Hà Nội: Phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm

Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2022 – 2025 mỗi huyện, thị xã có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn triển khai từ 1-3 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch.

Quảng bá mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch

Nhằm quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) đã phối hợp với huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ tổ chức “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022”.

Tại Phú Xuyên, Festival được tổ chức với quy mô 220 gian hàng, trong đó 160 gian hàng làng nghề truyền thống và ẩm thực của huyện; 40 gian hàng doanh nghiệp và làng nghề của nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội; 20 gian hàng của các tỉnh bạn.

Hà Nội: Phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm
Người dân mua sắm ở “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022” tại huyện Phú Xuyên. (Ảnh: Diệu Anh)

Các xã, thị trấn năm nay mang đến cho Festival những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh như các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm của các làng nghề, đồng thời giới thiệu kỹ thuật và các công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo của các nghề, làng nghề; tiếp tục quảng bá tới du khách về sự tài hoa, mảnh đất, con người Phú Xuyên.

Vốn được mệnh danh là đất trăm nghề, người dân Phú Xuyên cần cù, sáng tạo và có tinh thần ham học hỏi, chính bởi vậy mà tại Festival năm nay, chị Đỗ Thị Hồng, chủ cơ sở sản xuất giày dép da Đức Anh ở xã Phú Yên đã làm mới và mang tới trưng bày, giới thiệu những mẫu mã giày dép công sở, chất lượng cao theo phong cách giày Sài Gòn.

Chị Hồng chia sẻ, cơ sở giày Đức Anh chuyên về giày công sở. Thực tế, tại làng nghề da giày truyền thống Phú Yên mọi cơ sở chủ yếu sản xuất giày nam, giày nữ cũng có nhưng ít chủ yếu là hàng chợ. “Chính vì vậy, 5 năm trước tôi đã học nghề tại thành phố Hồ Chí Minh và trở về quê để làm nghề với mong muốn phát triển giày dép công sở ở Phú Yên. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia trưng bày giới thiệu tại Festival và hy vọng sẽ giới thiệu, quảng bá để ngày càng có nhiều người biết đến giầy dép công sở Đức Anh”, chị Hồng nói.

Tại Chương Mỹ, Festival được tổ chức với quy mô 73 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu, chủ thể sản phẩm OCOP (đạt phân hạng từ 3 sao trở lên). Trong đó, 53 gian hàng doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm OCOP, làng nghề huyện Chương Mỹ và của một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội: Phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm
Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm OCOP tại “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022” ở huyện Chương Mỹ. (Ảnh: Diệu Anh)

Những sản phẩm trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại Festival được Ban tổ chức lựa chọn kỹ từ nhóm thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, vật tư nông nghiệp, ẩm thực tiêu biểu của các địa phương.

Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương cho biết, Festival là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch đến khách tham quan, người tiêu dùng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê truyền thống và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.

Giới thiệu sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của làng nghề

Là mảnh đất trăm nghề cộng với nhiều địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thời gian qua, để phát triển du lịch làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa, huyện Thường Tín cũng đã tập trung quy hoạch làng nghề, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử gắn hoạt động tham quan du lịch trải nghiệm với việc mua sắm các sản phẩm làng nghề.

Theo Phòng Kinh tế huyện Thường Tín, huyện có khoảng 126 làng nghề, trong đó có 48 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống với nhiều làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, nghề hoa cây cảnh Hồng Vân, bánh dày Quán Gánh, lược sừng Thụy Ứng…

Ngoài ra, với bề dày di tích lịch sử văn hóa tâm linh đang được trùng tu tôn tạo sẽ là những điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm, tạo điều kiện cho các làng nghề của Thường Tín cất cánh.

Hà Nội: Phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm
Sản phẩm sơn mài ở một số làng nghề tại huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Thiện Tâm)

Ngoài các làng nghề, huyện Thường Tín còn nhiều di sản tâm linh nổi tiếng. Danh thắng chùa Ðậu từ lâu đã là điểm đến thu hút đông đảo khách thập phương. Không chỉ có nét đẹp kiến trúc, chùa Ðậu còn là nơi có hai pho tượng táng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường nổi tiếng.

Thường Tín cũng tự hào có di tích liên quan đến cuộc đời của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê, có các lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Chử Ðồng Tử – Tiên Dung, lễ hội làng Từ Vân, xã Lê Lợi…

Đó là những lợi thế rất lớn để huyện Thường Tín phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái tham quan trải nghiệm. Bởi vậy, qua hơn 3 năm từ năm 2019 đến nay, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng huyện Thường Tín vẫn đón hàng trăm nghìn lượt khách tới tham quan trải nghiệm du lịch làng nghề trên địa bàn huyện. Qua đó, có thể thấy với việc đầu tư bài bản, đồng bộ, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển du lịch thì đây sẽ là hướng phát triển bền vững cho các làng nghề truyền thống của địa phương.

Việc xây dựng các tour tuyến du lịch làng nghề văn hóa tâm linh, kết nối với tuyến du lịch đường thủy với các địa phương lân cận sẽ tạo nên các tour, tuyến hoàn chỉnh, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển.

Theo ông Đỗ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, với truyền thống hơn 300 năm, nghề sơn mài Duyên Thái với những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh xảo được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Với 2 thôn có nghề sơn mài truyền thống, xã Duyên Thái đã sản xuất ra nhiều sản phẩm như: Tranh, đĩa, bình, khay,… vừa làm đồ dùng, vừa làm đồ trang trí. Ngoài phương pháp truyền thống, các nghệ nhân còn ứng dụng sơn mài trên các “nền” khác nhau như vỏ dừa, cật tre, gốm sứ…

Theo định hướng của huyện, hiện xã Duyên Thái cũng đã quy hoạch cụm điểm công nghiệp làng nghề 12,4 ha, bố trí điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề, bãi đỗ xe và tour tuyến xe bus để thuận tiện cho việc đón du khách tới tham quan, mua sắm và trải nghiệm làng nghề.

Cơ sở sơn mài của bà Nguyễn Thị Hồi, thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái vốn là một trong những cơ sở sản xuất lâu năm. Để lưu giữ nghề truyền thống của cha ông, dù chịu ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19 nhưng với uy tín lâu năm cùng sự chủ động tìm kiếm thị trường, tham gia các Hội chợ giới thiệu sản phẩm làng nghề mà cơ sở của bà Hồi vẫn duy trì và phát triển, tạo việc làm ổn định cho lao động của gia đình và lao động làng nghề.

Năm 2021, để khẳng định chất lượng sản phẩm, cơ sở của bà Nguyễn Thị Hồi cũng đã đăng ký 6 sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm để tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm qua các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, làm nổi danh làng nghề sơn mài Duyên Thái trong nước và hướng tới thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Oánh, Chủ tịch UBND xã Văn Bình, huyện Thường Tín cho hay, với định hướng phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế có vai trò quan trọng, Thường Tín đang nỗ lực xây dựng điểm đến có tính chất là điểm nhấn cho du lịch của huyện với việc quy hoạch làng nghề Duyên Thái, xây dựng Khu tưởng niệm Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, trùng tu tôn tạo di tích Văn từ Thượng Phúc để vinh danh truyền thống khoa bảng, Chùa Pháp Vân và Chùa Bình Vọng của xã Văn Bình.

Trong xã hiện có 4 đình, 5 chùa thì đến nay cũng đã có 3 đình, 3 chùa với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm cũng đã được trùng tu tôn tạo. Còn 1 đình, 2 chùa của địa phương cũng đang được đầu tư xây dựng để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn này mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân – hợp tác xã – hộ kinh doanh – doanh nghiệp.

Thành phố sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn.

UBND Thành phố cũng sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.

 

Thiện Tâm – Diệu Anh