Hà Nội sẽ thanh tra 392 khu đô thị, chung cư về lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1611QĐ/UBND về việc phê duyệt kế hoạch công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2023.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2ha trở lên đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đã và đang triển khai (trong đó có 98 dự án cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng và 168 dự án chưa hoàn thành).

Theo kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội dự kiến thành lập 17 đoàn thanh, kiểm tra 392 đơn vị, tổ chức trên địa bàn Thành phố.

Danh sách kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường có hàng loạt dự án, khu đô thị, khu chung cư lớn như: Khu đô thị Parkcity Hanoi và trạm xử lý nước thải Parkcity (quận Hà Đông) của Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam; khu đô thị mới Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng) của Công ty TNHH Xuân Phương.

Hà Nội sẽ thanh tra 392 khu đô thị, chung cư về lĩnh vực bảo vệ môi trường
Theo kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội dự kiến thành lập 17 đoàn thanh, kiểm tra 392 đơn vị, tổ chức trên địa bàn Thành phố về lĩnh vực bảo vệ môi trường (Ảnh: Minh họa)

Khu chức năng đô thị Thành phố Xanh của Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng tại phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm); dự án liền kề Hibrand Văn Phú thuộc khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) của Công ty TNHH Hibrand Việt Nam.

Chung cư The Emerald Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) của Công ty CP Đầu tư Bất động sản Mỹ Đình; dự án chung cư Tecco Garden (huyện Thanh Trì) của Tecco Group chi nhánh Hà Nội; khu nhà ở xã hội IEC Residences Tứ Hiệp – Thanh Trì của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Cơ điện IEC.

Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, cùng với việc phát hiện, xử lý các vi phạm, các lực lượng chức năng phải tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, hậu kiểm việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, hậu kiểm việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, có trách nhiệm chuyển hồ sơ trường hợp có dấu hiệu tội phạm về môi trường cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu…

Hoạt động kiểm tra, thanh tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, bám sát hướng dẫn, định hướng của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chỉ đạo của Thành phố… để nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm tra, thanh tra pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Việc thanh kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải đảm bảo nguyên tắc không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bình thường của tổ chức, cá nhân.

Anh Tuấn
https://laodongthudo.vn/ha-noi-se-thanh-tra-392-khu-do-thi-chung-cu-ve-linh-vuc-bao-ve-moi-truong-154591.html