Những ngày đầu thu này, đi dọc các con phố Thụy Khuê, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, quanh hồ Gươm, hồ Tây,… thấy rợp trời hoa khoe sắc. Những người bán dong chở những chiếc xe nặng trĩu hoa tươi, rong ruổi khắp phố phường. Không chỉ những ngày thu, mà quanh năm, nhìn bất kể góc phố nào của Hà Nội cũng đều thấy hoa. Có lẽ, hoa đã trở thành một phần tiêu biểu của phố phường Hà Nội.
Nghề trồng hoa mang lại thu nhập cho người dân và tô đẹp phố phường. |
Hoa từ đâu mà có? Chắc ít ai đặt câu hỏi như thế. Để có những đóa hoa điểm tô khắp mọi ngóc ngách của Thủ đô là bàn tay của những người nông dân vùng ven đô đã mạnh dạn bắt nhịp cùng sự phát triển chung của nền kinh tế, trồng hoa trên mảnh đất quê hương, để những đóa hoa nở rộ ngẩng đầu đón mặt trời trên những cánh đồng.
Nghề trồng hoa không chỉ đưa đến thu nhập cho người trồng mà còn tô điểm làm đẹp cho phố phường, làng quê. Giờ đây, không chỉ những ngày giáp Tết mà quanh năm, các “vựa hoa” ở khắp nơi khiến nhiều người đắm say, ngây ngất trong sắc hoa nở rộ. Ngoài các làng nghề hoa truyền thống, vài năm gần đây, các huyện ngoại thành Hà Nội cũng phát triển mạnh nghề trồng hoa, cây cảnh, hình thành vùng sản xuất chuyên canh. Có thể kể đến như Phúc Thọ, Thường Tín, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Trì, Gia Lâm,…
Những vùng đất bãi sau nhiều năm hoang phế, đến nay đã được phủ kín bởi hoa. Đến những “vùng hoa” này, người ta sẽ nghe thấy âm thanh của những “nốt nhạc” đổi mới, tươi sáng từ mô hình trồng hoa được cải tạo từ các vùng đất bãi.
Với lợi thế nằm ven sông Hồng và sông Đuống, nhiều xã trên địa bàn huyện Gia Lâm đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, khai thác hiệu quả đất nông nghiệp vùng bãi, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Những xã có đất bãi ven sông Hồng, sông Đuống, có tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh là Kim Sơn, Phù Đổng, Trung Mầu, Văn Đức…
Đến xã Phù Đổng, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi những vườn hoa giấy nối liền nhau từ đầu làng đến tận chân đê. Cách đây hơn 20 năm, một số hộ dân ở Phù Đổng đã bắt đầu trồng cây cảnh, hoa giấy. Nhờ sự khéo léo của bàn tay, khối óc con người cùng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp nên nghề trồng hoa, cây cảnh ở Phù Đổng ngày càng phát triển, trở thành nghề mang đến thu nhập chính.
Thuộc thế hệ trẻ làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Đặng Thị Thúy (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) là một trong những nông dân có cách làm nông nghiệp tiên tiến theo định hướng của huyện Gia Lâm cũng như của thành phố Hà Nội. Chị đầu tư khoan giếng lắp đặt máy bơm tại chỗ, lắp đặt hệ thống tưới nước đường ống tự động, các công đoạn chăm sóc vận chuyển hoa cây cảnh được cơ giới hóa bằng máy móc hiện đại. Chị cũng đầu tư thêm các phương tiện vận chuyển, đặc biệt là xe tải 2,5 tấn để vận chuyển hoa, cây cảnh đến các tỉnh xa như Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Cao Bằng,… và gần hơn là Hòa Bình, Bắc Giang.
Chị Thúy vui mừng cho biết, sau những chật vật khó khăn của những “năm Covid”, đến nay vườn đã được nhiều khách hàng từ các tỉnh miền Trung và miền Nam biết đến nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày vườn tiêu thụ số lượng hoa cây cảnh từ 20-30 triệu đồng, có những ngày nhận đơn lớn vài trăm triệu đồng.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trên cả nước, chị Thúy đã thay đổi nhiều loại cây trồng để phục vụ khách hàng tất cả mọi miền tổ quốc. Mùa hè nắng nóng thì có những loại hoa giấy, tuyết sơn, nguyệt quế chịu được nhiệt độ cao, còn mùa đông thì hoa hồng và các loại hoa phục vụ ngày Tết. Còn cây giống thì chị luôn cập nhật những cây khỏe, bền và đẹp để dễ chăm sóc. Vườn hoa cũng kết hợp trồng xen canh các cây với nhau, để đến mùa nào cũng có cây để bán.
Nếu như cách đây hơn 10 năm, trên những cánh đồng, vùng bãi của huyện Đan Phượng chỉ có cây lúa, rau màu thì nay nơi đây đã trở thành những vựa hoa đủ màu sắc trải dài tít tắp.
Cánh đồng hoa cúc, hoa ly của gia đình ông Nguyễn Đắc Chiến tại xã Thọ Xuân những ngày này như một bức tranh đa sắc, mang lại vẻ đẹp cho vùng quê Đan Phượng và cũng là điểm nhấn kinh tế nông nghiệp ở nơi đây. Chia sẻ về ý tưởng chọn cây hoa cúc để làm giàu cho gia đình, ông Chiến cho hay, đây là loại hoa thông dụng, nhưng lại là thiết yếu với mọi gia đình Việt Nam.
Xuất phát từ những suy nghĩ nói trên mà từ nhiều năm nay gia đình ông Chiến đã chuyển đổi toàn bộ diện tích gieo cấy lúa sang chuyên trồng cây hoa. Theo đó, mỗi tháng đôi lần vào các ngày tuần tiết, lễ tết gia đình ông đều có hàng vạn cành hoa cúc các loại xuất bán cho người tiêu dùng trong khu vực.
Ông Nguyễn Đắc Chiến chia sẻ: “Năm 2012, tôi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng hoa tập trung của một số mô hình trong huyện và quyết định vay vốn đầu tư cải tạo đất và mua cây giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình trồng hoa cúc, hoa ly. Trong quá trình thực hiện mô hình tôi luôn nhận được sự giúp đỡ về kỹ thuật, cách phòng, chống sâu bệnh của Hội nông dân xã Thọ Xuân”.
Ông Đào Quang Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Xuân cho biết, năm 2012, sau khi chính quyền địa phương định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng hoa ly mang lại giá trị kinh tế cao. Một số hộ dân tự chuyển đổi có hiệu quả thì bà con nông dân trong thôn cũng học tập và nhân rộng.
Với diện tích đất tự nhiên không nhiều, lao động nông thôn chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên chính quyền xã Thọ Xuân đã chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là mô hình trồng hoa ly cao cấp nhằm phát triển nghề nông theo hướng hiện đại. Đến nay, hầu hết các hộ tham gia mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống nông thôn. Trồng hoa ly thương phẩm là hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững, lâu dài của địa phương.
Cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp từ trồng lúa sang trồng hoa ly – một trong những loài hoa đẹp và được ưa chuộng nhất thế giới, gia đình anh Trịnh Trường Giang ở thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Sáng sớm, khi mặt trời đỏ rực phía Đông xã Liên Hồng, anh Trịnh Trường Giang đã có mặt trên cánh đồng hoa ly ngập tràn sắc hương. Niềm hạnh phúc của anh là được chăm sóc những đóa hoa tươi đẹp, mang lại niềm vui và sức sống cho đời này.
Trước khi quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng hoa, anh Trịnh Trường Giang đã tham quan nhiều mô hình ở nhiều nơi để học hỏi đúc kết kinh nghiệm, cách làm hay. Với diện tích chuyển đổi 9,7ha, anh đã áp dụng thành công mô hình trồng hoa ly, hoa loa kèn trên đất nông nghiệp của gia đình, mang lại giá trị kinh tế cao.
Mô hình kinh tế của gia đình anh đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống nông dân. Qua đó, giúp cho người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Những năm gần đây, nhiều người dân huyện Đan Phượng đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng cây lúa sang mô hình trồng hoa. Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã tập trung giúp người dân ở khâu làm hạ tầng, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xử lý dịch bệnh cho cây hoa. Đến nay, nhiều người dân từ các địa phương khác đã đến Đan Phượng tham quan và học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế từ mô hình trồng hoa ly….
Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho hay, huyện Đan Phượng đang tiếp tục khai thác tiềm năng quỹ đất bãi bồi ven sông. Các mô hình nông nghiệp xanh, theo hướng sinh thái, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang từng bước phát triển. Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng hoa đã mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân huyện Đan Phượng, mở ra hướng đi kinh tế mới gắn với phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp.
Thanh âm từ làng hoa truyền thống
Một ngày thời tiết đẹp, khi đến với làng hoa xã Mê Linh, huyện Mê Linh bạn sẽ cảm nhận được một không khí rực rỡ sắc màu và tình yêu hoa của người dân Mê Linh. Hàng trăm năm nay, làng hoa Mê Linh được mệnh danh là thiên đường của sắc màu với những vườn hoa đủ loại ngập tràn hương sắc. Với diện tích hàng chục ha, và hàng trăm hộ dân gắn bó với nghề trồng hoa, đã góp phần tạo nên một cánh đồng ngập tràn sắc hoa. Những vườn hoa thơm ngát, màu sắc đỏ của hoa hồng, màu vàng của hoa cúc làm rực lên cả một vùng hoa “thiên đường”…
Với nghề trồng hoa truyền thống có từ vài chục năm, từ việc trồng hoa với diện tích manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là các giống hoa truyền thống, đến nay huyện Mê Linh đã hình thành các vùng trồng hoa quy mô lớn với các giống hoa chất lượng cao đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong vùng.
Cùng với việc triển khai trồng các loại hoa có chất lượng cao, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được nông dân ứng dụng vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng như trồng hoa trong nhà lưới, nhà màng… Bên cạnh việc trồng hoa lấy bông, các mô hình trồng hoa thảm, hoa cây cảnh, hoa hồng thế, bonsai… đang được phát triển mạnh. Nhờ nghề trồng hoa lâu năm với giàu kinh nghiệm của nông dân trong vùng, nhất là việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động địa phương.
Nhiều năm qua, ông Phạm Đức Tài ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh đã cần mẫn, miệt mài gây dựng lên một nhà vườn rộng 7.200m2 với hàng chục nghìn gốc hồng bonsai đủ kiểu dáng, mỗi năm cho nhập hơn một tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi 600-700 triệu đồng.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, ngay từ nhỏ, ông Phạm Đức Tài đã gắn bó với việc làm nông nghiệp. Trải qua nhiều công việc, trồng nhiều loại cây nhưng đều chưa đem lại hiệu quả, ông Tài đã hình thành ý tưởng trồng hoa. Với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, mô hình nhà vườn của gia đình ông ngày càng mở rộng về quy mô và chủng loại. Hiện nay, diện tích trồng hoa của gia đình ông đạt 7.200m2 gồm hàng chục nghìn gốc hồng. Để tạo nên thương hiệu riêng cho nhà vườn, ông đã chủ động đi trước, đón đầu trong việc lai tạo, nhân giống các loại hoa mới.
Mô hình trồng hoa đồng tiền huyện Đan Phượng. |
Hoa, cây cảnh là thú chơi tao nhã, là nét văn hóa của người Hà Nội. Thúc đẩy sản xuất hoa, cây cảnh phát triển thành ngành kinh tế sẽ nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, nghề trồng hoa, cây cảnh ở Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra được nhiều vùng chuyên canh lớn, hình thành được một số doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao, đang từng bước tham gia xuất khẩu.
Nằm ở phía Đông huyện Thường Tín với diện tích đất nông nghiệp 512ha, xã Vân Tảo có điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng hoa đào, biến nơi đây trở thành vùng đất truyền thống với nghề trồng hoa đào.
Vân Tảo phát triển nghề trồng hoa đào từ năm 1990, tuy nhiên, hàng chục năm sau đó phạm vi mở rộng trồng hoa đào vẫn chưa nhiều. Những năm gần đây, nhiều hộ ở Vân Tảo tăng diện tích chuyển đổi sang trồng hoa đào và cây cảnh. Từ đôi bàn tay và khối óc của mình, người dân Vân Tảo đã tìm ra cho mình nguồn kinh tế mới, trở thành hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở xã. Vân Tảo hiện có khoảng 1,2 nghìn hộ với trên 92 nghìn ha trồng hoa đào ở thôn Nội Thôn và thôn Đông Thai cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/năm/ha.
Bà Trần Thị Thơm, một hộ trồng đào ở Vân Tảo cho biết, trước đây cây đào chỉ được trồng ở một vài thôn nhưng đến nay đã phát triển ra toàn xã. Trong những năm tới, xã tiếp tục chủ trương chuyển đổi đất lúa truyền thống sang trồng đào và gieo trồng rau màu các loại. Nghề trồng đào đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, do đó, đa số các hộ đều lấy cây hoa đào làm kinh tế chủ lực.
Hầu hết các vườn đào có quy mô tại Vân Tảo trồng khoảng 400 – 500 gốc, với số vốn bỏ ra hàng tỷ đồng. Nhiều nhà vườn lớn mạnh tay mở rộng quy mô lên đến trên dưới 1 nghìn gốc với số vốn bỏ ra lớn hơn. Trong đó phải kể đến vườn cây cảnh của hộ ông Nguyễn Văn Khả, anh Nguyễn Văn Đông, ông Bùi Văn Tá… là những nhà vườn sở hữu gốc đào quý hiếm, giá trị cao.
Hằng năm, làng nghề đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng trên 1 nghìn lao động tại địa phương, thu nhập bình quân lao động từ 10 – 15 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, hoa đào đã góp phần đưa cuộc sống người dân Vân Tảo ngày càng sung túc, khấm khá hơn, đem lại những khởi sắc cho diện mạo nông thôn vùng đất này.
Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những vườn đào ở Vân Tảo lại đơm hoa, khoe sắc. Vân Tảo hôm nay đã trở thành vựa trồng đào có tiếng của Hà Nội, khẳng định hướng phát triển mới cho vùng đất nông nghiệp trù phú và mang đến cuộc sống ấm no, sung túc cho người dân nơi đây.
Viết tiếp câu chuyện của làng hoa
Hoa, cây cảnh gắn bó mật thiết với thăng trầm của lịch sử dân tộc và của Hà Nội. Đây không chỉ là một thú chơi mà còn là nét văn hóa của người dân Thủ đô…, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị văn minh. Cùng với rau màu, hoa được xác định là sản phẩm chủ lực thuộc lĩnh vực trồng trọt của Hà Nội.
Dự kiến, đến năm 2025, diện tích canh tác hoa toàn Thành phố đạt khoảng 9.000 ha. Theo định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu sẽ phát triển từ 8 – 9 nghìn ha hoa các loại. Trong đó, diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao đạt từ 500 – 700 ha. Hà Nội cũng sẽ phát triển vùng hoa theo hướng tăng trưởng bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái. Trong định hướng phát triển đến năm 2025, Hà Nội cũng sẽ chuyển đổi dần những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh. Khai thác nhằm tạo sinh kế và phát huy hiệu quả đất bãi ven sông để tập trung phát triển hoa, cây cảnh, cây công trình theo hướng trang trại gắn với du lịch trải nghiệm.
Hà Nội hiện là địa phương được đánh giá có mức tăng trưởng trong ngành trồng hoa, cây cảnh lớn nhất cả nước. Mấy năm trở lại đây, diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội cũng tăng mạnh từ 5.484 ha năm 2015 lên 7.960 ha năm 2020. 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín… với nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Để phát triển kinh tế nông thôn, bên cạnh phát triển các loại cây trồng vật nuôi phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân, Uỷ ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định 390/QĐ-UBND năm 2019 về Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp Thành phố, trong đó cần khuyến khích và ưu tiên, hỗ trợ, thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hoa, cây cảnh cũng đang là sản phẩm nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nông nghiệp thông minh trên địa bàn Thủ đô.
Với lợi thế là đất trăm nghề, đến nay, Hà Nội đã công nhận 11 làng nghề, làng nghề truyền thống về hoa, cây cảnh như: Làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo, Xâm Xuyên, Nội Thôn ở Thường Tín; làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi, Liễu Trì, Đại Bái ở Mê Linh; làng nghề cây cảnh, hoa giấy thôn Phù Đổng ở Gia Lâm; làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu ở quận Bắc Từ Liêm; làng nghề trồng quất cảnh xã Tàm Xá huyện Đông Anh; làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân, làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên quận Tây Hồ…
Bảo Thoa