Hà Nội phát huy giá trị danh hiệu ‘Thành phố vì hòa bình’, hướng tới ‘Thành phố sáng tạo’

Ngày 13-7-2019, Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu ‘‘Thành phố vì hòa bình”. 20 năm qua, Hà Nội đã chứng minh hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu đó. Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để phát triển kinh tế, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, tích cực hội nhập quốc tế, nhằm không ngừng phát huy giá trị của danh hiệu cao quý này.

Giữ gìn và phát huy danh hiệu ‘Thành phố vì hòa bình’

Ngày 16/7/1999, Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, do đã đáp ứng được các tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng; Xây dựng đô thị; Giữ gìn môi trường sống; Thúc đẩy phát triển văn hóa – giáo dục; Chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ… Thủ đô Hà Nội luôn tự hào về danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” và không ngừng nỗ lực vươn lên, giành được những thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng, hội nhập và đối ngoại,…

Trong 20 năm qua, nhiều mục tiêu, chương trình, công trình đã được hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 15/NQ/QH12, ngày 29/5/2008 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan” (có hiệu lực từ 1/8/2008), đã tạo thế và lực mới cho Hà Nội phát triển với diện tích 3.344,7km2, gấp 3,6 lần diện tích cũ, 29 đơn vị hành chính trực thuộc, dân số hơn 6 triệu người (hiện nay là 30 quận, huyện, thị xã). Nhiều vấn đề, công việc phát sinh khi mở rộng địa giới hành chính đã được thành phố xử lý phù hợp, hiệu quả, tạo sức phát triển mạnh mẽ cho Thủ đô. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, hiệu lực hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị ngày càng được nâng cao. Đến nay, chỉ số PAPI của Hà Nội đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố; chỉ số Par Index đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, hàng loạt công trình tiêu biểu như: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường Vành đai 3 và Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 2, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài,… đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. 10 năm gần đây, kinh tế Thủ đô tăng trưởng bình quân 7,61%. Bên cạnh nâng cao hiệu quả giải quyết ùn tắc giao thông, các vấn đề liên quan trực tiếp tới dân sinh như cấp, thoát nước, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường luôn được thành phố đặc biệt quan tâm, bảo đảm chất lượng sống cho người dân. Chương trình 1 triệu cây xanh về đích trước 2 năm không chỉ tạo cảnh quan đô thị mới mà còn góp phần nâng cao chất lượng không khí trong thành phố…

Đáng ghi nhận, bộ mặt ngoại thành, đời sống người dân nông thôn đã có bước chuyển mạnh mẽ thông qua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2018 đã có 324/386 xã về đích xây dựng nông thôn mới. Với những kết quả tích cực đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, xuống còn 1,16%, về đích trước 2 năm chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra. Khoảng cách mức sống giữa các quận nội thành với các huyện được thu hẹp, thành phố không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng có thay đổi rõ rệt. Các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị. Tính đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể với quy trình chặt chẽ, khoa học từ lập hồ sơ đến cập nhật thông tin mới. Đồng thời, là nơi đầu tiên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội triển khai Chương trình giáo dục di sản trong nhà trường đồng thời cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước vinh danh.

Với  5922 di tích và gần 1793 di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội đang sở hữu 1 Di sản thế giới; 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; 1 di sản tư liệu do UNESCO ghi danh. Hà Nội có 17 di tích, cụm di tích Quốc gia đặc biệt, gần 1182 di tích cấp Quốc gia, 18 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hơn 1.202 di tích cấp Thành phố… Những con số trên là minh chứng sống động về những thay đổi mạnh mẽ của thành phố trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa trong 20 năm qua, tiếp tục hướng tới, nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu vì con người, đời sống người dân, những tiêu chí danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” mà Hà Nội đã đạt được năm 1999.

Bên cạnh đó, tình hình chính trị, an ninh ổn định, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần được nâng lên, khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, du khách quốc tế chọn Hà Nội là điểm đến. Nhiều trang web, tạp chí du lịch đánh giá, xếp Hà Nội là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới với sự thân thiện của con người, đẹp về cảnh quan, đặc sắc về văn hóa và  đa dạng về ẩm thực. Đặc biệt, tháng 2/2019, Hà Nội đã được Hoa Kỳ và Triều Tiên chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2  Tất cả khẳng định, sức hấp dẫn từ sự phát triển ổn định, khẳng định niềm tin vào Hà Nội – Thành phố Vì hòa bình.

20 năm sau khi được UNESCO trao tặng danh hiệu “Hà Nội – Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội tiếp tục nỗ lực chuyển mình, không chỉ là thành phố năng động, mà còn tạo dựng được môi trường sống yên bình, cởi mở, phát triển. Sau 20 năm, danh hiệu cao quý này vừa là động lực, vừa là thách thức để Hà Nội phấn đấu không ngừng, chung tay góp sức vì một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho tương lai.

Hướng tới “Thành phố sáng tạo”

Ngày 11/6/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND xây dựng hồ sơ “Hà Nội – Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” để trình UNESCO công nhận vào cuối năm 2019. Đây được xem sẽ là bước tiến mới trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá thương hiệu của Thủ đô.

ảnh:Lê Ngọc Huy

Việc xây dựng hồ sơ “Hà Nội – thành phố sáng tạo” là cơ sở để Hà Nội có cơ hội tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trở thành một trong những điểm đến của tri thức và sáng tạo trên toàn thế giới; thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước.

Kế hoạch này xuất phát từ đề xuất của các chuyên gia trong nước. Tại hội thảo “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” diễn ra gần đây, các chuyên gia đã đề xuất cần có trọng điểm phát triển thương hiệu sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam từ việc xây dựng thương hiệu Hà Nội – Thủ đô, “Thành phố sáng tạo” của khu vực; thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO. Đề xuất của các chuyên gia trong nước và quốc tế tại hội thảo này đã nhận được sự ủng hộ của đại diện lãnh đạo thành phố, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, hình mẫu chung cho một thương hiệu thành phố sáng tạo trên thế giới gồm: Cơ sở hạ tầng văn hóa đô thị; Hình thành “thương hiệu thành phố” mới trong các ngành công nghiệp văn hóa; Sức hấp dẫn văn hóa (các di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể, các sự kiện văn hóa đương đại); Thói quen tiêu dùng văn hóa mới trong giới trẻ và tầng lớp trung lưu; Thúc đẩy sự phát triển của mọi tầng lớp lao động, tạo sự thăng hoa cho tầng lớp sáng tạo. Với bề dày văn hóa hàng ngàn năm, Hà Nội vừa thừa hưởng những cơ sở hạ tầng văn hóa mang tầm vóc khu vực từ thời Pháp thuộc, đồng thời chú trọng đầu tư xây mới hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa có khả năng thúc đẩy sự xuất hiện các trung tâm sản xuất công nghiệp văn hóa làm thay đổi cơ cấu kinh tế thành phố.

Theo Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Michael Croft: Không phải thành phố nào cũng có thể trở thành “Thành phố sáng tạo”, nhưng Hà Nội có nền tảng cho việc này. Việc tham gia vào mạng lưới “Thành phố sáng tạo” sẽ có lợi cho sự phát triển và khi đó Hà Nội sẽ là một thành phố kiểu mẫu cả trong nước và khu vực.

Ra đời từ năm 2014, đến nay, mạng lưới “Thành phố sáng tạo” đã ghi nhận 180 thành phố đến từ 72 quốc gia tham gia. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, 6 thành phố được ghi danh gồm Chiang Mai, Phuket (Thái Lan); Bandung, Pekalongan (Indonesia) và thành phố Singapore của Singapore… đều là những thành phố năng động, có bản sắc và biết phát huy “sức mạnh mềm” của văn hoá.

Hà Nội – ảnh Nguyễn Thái Thạch

Ở Việt Nam, tuy khái niệm ‘Thành phố sáng tạo’ còn khá mới mẻ nhưng các chuyên gia cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng các tiêu chí để tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Hà Nội có cơ sở hạ tầng văn hóa tốt, nhiều công trình được thừa hưởng từ thời Pháp thuộc mang tầm khu vực; thành phố chú trọng xây dựng hạ tầng văn hóa, có hệ thống bảo tàng đa dạng bậc nhất Việt Nam, hệ thống rạp hát, rạp chiếu phim mới, hiện đại… Vẻ đẹp của thành phố và đời sống văn hóa phong phú đã thu hút các doanh nghiệp, nghệ sĩ, người tiêu dùng văn hóa và khách du lịch. Thành phố đã tận dụng những giá trị văn hóa để phát triển du lịch; từng bước hình thành thói quen tiêu dùng mới, gắn với văn hóa. Hà Nội cũng là nơi có những không gian sáng tạo, tạo cơ hội cho những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo phát huy khả năng.

Tuy nhiên, từ tiềm năng đến thực tế vẫn còn những khoảng cách. Trong đó, Hà Nội còn thiếu cơ chế hỗ trợ về vốn, đất đai, đào tạo nguồn lực, hợp tác quốc tế, bảo vệ bản quyền và hình thành các dự án trọng điểm… để tạo sức hấp dẫn đầu tư trong công nghiệp văn hóa. Thành phố đã có những không gian sáng tạo nhưng ở mức độ nhỏ lẻ, chưa thu hút được nhân tài đam mê sáng tạo văn hóa và kết nối với thế giới bằng công nghệ hiện đại. Chưa có doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực văn hóa. Cùng với việc xây dựng hồ sơ, thành phố cần tiếp tục chú trọng vào phát triển công nghiệp văn hóa, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để Hà Nội phát huy được sức mạnh văn hóa, trở thành “Thành phố sáng tạo” thực sự, tương xứng giữa “danh” và “thực” khi tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo”.

Quỳnh  Dung (t/h)/MASK