnh trong thời chiến, từ máy ảnh, đến phim chụp, giấy tráng…

Với nhà văn Đỗ Phấn, cuốn sách Hà Nội 1967-1975 đã làm được một điều đặc biệt: Sách ảnh của riêng một cá nhân nhưng ghi lại được một cách đầy đủ, có hệ thống những hình ảnh về con người, kiến trúc, sinh hoạt của người dân Hà Nội.

Có thể nói, những bức ảnh của Thomas Billhardt đều là tác phẩm có tính thời đại rất lớn. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói: Có nhiều cách để ghi lại lịch sử. Đối với nhiếp ảnh gia, họ viết sử bằng ống kính máy ảnh, bằng chính những bức ảnh có tính thời đại của mình.

Muốn đưa ấn tượng về Việt Nam ra thế giới

Tác giả Thomas Billhardt kết nối với buổi tọa đàm thông qua hệ thống trực tuyến. Ông chia sẻ nhiểu cảm nhận, suy nghĩ của mình về Hà Nội, cả giai đoạn 1967-1975 và sau này.

Năm 1999, Thomas Billhardt quay trở lại Việt Nam. Sau khi xuống sân bay, ông lên taxi đi tới khách sạn. Trên đường đi, Thomas bị bất ngờ về những thay đổi của nơi đây.

Trong đầu ông lúc đó, hình ảnh của Hà Nội gần 30 năm trước vẫn hiện ra. Nhưng cảnh vật mà Thomas bắt gặp xung quanh lại hoàn toàn lạ lẫm, giống như cách nói của người Đức: “Tôi đã xem nhầm bộ phim rồi”.

Ông còn làm một bộ phim ngắn có tên Iced Lemonade for Hong Ly kể vể hành trình tìm lại nhân vật Hồng Lý. Ảnh: Manzi.

Thomas Billhardt chia sẻ rằng khi đó, ông tưởng mình đã đến một nơi nào đó khác chứ không phải địa danh thân thuộc kể từ lần cuối ông rời đi năm 1975.

Xung quanh ông là những tấm biển quảng cáo rực rỡ, các quán đồ ăn nhanh, có rất nhiều xe máy trên đường… Những điều này khác hẳn so với ký ức của Thomas. Việt Nam đã phát triển hơn rất nhiều.

Thomas Billhardt nói: “Tôi nhận thấy nhiệm vụ của mình là phải tiếp tục trưng bày những tấm ảnh chụp Việt Nam để cả thế giới biết được Việt Nam thực sự như thế nào. Để họ hiểu, yêu Việt Nam như chính tôi yêu Việt Nam. Người dân nơi đây vô cùng hiếu khách và rất chăm chỉ. Tôi muốn đưa ấn tượng đó ra toàn thế giới”.

Hứa Mộc/zing